Rắc rối việc giám hộ cho người tâm thần bị đốt

Khi đi làm đồng về, anh Lê Văn Việt thấy cây trong vườn nhà bị phá. Cho rằng bà Trần Thị Bé là thủ phạm, anh Việt đã lôi bà đến vườn cây rồi cùng vợ lấy lá khô châm lửa đốt tay bà làm bà bỏng hai bàn tay. Hay tin, ban cán sự xóm chủ động hòa giải hai gia đình. Chưa rõ diễn tiến tới đây thế nào vì đến nay anh, chị của bà Bé chưa yêu cầu xử lý hình sự vợ chồng anh Việt.

Rõ ràng là vợ chồng anh Việt đã có hành vi vi phạm pháp luật khi đốt tay bà Bé, vốn là người bị bệnh tâm thần nên không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Sự lên án của dư luận đối với những hành vi bất nhẫn như thế là rất cần thiết để cái ác dần dần được hạn chế. Tuy nhiên, có hai vấn đề pháp lý cần đặt ra trong vụ việc này.

Hành vi của vợ chồng anh Việt có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo điểm d khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự (nạn nhân là người không có khả năng tự vệ). Nhưng vụ án về tội phạm này chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại. Nếu ngay từ đầu phía người bị hại không yêu cầu khởi tố thì cơ quan công an không được quyền xử lý hình sự.

Vì bị bệnh tâm thần nên bà Bé có thể thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự và thân nhân của bà có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định tuyên bố về việc này căn cứ vào kết luận của tổ chức giám định. Khi được xác định mất năng lực hành vi dân sự, bà Bé phải có người giám hộ. Cha mẹ của bà đều đã mất, bản thân bà không có chồng, con, vậy ai là người giám hộ của bà? Có phải là anh, chị của bà do họ đang sống chung và nuôi dưỡng bà như nhiều người đã nghĩ?

Theo quy định của các điều 62, 63 Bộ luật Dân sự, có hai dạng người giám hộ của người thành niên mất năng lực hành vi dân sự: người giám hộ đương nhiên và người giám hộ được chỉ định. Người giám hộ đương nhiên gồm có vợ, chồng, con, cha, mẹ. Khi không có người giám hộ đương nhiên kể trên thì UBND cấp xã nơi cư trú của đương sự có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ.

Đối chiếu quy định này với trường hợp cụ thể của bà Bé thì anh, chị đang sống chung với bà không phải là người giám hộ của bà. Họ chỉ được xem là người giám hộ của bà Bé sau khi đã được UBND xã lập văn bản cử họ làm người giám hộ để họ được quyền đại diện cho bà trong các giao dịch dân sự; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà.

Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HÙNG (Đoàn luật sư TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm