Quyền góp ý thỏa ước lao động tập thể

Vậy tôi có được tham gia đóng góp về TƯLĐTT hay các văn bản khác để bảo đảm quyền lợi cho người lao động (NLĐ) như tôi không?

Hoàng Mai (saobien22787@...)

Ông NGUYỄN TẤT NĂM, Trưởng phòng Pháp chế - Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, trả lời: Theo Nghị định số 87 ngày 28-5-2007 của Chính phủ (ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập theo Luật Doanh nghiệp 2005), việc thực hiện quy chế dân chủ ở những công ty trên nhằm tạo điều kiện để NLĐ được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định và giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của NLĐ. Việc thực hiện quy chế này cũng nhằm nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của người quản lý công ty đối với NLĐ; thiết lập mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, góp phần ngăn ngừa và hạn chế tranh chấp lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh…

Điều 6 của nghị định quy định người quản lý của công ty phải công khai cho NLĐ được biết về chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan trực tiếp đến NLĐ; nhiệm vụ và các chỉ tiêu kế hoạch hằng năm của công ty, của phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội; các nội quy, quy chế, quy định của công ty. Điều 8 của nghị định cũng quy định NLĐ được quyền tham gia ý kiến về những vấn đề công khai trong đó có TƯLĐTT hay các vấn đề khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của NLĐ.

Về hình thức tham gia, theo Điều 9 nghị định trên, NLĐ tham gia ý kiến dưới các hình thức: hội nghị NLĐ trong công ty; hội nghị triển khai công tác của các phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất; đối thoại giữa người quản lý công ty và tập thể NLĐ thông qua tổ chức Công đoàn, hòm thư góp ý và người quản lý công ty tiếp NLĐ theo định kỳ.

Nếu đúng như ông nói thì công ty của ông đã vi phạm việc thực hiện quy chế dân chủ quy định tại Nghị định 87/2007. Ông có quyền yêu cầu người quản lý công ty hoặc ban chấp hành công đoàn cơ sở thực hiện quy định trên để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.

NHƯ NGHĨA ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm