Quy định mới về dạy lái xe còn nhiều vướng mắc

Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung quy định về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2019. Nhưng đến nay các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch trên cả nước vẫn còn nhiều thắc mắc về các quy định mới trong thông tư này. Dưới đây là những ý kiến chúng tôi ghi nhận được.

Thời gian ngắn, không thể làm ngay được

Bà TRẦN THỊ VINH

Thông tư 38/2019 ra ngày 8-10-2019 và có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 1-12-2019. Với thời gian ngắn, chưa tới 60 ngày thì không cơ sở, trung tâm nào có thể đáp ứng được các quy định mới theo thông tư này.

Cạnh đó, đến nay Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thì làm sao triển khai thực hiện. Chúng tôi có hỏi lắp đặt loại camera, thiết bị định vị nào cho hợp thì cơ quan chức năng ở địa phương nói kiểu này, tổng cục lại bảo phải lắp kiểu kia… Cuối cùng trung tâm không biết lắp kiểu nào cho phù hợp. Hay như về môn học tác hại của rượu bia khi lái xe. Đây là môn học mới trong chương trình đào tạo lái xe, giúp cho học viên ý thức, trách nhiệm hơn trong việc sử dụng rượu bia. Nhưng đến nay vẫn chưa có nội dung, bài vở cụ thể nên trung tâm không biết tới đây sẽ giảng dạy cho học viên ra sao.

Những quy định mới nêu trên là cần thiết, giúp ích cho người học nhưng thời gian triển khai quá ngắn nên khi làm sẽ rất lụp chụp. Do đó, các cơ sở đào tạo rất mong Bộ GTVT, tổng cục có hướng dẫn cụ thể, có lộ trình thực hiện từng công việc chứ không thể làm ngay được.

TRẦN THỊ VINH, Giám đốc Trung tâm Sát hạch
lái xe cơ giới TP Cần Thơ

Từ 1-5-2020, tất cả xe tập lái phải được trang bị camera để nhận dạng học viên. Ảnh: LƯU ĐỨC

Chưa có quy chuẩn cho cabin điện tử mô phỏng lái xe

Ông NGUYỄN THẮNG QUÂN

Ý tưởng sử dụng cabin điện tử mô phỏng lái xe được Bộ GTVT đưa ra từ những năm 1995 đến 2000 nhưng đã bị đình lại vì tính hiệu quả trong đào tạo lái xe rất thấp. Loại cabin điện tử được sản xuất từ những năm đó đến nay như các trò chơi điện tử lái xe, không phù hợp cho việc đào tạo lái xe thực tế.

Thông tư 38/2019 đưa ra quy định các cơ sở đào tạo phải lắp đặt loại thiết bị trên trong khi chưa có quá trình thí điểm, rút kinh nghiệm là rất khó thực hiện. Đến nay các cơ quan chức năng cũng chưa ban hành quy chuẩn (QCVN) về loại thiết bị này, gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo khi trang bị.

Theo tôi, cơ quan chức năng cần ban hành QCVN cho các thiết bị cần trang bị theo yêu cầu của Thông tư 38/2019 như camera, cabin điện tử, hộp đen… Có quy chuẩn rõ ràng thì các cơ sở mới có cơ sở mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo ngày càng chất lượng hơn.

Ông NGUYỄN THẮNG QUÂN, Chủ tịch Chi hội đào tạo - sát hạch lái xe,
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Nên tạm dừng thực hiện Thông tư 38/2019

Ông HOÀNG ĐỨC HẢI

Thông tư 38/2019 đặt ra nhiều quy định mới để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe nhưng rất khó thực hiện được ngay. Ví dụ quy định từ ngày 1-5-2020, các cơ sở đào tạo lái xe phải ứng dụng công nghệ nhận dạng (bằng hình ảnh và vân tay), theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đối với học viên. Muốn sử dụng công nghệ này thì cơ sở đào tạo phải trang bị máy móc nhận dạng vân tay, camera ghi hình ảnh học viên với chi phí rất lớn.

Với các trường, cơ sở đào tạo thuộc các bộ, ngành như GTVT, công an, LĐ-TB&XH… thì việc mua các loại thiết bị trên là đầu tư công. Mà đầu tư công thì phải thông qua cơ chế phê duyệt, đấu thầu mua sắm…, mất rất nhiều thủ tục, thời gian. Vì thế, đến thời hạn 1-5-2020, các trường, cơ sở đào tạo chưa thể mua sắm, lắp đặt xong các loại thiết bị trên. Theo tôi, Bộ GTVT nên tạm dừng hoặc giãn thời gian thực hiện Thông tư 38/2019 để các cơ sở có thời gian chuẩn bị.

Ông HOÀNG ĐỨC HẢI,  Trường CĐ GTVT Trung ương II, TP Hải Phòng

Đăng ký vân tay mới được học, được thi

Thông tư 38/2019 quy định các cơ sở đào tạo, sát hạch phải trang bị, ứng dụng công nghệ nhận diện hiện đại. Cách thức nhận dạng, nhận diện sẽ là chụp ảnh so sánh khuôn mặt, so sánh vân tay người học và có thể sau này là nhận dạng mống mắt.

Như vậy, các cơ sở đào tạo phải trang bị các thiết bị kỹ thuật như camera, máy soi chiếu để nhận diện khuôn mặt, nhận dạng và so sánh vân tay. Camera thì buộc phải gắn ở cả phòng học lý thuyết, phòng thi sát hạch lý thuyết và trên xe tập lái, xe thi lái trong hình, xe thi trên đường trường.

Về phía học viên, ngoài chụp ảnh như lâu nay thì sẽ phải thêm phần đăng ký vân tay. Như vậy, khi học viên học (lý thuyết, tập lái) hoặc thi sát hạch (lý thuyết, thi tay lái trong hình và trên đường trường) đều phải qua chụp ảnh, nhận dạng vân tay đúng với đăng ký thì mới được học, được thi. Theo lộ trình thì từ 1-5-2020 mới áp dụng việc nhận dạng vân tay. Vì thế hiện nay học viên vẫn học thi bình thường.

Ông NGÔ ĐÌNH QUANG, Trưởng phòng Quản lý sát hạch, 
cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm