Quan khách tranh giành hàng giả: Có thể bị phạt

Clip quan khách và người của Bộ KH&CN lao vào lấy hàng giả (báo Pháp Luật TP.HCM ngày 24-10 có bài viết “Tiêu hủy hàng giả nhưng… mạnh ai nấy lấy”) khiến dư luận khá bức xúc.

Chống hàng giả kiểu ấy, nói ai nghe?

Nếu tôi làm hàng giả, nhìn món đồ mà mình bỏ công sức, tiền bạc để làm ra (dù là hàng nhái) bị tịch thu tiêu hủy, tiếc đứt ruột chứ nhưng mình vi phạm thì đành chấp nhận hình phạt. Nếu món hàng bị tịch thu ấy được cơ quan chức năng làm đúng trách nhiệm thì tôi tâm phục khẩu phục ngay. Nhưng đọc bài “Tiêu hủy hàng giả nhưng… mạnh ai nấy lấy”, tôi cảm thấy xấu hổ thay. Những người mang hàng giả về dùng là người thực thi pháp luật, tuyên truyền pháp luật về cuộc chiến chống hàng giả. Kêu gọi chống hàng giả mà chính mình lại sử dụng nó thì hóa ra đang tiếp tay cho những việc làm sai trái ấy. Họ có sĩ diện hay không?

TRẦN MINH TÂM, chủ xưởng may ở quận 12, TP.HCM

Làm tiêu tan mọi nỗ lực trước đó

Xem clip, chúng tôi rất bức xúc vì hình ảnh quá phản cảm.

Để đi đến được khâu cuối cùng trong xử lý hàng giả đòi hỏi quá trình đấu tranh lâu dài của nhiều khâu, của các cơ quan quản lý. Khâu tiêu hủy thiếu chặt chẽ đã khiến cho các quy trình, nỗ lực trước đó như vô nghĩa. Khi việc thực thi, quy trình xử lý không triệt để thì uy tín của lực lượng chống hàng giả của Việt Nam đối với quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Trách nhiệm của hội đồng tiêu hủy ở đâu, hội đồng này lập ra là để giám sát quy trình tiêu hủy nhưng sao lại để xảy ra sai trái?

Một điểm chưa chặt chẽ trong quy trình tiêu hủy là cơ quan chức năng đã không mời chủ sở hữu thương hiệu hay đại diện thương hiệu đến chứng kiến giám sát. Dù luật không bắt buộc nhưng sự có mặt này đảm bảo tính khách quan.

Một công ty luật đại diện các thương hiệu LV, Lacoste

Tranh nhau lấy hàng giả về dùng. (Ảnh cắt từ clip)

Thất vọng!

Phải chăng trước đây cũng từng xảy ra tương tự nhưng thông tin không được phơi bày? Tôi rất thất vọng vì quá trình chống hàng giả rất gian nan, từ việc xác minh thông tin đến tiêu hủy là quá trình dài, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng chống hàng giả nỗ lực rất nhiều nhưng khâu tiêu hủy lại không nghiêm.

Các cơ quan chức năng phải xem lại cách tổ chức tiêu hủy. Tôi đề nghị khi lực lượng chức năng bắt được hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng đem đi tiêu hủy thì phải công khai.

Ông PHẠM HẢI PHONG, đại diện nhà phân phối của hãng đồng hồ Tissot

Có trách nhiệm mà lại tiếp tay

Khi doanh nghiệp phối hợp với lực lượng chức năng chống hàng giả, mong muốn của doanh nghiệp là những sản phẩm xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng… phải bị tiêu hủy. Vì vậy, nếu việc tiêu hủy không thực hiện nghiêm túc, những sản phẩm đó bị đưa ngược ra thị trường thì thiệt hại cho DN lẫn người tiêu dùng.

Các đơn vị khi xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đều phải cam kết không bán hàng nhái, hàng giả… niêm yết rõ ở cửa hàng, điểm bán. Nếu bị phát hiện thì đơn vị kinh doanh phải chịu trách nhiệm vì chính họ là những người tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Vậy tại sao đơn vị có trách nhiệm tiêu hủy hàng giả lại để xảy ra tình trạng lấy hàng giả?

Ông NGUYỄN NGỌC TÝ, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nón Sơn

Luật sư LÊ HỮU TRÍ, Trưởng Văn phòng luật sư TriLaw:

Nhiều lỗi trong quy trình xử lý

Hội đồng xử lý việc tiêu hủy đã có các dấu hiệu vi phạm sau:

Không tiến hành kiểm đếm rõ ràng số lượng và chủng loại tang vật sẽ tiêu hủy. Hình ảnh trên clip cho thấy số tang vật được lưu giữ trong các bao, thùng nhưng khi xổ ra thì không tiến hành thủ tục kiểm đếm hoặc kiểm tra dấu niêm phong, cũng như không xác định số lượng tang vật trong từng bao, thùng. Với cách làm trên, làm sao hội đồng tiêu hủy tang vật biết chắc chắn hoặc chứng minh được rằng toàn bộ tang vật cần tiêu hủy theo quyết định đã được đưa ra tiêu hủy?

Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính, phương thức, trình tự, thủ tục xử lý tang vật bị tịch thu nhưng không có giá trị sử dụng hoặc không bán đấu giá được… được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Tang vật trong trường hợp này sẽ được xem là tài sản nhà nước và cần được bảo quản nghiêm ngặt trước khi tiến hành việc tiêu hủy. Hội đồng tiêu hủy dù có mời cơ quan công an tham gia vẫn để tang vật bị lấy đi thì xem như đã thiếu trách nhiệm trong việc bảo quản tang vật.

Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù

Hành vi tranh lấy hàng giả diễn ra công khai ngay trước mặt những người đang có thẩm quyền xử lý tiêu hủy tang vật vi phạm là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự theo Điều 137 BLHS.

Cụ thể, về xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013 thì hành vi này có thể bị xử phạt 1-2 triệu đồng. Về hình sự, theo quy định tại Điều 137 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định như sau: Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng... thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Cần lưu ý, các mặt hàng này mặc dù đây là hàng vi phạm, chuẩn bị tiêu hủy nhưng bản thân nó vẫn có giá trị cụ thể, việc bị đem xử lý tiêu hủy là do vi phạm về nhãn hiệu, quyền sở hữu công nghiệp. Trong quá trình xử lý trước khi tiêu hủy thì cơ quan chức năng cũng đã định giá các tài sản này, vì vậy có thể lấy đó làm căn cứ về mức khởi điểm để xem xét.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm