Phú Yên đâu chỉ có hoa vàng và cỏ xanh

Ấn tượng đầu tiên là khi tôi đến thăm di tích tháp Nhạn - một cổ tháp của người Chăm nằm ở bờ Bắc sông Đà Rằng (Phú Yên) có chiều cao 23,5 m. Đường lên vòng theo sườn núi nhiều đoạn lẩn khuất trong vòm cây xanh. Đến nơi thấy ngọn tháp Chăm đứng sừng sững, màu thời gian in đậm trên tường gạch. Có rất nhiều du khách đến thăm thú nơi đây nhưng tuyệt nhiên không có cảnh ăn theo dịch vụ như nhiều nơi tôi từng đến mà chỉ có nơi để xe, hàng quán cũng chỉ có một vài nơi nhưng không thách thức hét giá.

Đi vòng quanh cổ tháp, tôi dừng lại nơi phía cửa Đông của tháp và vào bên trong thắp nhang nơi bàn thờ bà Thiên - Y - A - Na (nữ thần Poh Nagar). Ở nơi đây cũng có hòm công đức để khói nhang, bồi dưỡng cho người làm vệ sinh trong khu di tích. Nhưng vấn đề là cái hòm công đức không để nơi chính diện trước bàn thờ như nhiều chùa chiền, di tích mà để khiêm nhường sang một bên. Ai có lòng thì mở hầu bao.

Du khách tham quan Tháp Nhạn (ảnh 1) và sơ đồ du lịch trên tường quán cà phê Xưa (ảnh 2), TP Tuy Hòa, Phú Yên.  Ảnh: VÕ QUÝ

Rời cảnh này, tôi lại gặp ở sân ga tàu lửa Tuy Hòa, Phú Yên. Ở đây khu vệ sinh cũng có một cái thùng đựng tiền lẻ. Người đi vệ sinh xong tự móc ví bỏ vào, chứ không như nhiều nơi khác muốn vào khu vệ sinh điều đầu tiên là phải nộp tiền đã.

Ở Tuy Hòa còn có điều lạ là khi đến quán cà phê Xưa nằm bên phía biển. Chủ quán cà phê vô cùng sáng tạo bằng cách vẽ một sơ đồ, lấy quán làm khu vực trung tâm chạy dài theo hướng Bắc-Nam với những di tích thắng cảnh của Phú Yên để khách phương xa khi ghé quán có thể hình dung cho rõ những nơi muốn đến, khỏi phải hỏi thăm nhờ chỉ đường hay mở mạng hỏi thăm bác Google.

Đi trên đường phố Tuy Hòa có khi hỏi thăm về quán ăn, về một con đường cần tìm, vài người đã trả lời cho tôi hết sức chu đáo. Trên đường ra ga, tôi chuyện trò với bác tài xế taxi. Anh bảo Tuy Hòa (Phú Yên) là tỉnh lẻ, nhịp sống chậm hơn nhiều tỉnh/TP trong cả nước và có thể cũng vì thế mà cách ứng xử, hành xử của con người cũng nhẹ nhàng hơn…

Thế nhưng trong tôi lại nghĩ khác. Những năm qua, dựa vào lợi thế của vùng đất có nhiều di tích thắng cảnh, có lắm núi, nhiều sông và biển cả, nhiều tỉnh/TP ở miền Trung kêu gọi doanh nghiệp bỏ tiền tỉ để đầu tư, đón du khách về tham quan, nghỉ dưỡng. Điều này tạo nên diện mạo mới của vùng đất, tạo điều kiện cho dân địa phương có thêm việc làm. Đó là điều tích cực, cần làm nhưng chừng đó chưa đủ.

Bên cạnh xây dựng những công trình văn hóa, tôn tạo các di tích lịch sử cũng cần chú trọng xây dựng môi trường văn hóa thân thiện và tế nhị để du khách đến thăm có ấn tượng tốt. Đó là cách tiếp thị tuyệt vời mà những nhà lãnh đạo quản lý văn hóa trên địa bàn các tỉnh, thành cần suy nghĩ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm