Phòng tránh tai nạn do nổ bánh trước

(Pháp Luật TP.HCM ngày 26-7), một tài xế lâu năm đã chia sẻ một số kinh nghiệm liên quan.

Nổ bánh trước khi xe đang chạy ở tốc tộ cao là sự cố đáng sợ nhất của tài xế. Những vụ tai nạn do nổ bánh gần đây với hậu quả thảm khốc đã chứng minh điều đó. Điều này thôi thúc một tài xế có một chút thâm niên như tôi phải viết vài dòng gửi đến bạn đọc, đồng nghiệp để cùng trao đổi và học hỏi.

Qua kinh nghiệm bản thân và tham khảo nhiều người khác, tôi xin liệt kê một số tác nhân gây nổ vỏ như sau: Bị vật sắc nhọn tác động khi xe đang chạy; vỏ bơm căng quá hoặc bơm không đủ áp suất, gai mòn không đều; xe chở quá tải, chạy tốc độ cao; vỏ yếu hoặc vỏ còn mới nhưng bị “thương tích” tiềm ẩn gặp phải trong các hành trình trước; vỏ quá niên hạn sử dụng hoặc sử dụng không phù hợp với thông số kỹ thuật cho phép in bên hông vỏ.

Phòng tránh tai nạn do nổ bánh trước ảnh 1

Nhiều người dân đã có mặt tại địa điểm xảy ra sự cố nổ vỏ bánh trước của một xe tải ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Ảnh: ĐẮC LAM

Để tránh xảy ra tai nạn, ngoài khắc phục các nguyên nhân nêu trên, anh em tài xế cần lưu ý thêm một số điều sau:

- Vỏ dùng cho bánh trước phải là chất lượng tốt nhất trong xe của bạn (trên 65%). Hai vỏ này cùng một kích thước và mòn đều nhau, lắp đúng chiều hoa, răng của nó. Nếu thấy gai mòn không đều nhau thì phải đi cân chỉnh tay lái hoặc đảo vỏ. Khi đi trên đường nếu có một vỏ trước hỏng thì không nên dùng vỏ sơ cua để thay thế mà phải chọn chiếc tốt nhất trong xe mình, dù phải tháo từ bánh sau.

- Luôn bơm vỏ đúng áp lực quy định; trang bị một chiếc đồng hồ để thỉnh thoảng đo lại áp suất vỏ (có bán nhiều ở đường An Dương Vương, quận 5, TP.HCM).

- Khi mua vỏ mới nên chú ý đọc ngày tháng sản xuất trên vỏ, vỏ tuy mới nhưng lưu kho hơn năm năm sẽ bị lão hóa. Khi thay vỏ mới, tài xế nên ghi chép lại thời điểm và chỉ số km ở đồng hồ. Vỏ dù có chất lượng cao cũng không nên dùng quá 80.000 km đối với xe tải và 40.000 km đối với xe du lịch.

- Làm chủ tốc độ, kiểm soát được mặt đường để tránh cán phải vật cứng, sắc nhọn.

- Giữ khoảng cách an toàn, khi không muốn vượt thì đừng bám sát xe trước quá, hãy giữ khoảng cách khi đã đọc được biển số xe đó.

Thông thường, nếu vỏ sau nổ thì xe dù tròng trành khá mạnh nhưng tay lái ít bị ảnh hưởng. Lúc này tài xế phải cho xe giảm tốc từ từ, ép dần vào lề đường mới được dừng hẳn. Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào loại xe bạn đang chạy, vỏ càng cao thì độ nghiêng xe càng lớn, chạy tốc độ cao, chở tải nặng thì nguy hiểm càng gia tăng. Lúc này, hậu quả hoàn toàn thuộc vào tài trí xử lý khôn khéo của tài xế.

Nếu vỏ trước bị nổ, tiếng nổ vừa phát ra là xe bị nghiêng ngay về phía vỏ bị nổ. Tài xế cầm tay lái không chắc có thể bị vô-lăng tác động gây thương tích và xe sẽ bị cướp lái tức thì, khó tránh việc lao vào các phương tiện đi ngược chiều, lao vào dải phân cách hoặc bị lật nhào… Muốn xử lý tốt sự cố này, tài xế phải có thói quen cầm tay lái tốt. Tư thế cầm lái đúng là tay trái bạn luôn cầm vô-lăng ở vị trí 9 giờ (tưởng tượng vô-lăng là chiếc đồng hồ), tay phải đặt tại vị trí 1 hoặc 2 giờ. Ngón cái của tay trái luôn ôm vòng tay lái bên trên chạc ba một chút. Lúc nghe tiếng nổ hoặc xì lớn, phản xạ đầu tiên của tài xế là tay trái cầm thật chặt vào vô-lăng, tay phải liền chụp ngay ở vị trí 3 giờ (cũng ở chạc ba). Xe nghiêng bên phải thì dùng tay trái kéo vô-lăng lại, tay phải đẩy ra. Xe nghiêng bên trái thì tay trái đẩy ngược ra, tay phải kéo vô-lăng về phía phải, quyết giữ cho xe đi thẳng theo đà quán tính, chân hãm tốc độ xe bằng một lực thắng vừa phải, rồi cho xe từ từ dừng lại. Quan trọng là không được thắng gấp, nếu không sẽ gây lật xe.

TRẦN KIÊM HẠ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm