Phạt lỗi vượt đèn vàng: Nhiều điểm chưa ổn

Theo Nghị định 46/2016, từ ngày 1-8, các trường hợp vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt khá nặng. Tuy nhiên, theo tôi, việc xử phạt đối với hành vi này có nhiều điểm chưa ổn.

Cụ thể, điểm c khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định khi có tín hiệu đèn vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ khi đã đi quá vạch thì được đi tiếp. Tuy nhiên, hiện không có giải thích “đi quá vạch dừng” là mũi xe quá vạch, bánh trước quá vạch hay toàn bộ xe đã đi quá vạch dừng.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ hiện hành (QCVN 41:2012 của Bộ GTVT) thì đèn vàng báo hiệu sự thay đổi của đèn. Khi đèn vàng sáng thì người điều khiển phải dừng xe trước vạch sơn “dừng lại”. Nếu xe và người đi bộ đã vượt quá vạch mà việc dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải đi tiếp. Từ tháng 11-2016, quy chuẩn mới được áp dụng (QCVN 41:2016/BGTVT) có điều chỉnh, bổ sung một số điểm cho rõ hơn về mặt câu chữ, song theo tôi, quy định cũ lẫn mới (Điều 9.3.2 QCVN 41:2012 và Điều 10.3.2 QCVN 41:2016 áp dụng từ ngày 1-11) đều chưa giải quyết được gút mắc tại điểm c khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ (như đã nêu trên). Cạnh đó, trong QCVN này còn nêu các khái niệm không rõ ràng, định tính mà không giải thích thế nào là “sát đến” và “nếu dừng lại sẽ nguy hiểm”.

Việc phạt đèn vàng gây nhiều băn khoăn cho người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh minh họa: HTD

Theo tôi, một phương tiện đang lưu thông (khi đèn xanh) muốn dừng lại (khi đèn đỏ) thì phải có thời gian giảm tốc độ. Đèn vàng chức năng báo hiệu, dành thời gian cho phương tiện giảm tốc độ để dừng lại ra đời cũng vì lý do này.

Khi đèn vàng bật sáng có hai tình huống:

- Trường hợp 1: Xe có thể giảm tốc độ và dừng lại trước vạch dừng trước khi đèn đỏ bật sáng thì phải giảm tốc độ và dừng lại trước vạch dừng.

- Trường hợp 2: Nếu xe giảm tốc độ nhưng vẫn khó có thể dừng trước vạch thì xe không được giảm tốc độ khi đèn vàng bật sáng mà phải lưu thông bình thường.

Tôi cho rằng để giúp người điều khiển phương tiện biết mình đang ở trường hợp nào nêu trên thì đi kèm đèn vàng phải có đồng hồ đếm ngược.

Nếu không có đồng hồ và chưa có các hướng dẫn rõ ràng thì chưa thể xử phạt “lỗi vượt đèn vàng”.

Từ 1-8, vượt đèn vàng bị phạt rất rát

Quy định hiện hành tách bạch lỗi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” (vượt đèn vàng nằm trong nhóm này) và “vượt đèn đỏ” đối với người đi ô tô, xe máy. Cụ thể, vượt đèn vàng thì người lái ô tô bị phạt 900.000 đồng (điểm l khoản 3 Điều 5) và người lái xe máy bị phạt 150.000 đồng (điểm 0 khoản 3 Điều 6). Nếu vượt đèn đỏ, người lái ô tô bị phạt 1 triệu đồng (điểm k khoản 4 Điều 5) và người lái xe máy bị phạt 300.000 đồng (điểm c khoản 4 Điều 6). Ngoài ra, chỉ người vượt “đèn đỏ” bị tước bằng lái một tháng. Nếu lỗi vượt đèn vàng, đèn đỏ gây tai nạn thì bị tước bằng lái hai tháng.

Nghị định 46/2016 gộp chung lỗi vượt đèn vàng, đèn đỏ thành lỗi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”. Theo đó, người lái ô tô vượt đèn đỏ, đèn vàng đều bị phạt 1,6 triệu đồng (điểm a khoản 5 Điều 5). Tương tự, người điều khiển xe máy vượt đèn vàng cũng sẽ bị phạt như vượt đèn đỏ với mức 350.000 đồng (điểm c khoản 4 Điều 6). Người vi phạm còn bị tước bằng lái hai tháng, nếu gây tai nạn thì bị tước bằng ba tháng.

M.PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm