Pháp luật phải nghiêm để đủ sức chế tài

Pháp luật phải nghiêm để đủ sức chế tài ảnh 1
Cần xây dựng luật hình nghiêm khắc hơn để đủ sức răn đe bọn phạm tội, giảm đi nỗi lo cho cộng đồng. Ảnh: HTD

Nhiều người đã xài “luật rừng”

Bản thân tôi thường xuyên được nghe hoặc chứng kiến nhiều người xử sự với nhau theo kiểu giang hồ, không có nhân tính. Học trò cố sát thầy giáo bằng cách cầm dao đến trường đâm, chém; con đánh mẹ già; cậu chặt tay cháu gái, hoặc chỉ cần bỏ ra một ít tiền là có thể đổi lấy mạng người; một cái nhìn cũng xảy ra án mạng...

Đáng nói là có những chuyện rất nhỏ nhặt hay xảy ra trong cuộc sống hằng ngày nhưng nhiều người lại đem “luật rừng” ra giải quyết. Một lần, khi đi trên đường Hoàng Văn Thụ (đoạn gần ngã tư Út Tịch, quận Tân Bình, TP.HCM), tôi nhìn thấy đám đông đang xem vụ xô xát vì va chạm xe máy. Không biết sự việc ban đầu xảy ra thế nào nhưng lúc tôi đến thì hai chiếc xe vẫn còn nằm ngang giữa đường. Mặc dù cả hai xe chỉ có vài vết trầy xước nhưng người thanh niên hơn 30 tuổi tỏ ra rất hung hãn với “đối thủ”: Miệng chửi rủa thô tục, tay cầm nón bảo hiểm và dây ràng có hai đầu móc sắt đánh tới tấp…

Khi cần giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, vì sao người ta không cậy đến cơ quan hữu quan mà lại tự xử thô bạo với nhau như vậy?

phongtran...@yahoo.com.vn

Chưa có môi trường sống an lành

Thông tin về các vụ dùng “hàng nóng” công khai thanh toán nhau giữa chốn đông người đang tạo cho chúng tôi những cảm giác lo lắng, bất an. Có vẻ như tội phạm ngày càng gia tăng và ngày càng hung hãn hơn? Và phải chăng do pháp luật của ta còn hiền quá nên chưa đủ sức răn đe? Nếu vậy thì nhà nước cần xây dựng luật hình nghiêm khắc hơn, mang tính răn đe mạnh hơn để trấn áp tội phạm, giảm đi nỗi lo cho cộng đồng.

Có một thực tế cần lưu ý, các cơ quan pháp luật vẫn chưa kịp thời xử lý những hành vi sai trái ngay từ khi vừa được nhen nhúm. Như ở xóm tôi có một thanh niên nghiện ngập hay quậy phá bà con. Sợ xảy ra chuyện không hay, nhiều người đã đi báo công an. Nhưng dường như thấy chưa đổ máu, tức chưa lớn chuyện nên công an cứ ậm ờ cho qua. Vậy là hằng giờ, hằng ngày cả xóm luôn thắc thỏm, âu lo…

Theo tôi, khi đang sống trong một xã hội pháp quyền, người dân phải được các cơ quan nhà nước bảo vệ để có thể hưởng sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự. Với trách nhiệm đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, các cơ quan pháp luật phải hết sức hết lòng với nhiệm vụ được giao để kịp thời triệt đường sống của các băng nhóm phạm tội, mang lại sự bình yên cho mọi người.

LÊ PHI (lephithanh123@...)

Trách nhiệm vẫn còn chung chung

Theo tôi, đã đến lúc phải báo động về tình hình tội phạm xã hội đang diễn tiến phức tạp. Từ sau tết Nguyên đán trở lại đây, những vụ thanh toán kiểu xã hội đen liên tục diễn ra. Một hành khách đi xe đường dài bị chém gãy tay vì dám bất bình về giá vé phụ thu. Một thanh niên bị chém chết vì bạn nhậu cùng bàn hỏi tên mà không trả lời. Một nhóm thanh niên thanh toán nhau bằng súng và kiếm trên bến Chương Dương…

Người dân chúng tôi chưa thực sự yên lòng. Nếu tôi nhớ không lầm thì báo Pháp Luật TP.HCM từng mở chuyên đề “Đi tìm nguồn gốc tội ác” để phân tích sâu về vấn đề này nhưng đến giờ mọi việc vẫn chưa có sự thay đổi.

Nhất định phải có một bàn tay nhạc trưởng ở tầm vĩ mô chỉ đạo từng ngành nghiên cứu và có trách nhiệm cụ thể để khắc phục tình trạng này. Đừng để như lâu nay sự việc chỉ dừng ở mức báo động, các ngành ngồi lại hội họp, báo cáo. Rồi tại đó, ngành nào cũng than đây không phải là trách nhiệm của riêng mình mà là trách nhiệm chung của các ngành, của toàn xã hội. Như thế là huề cả làng, trách nhiệm thì vẫn chung chung mà tình hình tội phạm xã hội thì cứ từng vụ một liên tục diễn ra!

taynguyencafe@yahoo.com

Thắc thỏm với những băng nhóm mới

Cái cách dùng mã tấu, “chó lửa” xử nhau ngay tại trung tâm thành phố của một nhóm người khiến chúng tôi nhớ lại những tội ác trước đây của trùm Năm Cam. Liệu còn nhiều tên đàn em của Năm Cam đã lập băng nhóm giang hồ phạm tội với mức độ nghiêm trọng hơn? Ngoài ra còn có thêm nhiều băng nhóm tội phạm mới nữa? Không thể không lo lắng vì những thứ vũ khí ấy vốn được nhà nước quản lý rất nghiêm ngặt và chỉ những tên côn đồ có số má mới dám sử dụng.

Có một thực tế là người ta ngày càng đi chùa, hương khói lễ bái nhiều hơn. Đúng là có những kẻ cầu tài, cầu lộc, cầu may, buôn bán một vốn bốn lời. Nhưng cũng có không ít người đi chùa để cầu sự bình an cho người thân và cho chính mình. Phải chăng khi đức tin bị sụt giảm ở cõi nhân thế, con người ta phải tìm vào cõi “ảo”?

Khi các băng nhóm phạm tội thường xuyên bị truy quét, xử lý nghiêm minh thì số đông người dân sẽ luôn được bình yên. Xem ra việc tạo ra một xã hội an toàn hơn không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là đạo đức phải thực hiện của lực lượng an ninh quốc gia.

PHẠM ĐOAN (phamngocdoantrinh…@yahoo.com)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm