Phải phạt nặng xe chở tôn, sắt… cồng kềnh

Thông tin về một bé trai chín tuổi đi xe đạp đâm vào xe xích lô chở tôn trên lề đường ngày 23-9 tại Hà Nội và tử vong đang làm cho nhiều người bàng hoàng thì lại xảy tiếp vụ một phụ nữ 66 tuổi (ngụ huyện Yên Thủy, Hòa Bình) ngồi chờ xe ở ven đường bị chiếc xe bò chở tôn quẹt qua cổ, chết sau đó.

Không thể coi thường tính mạng người khác

Bao nhiêu câu hỏi đã được đưa ra sau những tai nạn thương tâm nói trên: CSGT ở đâu? Tại sao người lái xe ba gác cồng kềnh không có phương án bảo vệ? Giá như, giá như… hàng loạt câu hỏi giá như được đưa ra trong lúc này cũng trở thành vô nghĩa bởi hậu quả đã xảy ra và vô cùng thảm khốc.

Có lẽ chỉ đến khi “chuyện đã rồi” thì dư luận và cơ quan chức năng mới giật mình. Vấn nạn xe ba gác chở cồng kềnh, coi thường mạng sống của người khác diễn ra hằng ngày ở khắp mọi nơi chứ đâu chỉ riêng Hà Nội. Tại TP.HCM, nhiều lúc người tham gia giao thông còn bị những chiếc xe này ép đường.

Nếu người chở hàng cồng kềnh như chiếc xe chở tôn kia chịu khó một chút, cẩn trọng hơn một chút, cuốn tròn những tấm tôn kia lại hoặc lấy những nùn rơm, bao tải bao bọc chắc chắn thì đã không có tai nạn thương tâm. Từ ngày 1-1-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32 về cấm xe 3-4 bánh thô sơ, tự chế lưu thông trên toàn quốc, thế nhưng hình như quy định này đã bị nhiều nơi xem nhẹ và cho qua.

Thật ra sau sự việc đau lòng này, cũng có những ý kiến bày tỏ lòng cảm thông với người lái xe ba gác vì nghèo mà phải mưu sinh. Thế nhưng mạng sống của con người là quý nhất, không thể đem bất kỳ lý do gì để biện minh cho hành động coi thường tính mạng người khác.

Tất cả trường hợp chở đồ cồng kềnh nguy hiểm cần phải bị nghiêm cấm và nghiêm trị. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị chấn chỉnh hoạt động của xe thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh tham gia giao thông nhưng như thế chưa đủ. Ngày 26-9, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo siết chặt hoạt động của xe thô sơ. Điều này là cần kíp để không còn những cái chết đau xót tức tưởi thế này.

VŨ TRUNG KIÊN (Quận Thủ Đức, TP.HCM)

Một xe ba gác máy chở sắt quá khổ cho phép, không có dấu hiệu cảnh báo người đi đường. (Ảnh chụp ngày 26-9 trên QL50, huyện Bình Chánh, TP.HCM) Ảnh: HTD

Cần chế tài nghiêm khắc

Bao nhiêu năm nay trên đường phố - cả ở thành thị cũng như vùng nông thôn, tôi gặp khá nhiều xe chở tre, nứa, sắt cây, tấm tôn, gỗ tròn loại nhỏ... chạy bạt mạng, không ít chủ phương tiện không hề có các dấu hiệu cảnh báo để giữ an toàn cho người và các loại phương tiện khác cùng đi trên đường.

Chính mắt tôi cũng từng nhìn thấy một chiếc xe cải tiến chở cọc tre dừng ven đường, có người đàn ông đi xe đạp đã vô ý tông vào chiếc xe. Những chiếc cọc vót nhọn như chông ấy đã đâm vào chân và cả tay khiến ông ta ngã ra đường, máu chảy lênh láng, tạo nên những vết thương sâu hoắm...

Từ đó về sau, mỗi khi ra đường nhìn thấy các loại xe ba gác, xích lô, công nông, xe máy kéo chất các loại vật liệu cọc tre, cây gỗ loại nhỏ, các thanh sắt dài, các tấm tôn lợp, các tấm kính... là tôi sợ. Dù một số chủ phương tiện đã treo lên đống hàng đó tấm bìa carton, nắm tua rua màu sắc sặc sỡ... để mọi người nhìn thấy và chú ý, thế nhưng sự nguy hiểm vẫn tiềm ẩn.

Các cơ quan chức năng trong vấn đề siết chặt quy định đối với các loại xe chuyên chở các loại vật liệu xây dựng. Cần phải có chế tài nghiêm khắc thông qua biện pháp phạt thật nặng, tịch thu phương tiện, vật liệu.

HOÀNG THANH PHONG (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật)

Luật sư ĐẶNG THÀNH TRÍ, Đoàn Luật sư TP.HCM :

Có thể bị phạt tù

Vụ tai nạn thương tâm khiến một cháu bé bị tử vong vì đâm thẳng vào xe xích lô chở tôn đang đỗ bên đường là một tiếng chuông cảnh báo về mối nguy hiểm của việc chở hàng cồng kềnh trên đường phố.

Khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự (tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ) quy định “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.

Theo Điều 18 và khoản 1 Điều 19 của Luật Giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố “phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 m và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 m”.

Căn cứ quy định của pháp luật thì người chạy xích lô đã vi phạm pháp luật. Đối với người thuê chở tôn, họ không có bất kỳ trách nhiệm nào với sự việc này, bởi quan hệ giữa họ và người chạy xích lô không phải là quan hệ lao động mà chỉ đơn thuần là thuê chở từng chuyến. Người chở hàng phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn và đúng pháp luật trong quá trình chuyên chở của mình.

Luật sư PHẠM MINH TÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Mức phạt hành chính quá nhẹ

Hành vi chở hàng cồng kềnh trên đường phố xảy ra hậu quả nghiêm trọng làm chết người thì bị xử lý hình sự nhưng nếu không xảy ra tai nạn thì cũng bị xử phạt vi phạm hành chính. Khoản 2 Điều 8 Nghị định 46/2016 quy định: người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác sẽ bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng khi có một trong các hành vi vi phạm sau đây: xếp hàng hóa vượt quá giới hạn quy định, không bảo đảm an toàn, gây trở ngại giao thông, che khuất tầm nhìn của người điều khiển...

Cần lưu ý, khả năng tiềm ẩn tai nạn giao thông là rất lớn nhưng mức phạt hành chính như hiện nay là quá nhẹ, không đủ sức răn đe người vi phạm. Vì thế, theo tôi nên tăng mức phạt hành chính.

_____________________________

Khoản 4 Điều 31 Luật Giao thông đường bộ quy định: “hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển”. Điều này đã được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 46 ngày 7-9-2015 của Bộ Giao thông Vận tải như sau: “Xe thô sơ không được xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe và không quá 1 m; không được vượt quá 0,4 m về mỗi bên bánh xe”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm