Phải dẹp thói cầu cứu khi bị CSGT phạt

Mới đây, trong đợt cao điểm tăng cường xử lý xe tải vi phạm giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội ghi nhận tình trạng nhiều xe có dấu hiệu vi phạm khi bị xử lý, thay vì xuống xe xuất trình giấy tờ, các tài xế lại ngồi trong cabin gọi điện thoại cho người quen, nhờ vả giúp đỡ để được CSGT “cho qua”. Hành động này bị đánh giá là cản trở thực thi công vụ và gây phản cảm trong dư luận.

Người dân cần sự công bằng

Theo ông Nguyễn Văn Thành (quận 12), đã chạy xe trên đường khó tránh có lúc phạm lỗi, hình phạt cũng chỉ nhằm nhắc nhở để lần sau không tái phạm.

“Theo tôi tất cả phải bình đẳng, nếu cứ như vậy thì ai còn tuân thủ pháp luật nữa? Các tài xế cũng nên biết sĩ diện, có trách nhiệm với lỗi của mình, không nên xin xỏ, càng không nên cậy thế quen biết sẽ khiến bị coi thường hơn” - ông Thành góp ý.

Đồng tình, ông Trần Thanh Hùng (quận 3) chia sẻ: “Nếu vi phạm, ở vị trí của tôi chỉ cần gọi cuộc điện thoại là được đi ngay. Tuy nhiên, nếu sai thì chịu, xin xỏ chẳng khác nào hạ thấp mình. Những ai cậy thế, cậy quyền can thiệp vào công việc của người khác là rất phản cảm”.

Ông Hùng còn cho rằng việc tài xế gây mất thời gian, câu giờ, xin xỏ CSGT cũng gần như chống người thi hành công vụ, cần được xử lý nghiêm.

Đối với những nhân vật đứng sau ra tay can thiệp, độc giả Hoàng Long cho là: “Những người có chức quyền đừng nên can thiệp khi người quen biết vi phạm giao thông nữa. Chính sự can thiệp này làm người ta ỷ lại, càng dễ mắc sai sót hơn”.

Một số người khi vi phạm giao thông đã gọi điện thoại nhờ người quen “xin xỏ” giúp. Ảnh: TUYẾN PHAN

Gọi thì gọi, vẫn xử lý bình thường

Một đội phó thuộc PC67 Hà Nội cho biết hầu hết CSGT làm nhiệm vụ trên đường đều gặp các trường hợp bị gọi điện thoại can thiệp. Có trường hợp văn minh nhưng cũng có những trường hợp hách dịch, thậm chí đe dọa lực lượng. Trong tình huống đó, CSGT luôn cần sự cương quyết kết hợp với khéo léo để từ chối nhưng vẫn đảm bảo đúng tác phong, chuẩn mực.

Tại TP.HCM, tình trạng người vi phạm gọi điện thoại tìm “ô dù” hộ mệnh cũng xảy ra khá nhiều. Người vi phạm có thể gọi để người quen nói chuyện trực tiếp với CSGT hoặc nhờ người đó tác động lên cấp trên của CSGT đang ở hiện trường.

Nhiều CSGT cho biết cách xử lý tình trạng này khá linh hoạt. Đội trưởng một đội CSGT khẳng định: Về mặt quy định, CSGT phải kiên quyết xử lý; thông thường cấp trên sẽ không can thiệp mà CSGT ngoài mặt đường sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm. Nếu có trường hợp đặc biệt sẽ báo cáo lãnh đạo để xin ý kiến. Thông thường với những lỗi nhỏ CSGT cũng sẽ chọn phương án nhắc nhở thay vì xử phạt. Các lỗi nghiêm trọng, có nguy cơ gây ra tai nạn thì kiên quyết xử lý.

Một lãnh đạo đội CSGT khác ở TP cho biết quy định của Bộ Công an khi CSGT ra đường thì không được sử dụng điện thoại, mọi thông tin công việc đều được trao đổi qua bộ đàm.

“Khi người vi phạm gọi cho người này, người kia rồi đưa điện thoại cho mình nói chuyện, mình vẫn có thể nghe vì thể hiện văn hóa ứng xử và họ gọi điện thoại là quyền của họ, CSGT không thể cản được. Lúc này, anh em sẽ nói là CSGT đang xử lý đúng quy định, còn người vi phạm muốn trao đổi gì thêm thì về làm việc trực tiếp với lãnh đạo cơ quan. Gọi thì gọi, vẫn xử lý bình thường” - vị này khẳng định.

Kéo dài pháp luật không còn được thượng tôn

Không chỉ trong quản lý giao thông mà nhiều lĩnh vực khác, hiện tượng này đang cho thấy một số quy định của luật pháp không được thực thi hoặc giảm đi sức răn đe dưới tác động của những mối quan hệ xã hội.

Điều này đang gây nên những hậu quả như: Pháp luật không được thực thi triệt để, trở thành không gian mà những mối quan hệ cá nhân, xã hội chi phối theo hướng đảm bảo lợi ích nhóm thay vì lợi ích chung của cộng đồng, quốc gia. Nó cũng là một biểu hiện của sự thách thức luật pháp không đáng được cổ súy trong xã hội pháp quyền.

Thêm nữa là gây khó khăn trong việc thực thi công vụ của đội ngũ thừa hành, cụ thể là CSGT. Về lâu dài nếu điều này còn tái diễn thì quyền lực nhà nước sẽ dần giảm sức mạnh, giảm đi tính nghiêm minh. Cuối cùng nó sẽ dẫn đến một nhận thức phổ biến trong người dân là: Có nhiều điều có thể chi phối pháp luật và không việc gì họ phải thượng tôn pháp luật như tinh thần mà mỗi công dân cần có.

ThSTRẦN NAM,Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm