Phải có nội quy rõ ràng để ‘hiệp sĩ’ bắt cướp

Ông QUÁCH PHI LONG, quận 6, TP.HCM:

Phòng ngừa trục lợi và xâm phạm đời tư

Đã nhiều lần các câu lạc bộ (CLB) phòng, chống tội phạm - người dân thường gọi trân trọng là “hiệp sĩ” bắt quả tang các vụ trộm, cướp. Đó là những đóng góp rất đáng quý. Tuy nhiên, muốn tổ chức được mô hình “hiệp sĩ” bắt cướp thì phải tính toán kỹ, tránh tình trạng lạm dụng danh xưng “hiệp sĩ” để theo dõi hành vi cá nhân, can thiệp cuộc sống riêng tư bình thường của những công dân khác. Công an xã, phường điều hành các CLB nhưng làm sao giám sát 100% hoạt động của các thành viên?

Muốn thành lập các CLB phòng, chống tội phạm phải có quy định cụ thể dưới sự quản lý chặt chẽ của lực lượng chức năng của địa phương. Mỗi lần các nhóm “hiệp sĩ” tuần tra nên có lực lượng cảnh sát hóa trang tham gia để đảm bảo các hoạt động xử lý tình huống đúng pháp luật. Đồng thời khi đã nhân rộng mô hình này thì các CLB phải được đào tạo cơ bản về các quy định của pháp luật, những việc mà công dân được phép làm.

Anh NGUYỄN HUY BÌNH, quận Gò Vấp, TP.HCM:

Chỉ xem “hiệp sĩ” như một lực lượng hỗ trợ

Phải có nội quy rõ ràng để ‘hiệp sĩ’ bắt cướp ảnh 2

Có thể ban đầu các “hiệp sĩ” hoạt động rất vô tư, khách quan nhưng về lâu dài thì trở thành ảo tưởng rằng mình có quyền theo dõi người này, người kia rồi tự ý khống chế bắt người khi không có căn cứ phạm tội quả tang, hay lỡ tay gây tổn hại sức khỏe, tính mạng cho nghi can. Mặt khác, các “hiệp sĩ” cũng dễ gặp nguy hiểm khi tội phạm có vũ khí tấn công.

Để nhân rộng mô hình CLB phòng, chống tội phạm, theo tôi cần có hành lang pháp lý cụ thể, quy định rất chặt chẽ để các “hiệp sĩ” có thể hoạt động đúng luật.

Trước khi nhân rộng mô hình này thì nên làm thí điểm để qua đó xem xét, bổ sung các quy chế và cần tạo điều kiện, huấn luyện xử lý tình huống khẩn cấp cho các thành viên CLB được thí điểm. Cần nghiên cứu xem có thể trang bị cho “hiệp sĩ” sử dụng một số công cụ hỗ trợ hay không. Chỉ nên coi các CLB như một lực lượng hỗ trợ. Việc đứng mũi chịu sào vì bình yên của người dân phải là lực lượng chính quy chuyên nghiệp.

Một đối tượng cướp giật bị người dân và CSGT bắt quả tang trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM. Ảnh: HTD

Luật sư NGUYỄN THẾ TRUYỀN, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

Phải tính đến thay đổi quy định tố tụng

Việc thành lập các CLB trên cũng sẽ dẫn tới phải thay đổi hàng loạt quy định liên quan đến tố tụng. Theo tôi được biết, trên thế giới chưa có lực lượng nào ngoài các cơ quan chuyên trách được tham gia vào quá trình tố tụng. Ngay việc điều tra, thu thập thông tin của thám tử tư cũng phải trải qua những kỳ sát hạch gắt gao, nhiều khóa đào tạo chuyên ngành, bị giám sát bởi các cơ quan tiến hành tố tụng. Với việc thành lập các CLB, trong trường hợp truy đuổi tội phạm mà bị chống trả thì có bị xem xét tội chống người thi hành công vụ hay chỉ là gây rối trật tự công cộng/cố ý gây thương tích, hoặc các tội khác được quy định trong bộ luật hình sự?

Các CLB cũng phải có điều lệ, nội quy rõ ràng, phải quy định về tiêu chuẩn tham gia, nghiệp vụ đào tạo, nguyên tắc hoạt động, đồng thời cũng phải có chế tài đối với các thành viên vi phạm nội quy. Nếu không có quy định chặt chẽ rất dễ tạo ra sự lạm quyền, ứng xử tùy tiện.

Một vấn đề vô cùng quan trọng là việc bắt hoặc giữ người. Ngay bản thân các cơ quan chức năng chuyên nghiệp đôi khi còn để xảy ra oan sai. Nếu không được chú trọng đào tạo nghiệp vụ rất có thể thành viên CLB bị đẩy vào thế rủi ro về mặt pháp lý.

PGS-TS CAO THỊ OANH, Phó Trưởng khoa Pháp luật hình sự, ĐH Luật Hà Nội:

Huấn luyện “hiệp sĩ” biết chọn phương án tối ưu

Bản thân tôi rất ủng hộ mô hình CLB phòng, chống tội phạm. Phòng, chống tội phạm không phải của riêng lực lượng công an mà nó đòi hỏi sự tham gia của toàn dân. Tôi không lo ngại về việc các thành viên trong CLB lạm quyền vì bản thân các “hiệp sĩ” này đã hoạt động tình nguyện từ lâu, việc thành lập CLB chỉ là tập trung họ lại để hoạt động có hiệu quả hơn. Nếu họ có hành vi vượt quyền hạn cho phép thì sẽ phải chịu trách nhiệm và bị pháp luật xử lý. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng, cụ thể là công an cần hướng dẫn, khuyến cáo để “hiệp sĩ” hiểu được quyền hạn, chức năng của mình.

Một số ý kiến cho rằng công an đang khuyến khích người dân đối đầu với tội phạm nhưng tôi lại không nghĩ vậy, vì đây là quyền và nghĩa vụ của các “hiệp sĩ” nói riêng và toàn dân nói chung. Bất cứ lực lượng nào khi đối đầu với tội phạm cũng phải đối mặt với những nguy hiểm có thể mang đến nhưng đó là cần thiết để ngăn chặn những hậu quả lớn hơn sẽ xảy ra. Nó đòi hỏi các “hiệp sĩ” phải lựa chọn phương pháp tối ưu nhất trong các tình huống để làm sao vừa bảo đảm an toàn cho mình, vừa chống được tội phạm.

Hiện nay chỉ tính ngân sách cấp cho lực lượng chính quy (công an) và bổ trợ bao gồm cả dân phòng/tự quản cũng đã khá lớn, nếu thêm một lực lượng trên thì sẽ lại thêm gánh nặng cho ngân sách.

Luật sư NGUYỄN THẾ TRUYỀN, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư  TP Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm