Phá bỏ định kiến giới nghề nghiệp để tiến tới bình đẳng giới

Lâu nay xã hội vẫn mặc định những công việc nặng nhọc, cần sức mạnh cơ bắp dành cho phái mạnh, còn những công việc đòi hỏi sự mềm dẻo, dịu dàng thì dành cho phái yếu. Tuy nhiên, đấy chỉ là sự mặc định ngầm của xã hội.

Chia sẻ về công việc của mình, anh Nguyễn Trọng Việt, giáo viên Trường Mầm non thị trấn Thanh Sơn (Bắc Giang), cho biết anh đã gắn bó sáu năm với công việc dạy dỗ các bé mầm non. “Khi tôi làm hồ sơ thi vào Trường CĐ Sư phạm Mẫu giáo Trung ương, ai cũng phản đối. Mọi người thắc mắc tại sao lại chọn công việc dành cho phụ nữ? Tôi đã trả lời bằng câu hỏi vì sao lại có quan niệm áp đặt như thế” - anh Việt bộc bạch.

Là một trong bảy nữ phi công của Việt Nam, hiện là cơ phó máy bay A320-321 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) - chị Võ Thanh Thảo (TP.HCM) lại nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình và người thân để đến với nghề “chinh phục bầu trời”. Tốt nghiệp ngành ngoại thương Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, một lần tình cờ biết được thông tin tuyển phi công của Vietnam Airlines, chị Thảo đã từ bỏ tấm bằng kinh tế để theo “nghiệp lái”. “Chúng ta chỉ có một cuộc đời, đừng giới hạn mình bởi định kiến nghề nghiệp của xã hội” - chị Thảo bày tỏ.

Chị Thảo giãi bày, đến với nghề phi công quả thực là không dễ dàng. Không có sự ưu ái nào cho nữ, mọi người đều phải luyện tập và làm việc với tinh thần kỷ luật cao. “Tôi muốn chứng minh với mọi người rằng phụ nữ Việt Nam nhỏ bé nhưng họ hoàn toàn có thể làm những điều lớn lao” - chị Thảo nói.

Bà Suzette Mitchell, Trưởng đại diện Cơ quan phụ nữ Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, kêu gọi mọi người hãy xóa bỏ những khuôn mẫu giới về nghề nghiệp để tiến tới bình đẳng: Hãy chọn bất cứ nghề gì và bình đẳng giới cho bạn sự tự do đó.

HUY HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm