Nỗi sợ tật nguyền, chết oan

Cô bé 15 tuổi ấy học khá, có gương mặt rất đáng yêu nhưng kể từ nay cuộc đời em sẽ thay đổi rất nhiều.

Em sẽ có những năm tháng rất dài ở phía trước để nếm trải sự thật nghiệt ngã ấy. Những đau đớn về thể xác rồi sẽ hết, cơ thể em sẽ thích nghi được với mất mát đó. Nhưng em sẽ không thể mặc áo dài tung tăng đến trường như các bạn của mình nữa. Xa hơn nữa, em sẽ mất rất nhiều cơ hội trong tương lai, từ bỏ ước mơ trở thành công an. Phải từ bỏ ước mơ là một điều đau đớn, ngay cả với những người lớn tuổi. Đã làm mẹ, tôi thấu hiểu và chỉ cầu mong em có được một cuộc sống bình thường như bao người. Đã có những người khuyết tật chiến thắng được số phận. Tôi mong em cũng thế!

Có những giây phút quyết định cả phần đời còn lại của một con người. Nghề y có lẽ là một trong những nghề áp lực nhất bởi người thầy thuốc luôn phải đối diện với những giây phút đó thường xuyên. Nhưng trong trường hợp này, các y bác sĩ quá rề rà và chủ quan.

Ước mơ thành chiến sĩ công an của Hà Vi từ nay không thể thành hiện thực. Ảnh: Duy Tính

Tôi từng khám chữa bệnh ở tuyến huyện, từng trông thấy nhiều y tá, bác sĩ lộ vẻ bực dọc bởi bệnh nhân kêu đau. Tất nhiên có người đau ít cũng kêu cho dữ để mong bác sĩ lưu tâm đến mình. Phải chăng vì thế mà có tâm lý: Bệnh thì ai mà chẳng kêu đau, từ từ có chết ai đâu!

Khi tôi đau ốm, tôi thật sự mong được bác sĩ lưu tâm đến mình. Khi không được để mắt đến, tôi lo lắng tuyệt vọng và lắm lúc sợ chết. Vì vậy, tôi đành lên tuyến tỉnh hoặc bắt xe giữa khuya để rạng sáng có mặt trước cổng bệnh viện ở TP.HCM chờ bốc số thứ tự. Người dân không đủ kiến thức y khoa để phân biệt triệu chứng đó là bệnh vặt hay bệnh nghiêm trọng, họ vượt tuyến vì sợ “lợn lành thành lợn què” hoặc sợ chết oan.

Tôi hiểu không thể đòi hỏi bác sĩ lúc nào cũng dịu dàng, ân cần và đầy trách nhiệm như từ mẫu. Nhưng xin hãy hình dung trước hậu quả có thể xảy ra để tránh sự quan liêu, lề mề, tắc trách.

Bệnh viện cho biết sẽ kỷ luật nặng bác sĩ điều trị cho em Vi. Nhiều người chỉ trích bác sĩ thậm tệ. Tôi nghĩ vị bác sĩ đó sẽ rất đau lòng khi nghĩ tới hậu quả bệnh nhân phải gánh chịu cả cuộc đời. Đó là án kỷ luật nặng nhất trong lương tâm của người thầy thuốc.

Hỗ trợ lắp chân giả cho bệnh nhân bị cưa chân

Ngày 16-3, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho báo Pháp Luật TP.HCM biết hôm nay (17-3), Sở sẽ xuống BV Chợ Rẫy thăm hỏi, động viên gia đình bệnh nhân Hà Vi. BV Cư Kuin phải khắc phục hậu quả trước mắt và lo chi phí cho bệnh nhân.

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, BV Cư Kuin đã được cấp phép thực hiện kỹ thuật mổ mâm chày năm 2015. Tuy nhiên, đa số bác sĩ ở đây là người đồng bào, học cử tuyển và có hạn chế về chuyên môn.

Cũng trong hôm nay, BV Cư Kuin cũng sẽ họp hội đồng chuyên môn đánh giá về việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Hà Vi để báo cáo Sở Y tế tỉnh. BS Y’Tâm - người bó bột cho Hà Vi đã bị tạm đình chỉ công việc để làm rõ sự việc.

Lãnh đạo BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng (TP.HCM) cho biết đã liên hệ với BV Chợ Rẫy và gia đình Hà Vi để bàn bạc việc hỗ trợ lắp chân giả cho bệnh nhân khi vết thương lành lặn. Theo TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, bị chấn thương mâm chày thì biến chứng tổn thương động mạch khoeo thường gặp nhất. Tổn thương này ban đầu chưa phát hiện được ngay vì chân vẫn hồng hào, bác sĩ phải theo dõi sát vì khối máu tụ sẽ gây chèn ép sau 24-48 giờ, thậm chí 72 giờ. Sau 48 giờ thì chụp DSA mạch máu và đánh giá ngay, nếu thấy không có vấn đề gì khác thì mới bó bột, nếu nặng thì mổ.

DUY TÍNH

BẠN ĐỌC PHẢN HỒI

Làm ngành y, sai lầm một chút là một mạng người ra đi hay một cuộc đời tật nguyền. Y, bác sĩ hãy xem người bệnh như người nhà của mình. Ai trả lại đôi chân lành lặn cho nữ sinh này? Bó bột sao lại không kiểm tra để chân bệnh nhân bị hoại tử? Trong thời gian chân bị hoại tử, bệnh nhân rất đau nhức, sao không phát hiện được? Là người trong ngành, tôi rất bức xúc. (nhatdangct…)

Chưa nói về trách nhiệm pháp lý nhưng xét về trách nhiệm nghề nghiệp, nếu còn những bác sĩ yếu chuyên môn, kém y đức sẽ còn xảy ra rất nhiều trường hợp như em Vi. Làm nghề y, xin đừng nghĩ đơn giản rằng việc sai là sẽ sửa lại được, vì có lúc hậu quả không thể nào khắc phục. (vda02…)

Một số người làm nghề y ngoài yếu kém còn có thái độ “ra dáng”. Tôi đã từng thấy ở khoa hô hấp một bệnh viện: Thấy truyền nước biển và truyền máu quá nhanh, bệnh nhân sốc nên người nhà hoảng, chạy đi kêu cứu. Bác sĩ bèn giận dữ giằng co với người nuôi bệnh, đòi rút dây nước biển và dây truyền máu. Trong thời gian giằng co đó, bác sĩ trực từ phòng trực chạy đến phòng bệnh nhân chỉ chừng 8 m có phải tốt hơn hay không? Đôi co xong, bác sĩ mới cho điều dưỡng điều chỉnh van truyền, bệnh nhân từ từ tỉnh lại... (tranthanhtung23…)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm