Nỗi niềm “nghề” tiếp bạn đọc

Hằng ngày, báo Pháp Luật TP.HCM tiếp nhiều bạn đọc, nhận nhiều đơn thư, cuộc gọi điện thoại thắc mắc, khiếu nại, cung cấp thông tin… Hầu hết đều gửi gắm kỳ vọng báo sẽ giúp họ giải quyết được những vướng mắc phát sinh trong cuộc sống.

Không để “chai” cảm xúc

Đa số bạn đọc trước khi đến báo đều đã gõ mỏi tay nhiều cánh cửa từ địa phương đến trung ương. Khi không thể tìm ra cách giải quyết sự việc thì nhiều người đã xem báo như chiếc phao cuối cùng để bám vào với nhiều niềm tin, hy vọng. Đòi hỏi này của bạn đọc trở thành động lực để các nhà báo luôn biết vượt qua khó khăn để đấu tranh cho lẽ phải. Thế nhưng nó cũng đồng thời là những “món nợ” dai dẳng giữa hai bên bởi báo chí chỉ có thể lên tiếng, góp phần thúc đẩy tiến độ xử lý chứ không có quyền giải quyết vụ việc.

Mặc dù được giải thích nát nước điều này nhưng nhiều bạn đọc vẫn không muốn hiểu. Không đồng ý với giá bồi thường đất của chính quyền, một lão nông từ miền Tây lên với xấp hồ sơ dày cui đã khăng khăng: “Tụi tui gửi đơn đến báo này bởi nó tên là báo Pháp Luật. Mà đã là Pháp Luật thì… cứ đúng luật mà xử để lấy lại công bằng cho người dân!”.

Mỗi ngày tiếp nhận, đọc hàng trăm đơn thư; tiếp xúc trực tiếp và qua điện thoại với cả trăm bạn đọc, giải đáp rất nhiều thắc mắc… nhưng những người làm công tác bạn đọc chưa khi nào bị “chai” cảm xúc. Chúng tôi luôn cố gắng tìm hiểu, đồng cảm với từng hoàn cảnh, đặt mình vào vị trí của bạn đọc để hiểu rõ thêm từng sự việc qua việc ân cần hỏi han, kiên nhẫn và chịu khó lắng nghe (có khi hàng giờ) những bức xúc của bạn đọc. Người làm công tác bạn đọc cũng vui niềm vui của bạn đọc khi vấn đề của họ được giải quyết; cũng buồn và trăn trở, áy náy khi kết quả không như mong đợi do cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm, do người dân không làm đúng trình tự, thủ tục quy định, do vụ việc đã có quyết định giải quyết cuối cùng…

Nỗi niềm “nghề” tiếp bạn đọc ảnh 1

Việc cung cấp văn bản miễn phí của báo cũng góp phần giải quyết những vướng mắc của bạn đọc. Ảnh: HTD

Góp sức làm cầu nối

Cũng vì được tin tưởng mà những người làm công tác bạn đọc thường xuyên phải nghe những lời phàn nàn, phản ứng thái quá từ phía bạn đọc. Có bạn đọc khi biết đơn khiếu nại về giải tỏa, bồi thường của mình “không được đăng báo” đã chân đất “phi” tới phòng Công tác bạn đọc. Không chờ giải thích, bạn đọc này đã hằm hằm chỉ tay… chửi thẳng vào mặt bộ phận tiếp bạn đọc rằng sự việc của họ không được giải quyết là do “báo thông đồng, bao che, ăn tiền rồi úm đơn”. Hoặc có những người không hề chửi bới mà chỉ khóc lóc, kể lể hoàn cảnh khốn khó đến nỗi khóc qua điện thoại hàng giờ chưa đủ, hôm sau trực tiếp đến phòng Công tác bạn đọc ngồi khóc tiếp kiểu “ăn vạ”. Có người “ăn vạ” kiểu đó hàng mấy ngày mới thôi, rồi còn dọa sẽ “nghỉ chơi” với báo…

Cũng không ít người với ý nghĩ “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” đã có kiểu hành động khiến những người làm công tác bạn đọc cảm thấy bị xúc phạm. Có bạn đọc khi nộp đơn xong đã rút ra cái bao thư dày cộp và nói: “Đây, để việc của tôi dễ giải quyết, tôi đã chuẩn bị sẵn 5 triệu đồng, các cô cầm lấy”. Hoặc bạn đọc khác sau nhiều lần nộp đơn đã thẳng thắn đặt vấn đề: “Chỉ cần giúp tôi thắng được “bọn kia” thì cần nhiêu tôi cũng chi… Có phải báo muốn tiền thù lao mà khó nói không?”. Những lúc như vậy, những người làm công tác bạn đọc tuy ngoài mặt vẫn kiên nhẫn giải thích cho bạn đọc hiểu nhưng trong lòng cảm thấy trĩu buồn và mang tâm trạng nặng nề đó đến nhiều ngày sau.

Nhà báo nói chung và những người làm công tác bạn đọc nói riêng luôn soi lại mình để ngày hôm sau làm tốt hơn ngày hôm trước. Mỗi lần như thế, chúng tôi cũng mong các cơ quan chức năng hợp tác nhiều hơn với báo để những phản ánh, thắc mắc của người dân được giải quyết nhanh, hợp lý và đúng pháp luật.

Ở phường 9 (quận 10) nơi tôi ở có nhiều thanh niên tụ tập nhậu nhẹt gây mất trật tự. Tôi và nhiều người khác đã báo với công an phường nhưng không được xử lý dứt điểm. Tôi đã gọi điện thoại đến báo Pháp Luật TP.HCM và sau khi báo đăng tin thì tình trạng trên chấm dứt hẳn.

Bà ĐTH, số điện thoại 090827…

Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM đăng tải việc lòng, lề đường Nguyễn Thị Diệu Hương, phường 15 (quận 11) bị chiếm làm nơi giữ xe thì sự việc vẫn y như cũ, không có chuyển biến gì mới. Chúng tôi đã tiếp tục phản ánh với UBND phường nhưng họ không phản hồi.

Bạn đọc tên H., số điện thoại 090733…

Phải sau sáu tháng kể từ lúc tôi nộp đơn phản ánh việc nhiều cơ sở sản xuất sắt gây ồn trên địa bàn thì UBND phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) mới có văn bản trả lời. Họ có cử người đi kiểm tra nhưng cơ sở vẫn hoạt động trở lại sau một thời gian tạm nghỉ. Sau khi tôi cung cấp thông tin và được báo đăng tải thì tình trạng cũng chẳng khá hơn.

Một bạn đọc, số điện thoại 093814…

K.PHÚ ghi

THU HƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm