Nói không với tin rác

Tiếp tục tại buổi giao lưu với bạn đọc sáng qua (11-7), khách mời đã cung cấp cho người dùng những “bí kíp” để tránh bị lừa đảo trên thiết bị điện thoại. Buổi giao lưu trực tuyến do báoPháp Luật TP.HCM phối hợp cùng Công ty Cổ phần VNG tổ chức với chủ đề “Điện thoại thông minh và nỗi lo bị lừa đảo”.

Địa chỉ xử tin nhắn rác

Ông Bùi Việt Dương, Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM, đã tư vấn cho bạn đọc “khi điện thoại nhận những tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo thì gửi chuyển tiếp tin nhắn rác đó tới tổng đài số 456 (miễn phí) của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) hoặc email: canhbaothurac@vncert.vn. Thông qua tổng đài 456, thời gian qua, Thanh tra Bộ TT&TT, VNCERT đã xử phạt, cắt đầu số đối với các tổng đài gửi tin nhắn không đúng quy định đến khách hàng.

Khách mời trong chương trình Giao lưu trực tuyến: “Điện thoại thông minh và nỗi lo bị lừa đảo” đang trả lời câu hỏi của bạn đọc. Ảnh: HUYỀN VI

Trả lời câu hỏi của bạn đọc Hoàng Dung, về các chiêu thức lừa trên điện thoại, ông Dương tư vấn: “Hiện nay, một số tổ chức, cá nhân sử dụng SIM khuyến mãi nhắn tin quảng cáo, khuyến mãi, SIM số đẹp, tải nhạc, hình nền hoặc gửi đường link có nội dung xấu... Mục đích để người nhận nhắn tin, gọi tới các đầu số có mức cước phí cao hoặc truy cập vào những trang web mà người dùng không hay biết?”.

Ngoài ra, một số phần mềm, ứng dụng dùng để cài đặt vào điện thoại di động trên mạng Internet đã bị một số kẻ gian gắn thêm mã độc sẽ tự động gửi tin nhắn đến các đầu số có mức phí cao làm mất tiền của người dùng. Do vậy, khi thấy những ứng dụng dành cho điện thoại không rõ nguồn gốc, tin nhắn không có giá cước mà có nội dung đề nghị như sau: Nhắn tin, gọi tới 1900XXX, 6XXX, 7XXX, 8XXX, 9XXX,… hoặc truy cập vào đường link, trang web…, người dùng không nên nhắn tin trả lời hay gọi các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như đã nêu trên vì có thể bị mất tiền trong tài khoản điện thoại di động. Không tải hay cài đặt các ứng dụng lạ, không rõ nguồn gốc. Phải luôn kiểm tra tài khoản điện thoại để kịp thời phát hiện các trường hợp bất thường gây mất tiền trong tài khoản.

“Hiện nay số người dùng truy cập Internet và chơi game trên điện thoại gia tăng khá nhanh vì vậy mà các đối tượng lừa đảo cũng có nhiều phương thức để móc túi người sử dụng”. Cùng với các chiêu thức lừa đảo trên điện thoại, bạn đọc Trấn Thành đã nhờ các vị khách mời cung cấp một số kiểu lừa đảo trên mạng để người dùng biết và đề phòng.

Ông Lê Trí Quang, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc khách hàng Công ty Cổ phần VNG, cho biết: “Hình thức phổ biến nhất hiện nay là đối tượng lừa đảo thông qua các mạng xã hội hoặc gửi tin nhắn hàng loạt với nội dung là người dùng đã trúng thưởng một món đồ rất có giá trị (thông thường là xe máy) rồi sau đó yêu cầu đóng thuế trước khi nhận giải thưởng. Đối với những sản phẩm trực tuyến như trang trò chơi thì đối tượng lừa đảo xây dựng một website có giao diện khá giống với website trang thật của nhà phát hành. Sau đó yêu cầu người dùng nhập thông tin tài khoản, mật khẩu hoặc thông tin thẻ cào vào để nhận thưởng và sau đó chiếm đoạt tài khoản trò chơi của khách hàng hoặc số tiền trong thẻ cào”.

Cũng theo ông Quang từ đầu năm 2014 đến nay thông qua tổng đài dịch vụ khách hàng, VNG đã tiếp nhận 3.647 trường hợp thông báo là đã nhận được thông tin lừa đảo. Trong đó thiệt hại về tiền mặt là hơn 400 triệu đồng.

Thu thập chứng cứ để khởi kiện

Việc các điện thoại thường xuyên bị làm phiền khi nhận nhiều tin nhắn rác đã khiến nhiều bạn đọc khó chịu và gửi nhiều câu hỏi đến chương trình. Bạn đọc Minh chia sẻ: “Hiện tại ngày nào tôi cũng nhận hàng đống tin nhắn rác, việc này khiến tôi rất bực mình. Hiện tại tôi muốn kiện các tổng đài này thì tôi phải làm gì?”. Khách mời, luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cùng chung “nỗi niềm”. “Chính tôi cũng giống như bạn. Mỗi ngày nhận nhiều thư rác, bực bội vô cùng. Về mặt lý thuyết bạn có quyền khởi kiện người nhắn tin rác. Tuy nhiên, trong tình hình SIM rác tràn lan hiện nay, rất khó cho bạn xác định ai là bị đơn trong vụ kiện này. Do đó chúng tôi có lời khuyên hoặc bạn tiếp tục chịu đựng, hoặc cố gắng thu thập chứng cứ chứng minh cho được ai là thủ phạm gây ra cho bạn sự phiền toái này. Có được như vậy thì bạn mới mong được cơ quan chức năng thụ lý và giải quyết vụ việc”.

Về vấn đề SIM rác, ông Bùi Việt Dương cho rằng do các doanh nghiệp thông tin di động không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra và xử lý thông tin thuê bao di động. Ngoài ra, các doanh nghiệp di động chưa thực hiện triệt để tất cả giải pháp về mặt kỹ thuật để hạn chế việc phát tán tin nhắn rác từ hệ thống.

Hiện nay Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử lý các vi phạm liên quan đến việc quản lý thuê bao di động trả trước không đúng quy định của các doanh nghiệp viễn thông (Điều 30) với các mức xử lý vi phạm khác nhau. Ngoài ra, Nghị định 174 cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính với các vi phạm của doanh nghiệp viễn thông khi không thực hiện đúng các quy định về triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo theo quy định (Điều 61).

HUYỀN VI

Hàng loạt thuê bao di động nhắn tin rác đã bị cắt

- Năm 2011, Sở TT&TT phát hiện 130.879 thuê bao di động trả trước có thông tin sai quy định. Buộc các doanh nghiệp viễn thông chấm dứt cung cấp dịch vụ đối với 130.879 thuê bao.

- Năm 2012, yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ đối với 13.344 SIM vi phạm và hai thiết bị kích hoạt SIM.

- Năm 2013, kiểm tra 223 điểm đại lý, cửa hàng bán SIM và xử phạt 155 triệu đồng đối với việc kinh doanh SIM thuê bao di động trả trước đã đăng ký thông tin, đã kích hoạt. Xử phạt năm doanh nghiệp viễn thông số tiền 50 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm