Những quy định người nuôi chó phải biết

Mới đây, một người dân ở TP Hà Nội đang đi bộ tập thể dục thì bị một con chó Pitbull lao ra cắn, kéo lê một đoạn. Con chó được chủ dắt đi dạo trong tình trạng không đeo rọ mõm.

Không chỉ riêng TP Hà Nội, tại TP.HCM, chuyện chó không đeo rọ mõm khi được chủ dắt đi dạo không phải là chuyện hiếm.

Không đeo rọ mõm cho chó: Phạt đến 800.000 đồng

Thỉnh thoảng một số bạn đọc vẫn bức xúc khi gửi về tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM những hình ảnh người đi đường chở chó trên xe máy hoặc dắt chó đi dạo ngoài đường mà không đeo rọ mõm.

Do ở gần khu chung cư nên ông Thành (quận 12, TP.HCM) rất mệt mỏi vì chó. “Một số người sống ở tầng trệt của chung cư nuôi trên dưới năm con chó. Sáng và chiều họ thả chó chạy rông để chúng tự tìm chỗ “giải quyết”. Đã vậy có lần một con chó đang ngậm xương thấy tôi đi ngang liền gầm gừ, suýt cắn” - ông Thành cho biết.

Ông Thành đã gặp chủ nuôi chó nói chuyện đúng sai. Chủ nuôi nói rằng mặc dù biết để chó chạy rông và tự tìm nơi tiểu tiện là sai quy định nhưng không biết làm gì khác. “Họ còn nói nếu chó cắn thì sẽ đền tiền chích ngừa” - ông Thành thở dài.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Chăn nuôi-Dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, cho biết nếu ai không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ nuôi không tiêm phòng vaccine ngừa dại cho chó… cũng bị phạt theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. “Theo đó, mỗi hành vi sai phạm sẽ bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.

“Nếu đưa chó ra nơi công cộng không đeo rọ mõm mà gây cắn người thì chủ nuôi sẽ bị phạt vì hành vi không đeo rọ mõm cho chó. Bên cạnh đó, chủ nuôi phải bồi thường tiền tiêm ngừa dại cho người bị chó cắn” - ông Dũng cho biết.

Dắt chó đi dạo không đeo rọ mõm sẽ bị phạt. Ảnh: H.T.DŨNG

Chó phóng uế nơi công cộng cũng bị phạt

Bên cạnh chuyện không đeo rọ mõm, một số người thiếu ý thức còn dắt chó đi phóng uế bừa bãi.

Bà Hồng (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Nhà tôi ở mặt tiền, có cây me trồng trên lề đường khá lâu. Chủ nhà gần đó cứ sáng và chiều là dắt hai con chó đến gốc cây rồi đứng chờ chúng… tiểu tiện. Hai con chó “giải quyết” xong xuôi, chủ nhà quày quả dắt về. Mùi phân và nước tiểu chó bốc lên chịu không nổi nên tôi phải thường xuyên lấy nước dội” - bà Hồng lắc đầu.

“Đôi lần tôi gặp chủ hai con chó nói chuyện. Thế nhưng người này nói rằng chó “giải quyết” dưới gốc cây lề đường nên không vi phạm các quy định của pháp luật” - bà Hồng chậc lưỡi.

Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết nếu để chó phóng uế nơi công cộng thì sẽ bị phạt theo điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định 167/2013 của Chính phủ. “Chủ nuôi sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng tới 300.000 đồng” - ông Dũng nói.

Giao việc bắt chó chạy rông cho quận, huyện

“Có một điều đáng nói là việc xử phạt các hành vi do chó gây ra ngày càng giảm dần do người nuôi có ý thức hơn, chó nuôi và chó thả rông cũng không nhiều so với trước đây” - ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, nhận định.

“TP.HCM hiện chỉ còn độ 130.000 hộ nuôi chó với tổng đàn khoảng 221.000 con. Số lượng chó giảm là do chung cư trên địa bàn TP.HCM xây dựng nhiều nên đông người ở, người ở chung cư cũng thực hiện thỏa ước không nuôi chó… Bên cạnh đó, do người nuôi có ý thức hơn nên không thả chó chạy rông” - ông Phát cho biết thêm.

Theo ông Phát, hiện TP.HCM có chủ trương dần dần giao việc bắt chó chạy rông cho quận, huyện. Lý do là để quận, huyện chủ động và có đầy đủ lực lượng tham gia bắt chó nhằm đảm bảo an toàn. “Trong quá trình bắt chó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM sẽ hỗ trợ xe chuyên dùng, nhân sự” - ông Phát nói.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Chăn nuôi-Dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, hiện tại trên địa bàn TP đã có quận 1, quận 8 thành lập đội bắt chó chạy rông. Các đội này sẽ được Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM tập huấn kỹ năng bắt chó an toàn, các quy định xử phạt. “Quận 1 có năm người tham gia tập huấn. Trong khi đó quận 8 có tới 54 người tham gia. Bao gồm lực lượng quản lý đô thị, lãnh đạo các phường, kể cả bảo vệ dân phố” - ông Dũng nói thêm.

“Quận 7 cũng đang chuẩn bị thành lập đội bắt chó chạy rông trên địa bàn. Một khi các quận, huyện quyết liệt bắt chó chạy rông thì số người bị chó cắn hoặc tai nạn do chó gây ra sẽ giảm” - ông Dũng nhận định.

TP.HCM: Trên 31.000 người bị chó cắn

Trong 10 tháng đầu năm 2018, TP.HCM ghi nhận hơn 39.000 người bị chó, mèo, dơi và các loại súc vật khác cắn. Trong đó trên 31.100 người bị chó cắn.

Chân là vị trí bị chó cắn nhiều nhất, kế đến là tay. Tiếp đến là thân, đầu, mặt và cổ.

(Nguồn: Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm