Những nhà sáng lập có 'biệt tài' hủy hoại công ty

1. Dell

Nhà sáng lập: Michael Dell

Năm thành lập: 1984

Michael Dell khởi nghiệp năm 1984 khi mới 19 tuổi. Đến năm 2001, công ty của ông đã trở thành hãng cung cấp máy tính lớn nhất thế giới. Dell từ chức CEO năm 2004 nhưng lại quay về tháng 2/2007. Tuy nhiên, thời điểm đó, máy tính Dell đã dần mất ưu thế trên thị trường. Kể cả khi nhà sáng lập quay lại, hãng này vẫn rất chật vật.

Thị phần của Dell giảm từ 15,9% năm 2006 xuống còn 10,7% năm 2012. Việc người tiêu dùng chuộng máy tính bảng và smartphone cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hãng. Dell còn gặp rắc rối với pháp luật khi năm 2010, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (DEC) đã phạt công ty này 100 triệu USD và Michael Dell 4 triệu USD vì gian lận báo cáo tài chính.

2. Chesapeake Energy

Nhà sáng lập: Aubrey McClendon

Năm thành lập: 1989

Aubrey McClendon đã làm CEO Tập đoàn năng lượng Chesapeake Energy từ năm 1989. Ông nổi tiếng với những khoản lương thưởng kếch xù và sự tự tin thái quá vào hoạt động của công ty. Năm 2008, McClendon mất gần hết tài sản cá nhân sau khi vay tiền để mua lượng lớn cổ phần của công ty. Trong khi năm đó, Chesapeake trả McClendon 100 triệu USD. Giai đoạn 2009 - 2011, ông nhận lương 57 triệu USD.

Tháng 4/2012, Reuters cho biết McClendon đã thế chấp cổ phần của mình để vay 1,1 tỷ USD. Ngoài ra, ông còn điều hành một quỹ đầu cơ năng lượng trị giá 200 triệu USD. Cùng tháng đó, McClendon bị buộc thôi chức Chủ tịch vì mâu thuẫn với các cổ đông. Đến ngày 1/4 tới, ông dự kiến cũng từ chức CEO.

3. BlackBerry

Nhà sáng lập: Mike Lazaridis

Năm thành lập: 1984

Nhà đồng sáng lập hãng điện thoại BlackBerry - Mike Lazaridis (tên trước đây là Research In Motion (RIM)) đã làm CEO cùng Jim Balsillie từ tháng 1/2012. Từng là người tiên phong trong công cuộc đột phá smartphone, nhưng Lazaridis lại không thể giúp BlackBerry cạnh tranh được với Apple và Samsung.

Những sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp của ông là cho ra đời máy tính bảng BlackBerry PlayBook, sự cố hệ thống toàn cầu 4 ngày khiến người dùng không thể truy cập Internet, và tập trung vào dịch vụ doanh nghiệp, để các dòng điện thoại cho khách hàng cá nhân như iPhone chiếm mất thị phần. Quý III/2012, thị phần của BlackBerry trên toàn cầu chỉ còn 5,3%, giảm từ 11% cùng kỳ.

4. Groupon

Nhà sáng lập: Andrew Mason

Năm thành lập: 2008

Công ty mua theo nhóm Groupon đã phải điều chỉnh báo cáo tài chính vào tháng 8/2011 sau khi các nhà chức trách và nhà phân tích phát hiện nhiều sai sót. Theo đó, lợi nhuận công ty năm 2011 đã bị khai tăng thêm 20 triệu USD. Vấn đề này, cùng sự kém hấp dẫn của các sản phẩm trên website đã khiến cổ phiếu Groupon liên tục giảm điểm.

Hiện mức giá này chỉ bằng một phần tư giá IPO là 20 USD. Nhiều người cho rằng Mason chưa đủ chín chắn để điều hành công ty có quy mô lớn như Groupon. Anh từng bị chỉ trích vì uống bia trong cuộc họp và từ chối lời đề nghị mua lại trị giá 6 tỷ USD của Google.

5. American Apparel

Nhà sáng lập: Dov Charney

Năm thành lập: 1989

Dov Charney thành lập American Apparel năm 1989, từ khi còn theo học Đại học Tufts. 20 năm sau, công ty thời trang này đã có hơn 6.700 nhân viên và 197 cửa hàng trên khắp thế giới. Tuy nhiên, quảng cáo gợi cảm và mở rộng nhanh chóng vẫn không thể giúp hãng này giải quyết các vấn đề hiện tại.

Năm 2009, giới chức Mỹ tố cáo 25% công nhân tại nhà máy của American Apparel ở Los Angeles là dân nhập cư bất hợp pháp. Năm 2011, Charney hai lần bị buộc tội quấy rối tình dục.

Tháng 12/2012, một cựu giám đốc cửa hàng cho biết Charney đã bóp cổ và ném bụi bẩn vào mặt mình. Dĩ nhiên, nhà sáng lập này chối bỏ tất cả những lời buộc tội trên. Bên cạnh đó, theo báo cáo tài chính mới công bố, American Apparel còn chịu lỗ liên tục suốt 12 tháng qua.

6. Best Buy

Nhà sáng lập: Richard Schulze

Năm thành lập: 1966

Nhà sáng lập Best Buy Richard Schulze đang phải vật lộn để tồn tại khi người tiêu dùng ngày càng chuyển sang mua sắm trực tuyến. Một số chuyên gia trong lĩnh vực này chỉ ra rằng Best Buy ngày càng giống với cửa hàng trưng bày sản phẩm.

Người tiêu dùng đến đây chỉ để xem hàng hóa, và sau đó tìm sản phẩm giá rẻ hơn trên mạng, như Amazon.com. Quý vừa qua, Best Buy lỗ 10 triệu USD khi doanh thu giảm 4% so với cùng kỳ. Cổ phiếu công ty hiện chỉ bằng một phần năm của 5 năm trước.

Schulze cũng bị vướng vào một scandal nội bộ. Cựu CEO Brian Dunn đã phải thôi việc khi bị phát hiện "qua lại" với một nhân viên nữ. Còn Schulze thì bị chỉ trích do không thông báo việc này cho HĐQT. Sau vụ việc trên, Schulze đã tuyên bố kế hoạch nghỉ hưu.

Nguồn: VNEXPRESS

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm