Những người được tăng trợ cấp xã hội hàng tháng kể từ 1-7

Nghị định 20/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội chính thức có hiệu lực từ 1-7-2021 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến trợ cấp xã hội hàng tháng.

Bổ sung thêm 3 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng

Cụ thể, tại Điều 5 của Nghị định 20/2021 đã bổ sung thêm ba đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là:

- Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 3 và 6 Điều này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.
- Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng.
- Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.
Điểm a của khoản này là trường hợp người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Tăng mức hưởng trợ cấp xã hội

Điều 4, Nghị định 20/2021 đã quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ 1-7-2021 là 360.000 đồng/tháng (thay vì 270.000 đồng/tháng như quy định hiện hành).

Mức chuẩn trợ giúp xã hội là căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội và các mức trợ giúp xã hội khác. Đây là mức chuẩn thấp nhất, tùy thuộc vào tình hình kinh tế của từng vùng mà các địa phương có thể điều chỉnh tăng mức chuẩn cho phù hợp.

Như vậy, với việc tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng sẽ kéo theo mức hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng của các đối tượng sẽ tăng theo. Theo quy định hiện hành mức trợ cấp xã hội hàng tháng sẽ bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số (tùy thuộc vào từng đối tượng mà sẽ có hệ số khác nhau).

Ngoài ra, Nghị định 20/2021 cũng quy định ba nguyên tắc cơ bản về chính sách trợ giúp xã hội:

Chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch; hỗ trợ theo mức độ khó khăn và ưu tiên tại gia đình, cộng đồng nơi đối tượng sinh sống.
Chế độ, chính sách trợ giúp xã hội được thay đổi theo điều kiện kinh tế đất nước và mức sống tối thiểu dân cư từng thời kỳ.
Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức và cá nhân nuôi dưỡng, chăm sóc và trợ giúp đối tượng trợ giúp xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm