Những lưu ý khi đi siêu thị mùa dịch

Trong tuần qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở TP.HCM có xu hướng diễn biến phức tạp. Để phòng chống dịch, một số địa phương đã thực hiện việc tạm ngưng hoạt động chợ truyền thống, hiện đã có 93/234 chợ tạm ngưng hoạt động.

Trước thông tin nhiều chợ truyền thống tại TP.HCM phải tạm ngừng, một số bạn đọc băn khoăn những siêu thị và cửa hàng tiện ích liệu có đảm bảo được an toàn chống dịch, bởi nơi đây thường là môi trường máy lạnh, kín, không gian nhỏ...

Khu vực chợ Căn Cứ ở phường 17, quận Gò Vấp tạm ngưng hoạt động để chống dịch COVID-19. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Siêu thị, cửa hàng tiện ích phải an toàn

Chị Nguyễn Thị Thúy, ở chung cư K26, quận Gò Vấp, cho biết trước đây, việc mua thức ăn, đồ dùng cho gia đình, chị thường đi chợ truyền thống để mua vì nhiều mặt hàng và nhanh hơn đi siêu thị. Thế nhưng hơn hai tuần nay, chị phải vào cửa hàng tiện ích gần nhà để mua hàng, bởi chợ đã tạm ngưng hoạt động để chống dịch. Chợ ngưng bán thì người dân sẽ vào các cửa hàng, siêu thị để mua. Người mua thì đông, các cửa hàng thường nhỏ, có máy lạnh, sợ không đảm bảo phòng dịch bệnh.

Cũng theo chị Thúy, dù các cửa hàng có để dung dịch sát khuẩn trước cửa vào nhưng có người không sử dụng, chưa kể lúc tính tiền nhiều người vẫn không thực hiện đúng việc giữ khoảng cách an toàn. Tờ giấy kê khai y tế thì có siêu thị bỏ trong giỏ đựng hàng hóa của siêu thị nhìn không được sạch sẽ. “Theo tôi, những việc này các siêu thị, cửa hàng tiện ích cần tính toán, khắc phục, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, không để dịch lây lan ở nơi đông người. Để phòng chống dịch thì mọi người chịu khó mất thời gian một chút cũng không sao nhưng không gian trong cửa hàng phải an toàn để người dân không phải lo lắng, ngại khi vào mua sắm” - chị Thúy nói.

Anh Trần Văn Mạnh, ở phường Thạnh Lộc, quận 12, cho biết cả tuần nay gia đình anh toàn đi mua thức ăn ở siêu thị. Anh thấy ở các siêu thị có tổ chức khai báo y tế, bố trí nước sát khuẩn, kẻ vạch chờ thanh toán tiền, thế nhưng việc kiểm tra thực hiện vẫn chưa được nghiêm. Cụ thể, vì khách đến siêu thị đông nên khi vào cổng có người khai báo, người không và các bảo vệ cũng không thể quản lý hết. Cồn sát khuẩn có nhưng rất ít người sử dụng, xếp hàng tính tiền thì nhiều người nóng vội, dồn lại, không đảm bảo khoảng cách an toàn… Thấy không an tâm nên anh đã chọn cách đi mua sắm vào những giờ vắng người.

“Tôi mong các siêu thị phải quyết liệt hơn nữa trong việc buộc các khách hàng tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch và người dân cũng phải có ý thức hơn khi đến các nơi này mua hàng” - anh Mạnh chia sẻ.

Khách không tuân thủ 5K, cửa hàng sẽ không phục vụ

Trao đổi với PV, đại diện Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH Một thành viên (Satra) cho biết hệ thống bán lẻ của Satra tại TP.HCM và TP Cần Thơ đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp để phòng chống dịch COVID-19.

Tại tất cả quầy thu ngân, quầy dịch vụ khách hàng… đều có tấm chắn giọt bắn bằng mica. Tất cả nhân viên trong siêu thị, cửa hàng Satrafoods đều được trang bị tấm che giọt bắn đeo trước mặt.

Bên cạnh đó, hệ thống bán lẻ Satra thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế như yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang, xịt tay khử khuẩn, đo thân nhiệt, đứng giãn cách 2 m khi đến quầy tính tiền. Các cửa hàng sẽ kiên quyết mời ra ngoài những khách hàng không thực hiện nghiêm thông điệp 5K.

Cũng theo đại diện Satra, hiện tại khó khăn lớn nhất mà các siêu thị và cửa hàng Satrafoods đang đối mặt là việc điều động và sắp xếp nhân sự thay thế, đảm bảo việc kinh doanh được xuyên suốt để đáp ứng được yêu cầu của TP và của người dân trong tình hình hiện nay.

Ông Đặng Thanh Phong, Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (công ty), cho biết hiện nay hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh của công ty đều tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch COVID-19 của cơ quan y tế.

Tùy vị trí cửa hàng ở các khu vực cách ly hay không và theo hướng dẫn của cơ quan y tế mà đón lượng khách mua sắm khác nhau. Theo đó, có cửa hàng được quy định phục vụ không quá 10 hay 20 người trong cùng một thời điểm. Vì vậy, những khách đến sau phải chờ bên ngoài. Những khu vực có nguy cơ dịch bệnh thấp hoặc bình thường thì cửa hàng mở cửa phục vụ khách bình thường, tuân thủ 5K.

Cửa hàng nâng cao cảnh giác với những nghi vấn nhiễm dịch như sốt, ho, khó thở của cả nhân viên lẫn khách hàng… Những trường hợp cần thiết phải xin ý kiến chỉ đạo của ban giám đốc và báo ngay với cơ quan chức năng có liên quan để kịp thời hỗ trợ, xử lý. “Hiện nay theo quy định, khách hàng phải thực hiện quy định 5K trước khi vào mua sắm. Nếu khách hàng không tuân thủ cửa hàng sẽ không phục vụ” - ông Phong nói.

Cũng theo ông Phong, hiện nay công ty cũng gặp một số khó khăn. Chẳng hạn, khi có trường hợp cơ quan y tế truy vết khách hàng bị nhiễm COVID-19 hay là F1 đã từng đến Bách Hóa Xanh, cửa hàng phải tuân thủ quy định của cơ quan y tế địa phương như cách ly nhân viên, tạm đóng cửa… Khi cửa hàng được hoạt động trở lại thì phải thay mới toàn bộ nhân viên. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nhân viên, ảnh hưởng ít nhiều đến việc phục vụ người tiêu dùng trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay.•

 

Đặt mua online cũng là cách hay

Khi một số chợ truyền thống phải tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch, nhiều bạn đọc đã lựa chọn cách mua hàng online.

Tôi lớn tuổi, trước giờ chỉ đi chợ mua đồ, giờ tình hình vậy nên phải thích nghi thôi. Nhà neo đơn, cũng không rành việc lên mạng đặt hàng nên tôi đến siêu thị gần nhà xin số điện thoại. Cần mua gì cứ ghi ra giấy, gọi điện thoại đặt hàng, một lúc sau là có ngay - bạn đọc Phạm Thị An.

Mùa dịch này tôi đặt tất cả đồ dùng, thức ăn qua mạng. Trên Facebook cũng có rất nhiều trang bán đủ loại từ rau củ quả, thịt, cá, thức ăn làm sẵn…, cần dùng mặt hàng nào thì đặt. Rất tiện lợi và an toàn trong mùa dịch này - bạn đọc Ngọc Hân.

Khi nhận hàng từ các shipper, tôi thường chọn trả tiền trước nếu không thì chuẩn bị sẵn đúng số tiền mua hàng, khẩu trang, sát khuẩn để yên tâm - bạn đọc Thu Hiền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm