Những kiểu ly hôn lạ kỳ

Những kiểu ly hôn lạ kỳ ảnh 1
Đầu tháng 3/2012, một đôi nam nữ trung niên tay trong tay bước vào Tòa án nhân dân Q.Phú Nhuận, TP.HCM để giải quyết ly hôn sau 21 năm chung sống, với lý do: chia tay để tạo cơ hội cho cả hai có thời gian nhìn lại, điều chỉnh mình, và nếu thấy vẫn còn cần nhau thì kết hôn lần nữa.

Hai người cũng đưa ra phương án hàn gắn: ly hôn nhưng vẫn sống chung nhà, ăn chung và cùng nhau nuôi dạy con cái. Đó là thỏa thuận giữa vợ chồng ông Nguyễn Văn Bi và bà Phạm Thị Hồng ở Q.Phú Nhuận. Vì ý định “ly hôn thật, chia tay giả” nên ông bà không yêu cầu tòa án phân chia tài sản và trách nhiệm chăm sóc, cấp dưỡng cho con cái. Ban đầu, người vợ không chịu ly hôn, bà nói còn yêu chồng và không muốn gia đình tan vỡ. Còn người chồng vẫn khẳng định yêu vợ, thương con nhưng phải ly hôn. Tại tòa, ông đã giải thích, thuyết phục vợ: “Mình ly hôn chỉ là hình thức, để anh và em tự do, để cả hai không ép buộc người kia phải sống và làm theo ý mình. Nếu chúng ta tiếp tục sống chung theo kiểu “em muốn anh thế này, anh muốn em thế kia”, sẽ dần đánh mất tình cảm và kỷ niệm đẹp mà mình đã vun đắp bao năm. Chia tay để cả hai nếu biết tiếc, trân trọng những gì mình đã có thì quay lại cũng không muộn”.

Thẩm phán Hồ Thị Lệ Thanh - người giải quyết vụ ly hôn này đã nhiều lần hòa giải, phân tích cho vợ chồng ông Bi hiểu và khuyên họ hãy hàn gắn, điều chỉnh khi còn là vợ chồng, vì khi ấy họ còn chung trách nhiệm, còn nghĩa vụ bảo vệ, giữ gìn hạnh phúc của mình.

Thế nhưng, ông Bi lắc đầu: “Tôi bó tay rồi, đã khuyên nhủ, góp ý nhiều lần nhưng bả vẫn chứng nào tật đó. Bả xem đồng tiền như bánh xe bò. Cha mẹ tôi khó khăn, còn chúng tôi khá giả nên hàng tháng chúng tôi đều chu cấp cho cả cha mẹ hai bên. Nhưng bả muốn chính bả phải là người trực tiếp đưa tiền cho cha mẹ tôi và cha mẹ tôi phải thừa nhận, hàm ơn đây là tiền của con dâu. Vì thương và nuông chiều vợ lâu nay nên tôi cũng đồng ý, dù điều này làm cha mẹ tôi rất buồn và tổn thương. Bả còn lấy điện thoại của tôi để xóa số của bạn bè nhằm không cho tôi qua lại. Trong khi tôi luôn làm tròn trách nhiệm người chồng, người cha. Con cái tôi đưa rước đi học, nhà cửa cơm nước tôi cũng lo và tôi còn phụ bả bán hàng, vậy mà bả còn muốn quản thúc, bắt tôi luôn phải ở trong tầm mắt bả. Tôi chỉ có một lỗi là quá nuông chiều vợ nên bả mới ngày càng làm tới. Vì vậy, tôi ly hôn để bả thay đổi những điều này, khi mất chồng sẽ thấy tiếc nuối, chứ tôi hoàn toàn không có ý định dứt áo đi luôn, vì khó khăn lắm chúng tôi mới đến được với nhau và có rất nhiều kỷ niệm”.

Khi ký vào biên bản thuận tình ly hôn, cả hai đều khóc. Trước lúc về, ông Bi trấn an vợ… cũ: “Mình vẫn sống chung nhà, vẫn có nhau mà”. Rồi cũng như lúc đến, cả hai nắm tay nhau rời khỏi tòa án, nhưng họ không còn cười nói như lúc bước vào, mà ánh mắt miết sâu xuống đất như tìm một vật quý giá vừa đánh rơi.

Gần hai tháng trôi qua, ông Bi và bà Hồng vẫn đồng hành với thỏa thuận: ly hôn thật, chia tay giả. Vì như bà chia sẻ, hơn 20 năm chung sống, bà biết ông không có người phụ nữ khác, cũng chẳng cờ bạc, rượu chè, rất có trách nhiệm với vợ con và cũng không đòi chia tài sản nên bà tin ông sẽ sớm “về Hợp Phố”. Tuy nhiên, thỏa thuận này còn duy trì bao lâu là câu hỏi không lời đáp. Bởi với ông Bi, ly hôn là một cuộc cách mạng đã giải phóng mình, như ông kể với bạn bè: “Ly hôn xong tôi thấy thoải mái, vì không còn bị vợ kiểm soát nữa, muốn đi đâu, làm gì tùy thích”. Còn bà Hồng vẫn hụt hẫng và khắc khoải: “Tôi thấy buồn quá, trước, ổng đi đâu cũng hỏi tôi, còn bây giờ, chiều là ổng đi mất tăm, chẳng nói với tôi câu nào. Tôi sợ ổng bỏ mẹ con tôi thật quá!”.

Có lẽ, bà Hồng sẽ chọn con đường hàn gắn khác chứ không phải ra tòa ly hôn để giữ tình cảm, nếu như bà biết rằng, có nhiều đôi đang chung sống rất hạnh phúc đã chọn ly hôn giả để tìm phương cách đổi đời, và cuối cùng họ chia tay thật. Thẩm phán Nguyễn Thị Minh Hương - nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Q.10 cho biết, nhiều năm làm công tác xét xử, bà đã gặp rất nhiều trường hợp “ly hôn giả, nhưng chia tay thật”, mà khi đến tòa, tình cảm vợ chồng vẫn “chặt không đứt, bứt không rời”, tưởng như không có gì làm thay đổi được. Điển hình như vợ chồng chị Nguyễn Bích Thuận - Trần Văn Tuấn.

Chị Thuận công tác ở một công ty điện lực, còn chồng làm giám đốc một công ty kinh doanh linh kiện máy tính. Cuộc sống của vợ chồng chị Thuận sung túc và đầm ấm. Hạnh phúc này có rất nhiều người chứng kiến - trong đó có cả thẩm phán Minh Hương khi thường xuyên gặp hai người tay trong tay, âu yếm và chăm sóc nhau, lúc chị cùng chơi thể thao với họ. Thế mà, một hôm người vợ gặp thẩm phán Minh Hương nhờ tư vấn ngay ở sân quần vợt: “Tụi em tính ly hôn, để em và hai đứa nhỏ xuất cảnh, sau đó bảo lãnh chồng qua. Thủ tục ly hôn nhanh không chị?”.

Thẩm phán Minh Hương đã phân tích và cảnh báo điều này không nên vì rất dễ ly tán thật. Nhưng chị Thuận vẫn khăng khăng: “Em đã tính toán, sắp xếp hết rồi, qua bên đó em bảo lãnh chồng nên chỉ có em phụ chồng thôi, chứ không sợ chồng phụ em”. Vậy là sau đó vợ chồng chị Thuận xin ly hôn với lý do: tính tình không phù hợp, mâu thuẫn kéo dài. Sau nhiều lần hòa giải không thành, TAND Q.10 đã giải quyết cho họ ly hôn.

Sau đó, chị Thuận đưa hai con sang Mỹ du lịch với mục đích tìm cách ở lại, nhưng không được. Sáu tháng sau, chị Thuận quay về và chết điếng khi chồng đã làm đám hỏi, chuẩn bị cưới vợ khác. Khi chị cuống cuồng năn nỉ, bắt anh hủy bỏ đám cưới và quay về với mình, thì anh Tuấn tỉnh bơ: “Tôi độc thân, muốn cưới ai là quyền của tôi”. Chị đòi tố cáo chuyện ly hôn giả, anh Tuấn thách thức: “Tôi với cô ly hôn giấy trắng mực đen, có sự chấp thuận của tòa án, vậy giả ở chỗ nào? Cô giỏi thì kiện đi, tôi đi hầu. Nếu cô trụ lại được bên Mỹ, liệu cô có nhớ đến tôi?”.

Chị tìm đến gia đình chồng và cả tòa án để yêu cầu hủy quyết định ly hôn, nhưng đã muộn. Đau hơn, giờ chị trở thành kẻ trắng tay, không tiền bạc, việc làm, chỗ ở, vì một phần tài sản đã đổ vào “giấc mơ Mỹ” không thành, phần lớn còn lại đã thuộc về người chồng. Trong dáng vẻ tiều tụy, xác xơ, chị tâm sự: “Không có cái dại nào giống cái dại nào. Tưởng đâu mình có mọi thứ trong tay, giờ mất trắng. Nhưng cái mất lớn nhất là lòng tin với con người, một cái giá quá đắt cho sai lầm của tôi”.

Khi ly hôn giả, chia tay thật, không chỉ phụ nữ mới là nạn nhân, mà cũng có nhiều đấng mày râu tự sập bẫy mình, như trường hợp của anh Đinh Văn Tốt. Sau nhiều năm tần tảo vẫn chỉ đủ ăn, trong khi thấy một người bạn nghèo trước đây giờ trở thành một Việt kiều giàu có nên anh Tốt nuôi mộng đổi đời. Anh bàn với vợ: “Tìm Việt kiều cho vợ kết hôn giả, sau khi vợ sang Mỹ sẽ bảo lãnh chồng con qua đoàn tụ”. Lúc đầu chị Phương - vợ anh Tốt không đồng ý vì không muốn xa chồng con và bơ vơ nơi xứ lạ, nhưng anh Tốt cứ thuyết phục nên chị chấp nhận. Anh chị nộp đơn ly hôn ra tòa cũng với điệp khúc như các đôi khác “bất đồng quan điểm, chung sống không hạnh phúc”. Thẩm phán thụ lý vụ việc biết chuyện đã khuyên giải hết lòng nhưng anh Tốt khẳng định: “Em đã suy nghĩ kỹ”.

Hai tháng sau, anh Tốt tìm được “đối tác” để gả vợ, và chị Phương đã xuất giá tòng phu về Mỹ sau khi anh chị phải bán căn nhà để lo “phi vụ” này. Cha con anh Tốt phải về ở nhờ nhà cha mẹ với niềm tin sẽ sớm được qua “miền đất hứa” sum họp gia đình. Thế nhưng, thư từ, liên lạc giữa anh và vợ thưa dần rồi mất hẳn sau một năm, và anh Tốt như con thú bị thương khi biết sự thật: chuyện kết hôn giả của vợ đã thành thật, chị Phương đang chung sống hạnh phúc với người mới và chuẩn bị sinh con.

Có nhiều nguyên nhân khi ly hôn nhưng chỉ có một kết quả. Những người dễ dàng bước qua đạo vợ, nghĩa chồng bằng những toan tính thường không tìm được cái kết tốt đẹp cho cuộc đời mình. Từ những vụ việc trên có thể thấy, người ta không thể đùa với pháp luật và càng không thể đùa với nghĩa trăm năm.

Theo Thùy Dương (PNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm