Những cuộc đua không hạnh phúc

Ở phòng tham vấn tâm lý Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM, không ít bạn trẻ đã đến gặp chuyên viên tư vấn tâm sự về những cuộc “đua” rất quyết liệt nhằm chóng chạm đích đến. Họ luôn phải cố sức, dù có thể thành công nhưng không khỏi hụt hẫng.

Có còn là chính mình?

Bạn trẻ Y. (Q.7-TPHCM) tìm đến phòng tham vấn với gương mặt thiểu não. Em là cậu học trò thường vắng mặt và ít chú tâm tới những bài học về tâm lý, xã hội khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Gặp tôi, cô giáo cũ, như được mở lòng, Y. trút bầu tâm sự về những nỗ lực, cái có được cùng những mất mát của mình khi đang ở vị trí dẫn đầu lớp.
“Nhà rất nghèo nên em muốn có thật nhiều tiền. Ngoài giờ học, em lao vào công việc và em đã có tiền, rất nhiều so với các bạn học nhưng… Bạn gái nói rằng em không có thời gian cho chính mình chứ đừng nói là cho cô ấy; em mê tiền, ham vật chất, em không còn là chính mình…”. Cuối cùng, bạn gái nói lời chia tay khiến Y. bỗng thấy đời trống rỗng, chẳng thiết làm gì, chỉ mải suy nghĩ và thấy bạn gái nói cũng chí lý…

Rồi Y. hỏi: “Em có còn là chính mình không cô?”. Qua những lời dẫn dắt, Y. nhớ về những ngày sôi nổi tham gia các hoạt động xã hội và chợt nhận ra giờ đây, em suốt ngày bên máy tính cùng những hợp đồng, chẳng biết gì về những hoạt động bổ ích, tươi trẻ trước đây...

Sau buổi trò chuyện, Y. tự đúc kết: “Nhìn lại những ngày vừa qua, cái em có được chỉ là tiền. Ngoài ra, chẳng có gì cả!”.
Tiến sĩ mất người yêu

Trên một đường đua khác, Q., con gái rượu của một gia đình khá giả ở Q.1-TPHCM, được định sẵn một tương lai xán lạn: du học lấy bằng tiến sĩ để về nước điều hành công ty gia đình. Q. lao vào học, đến giữa lớp 12, trước khi du học 6 tháng, Q. gặp một sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh tế TPHCM và trúng tiếng sét ái tình. Tuy nhiên, đường đua ba mẹ đã vạch ra cũng là mục tiêu của đời Q. nên cô lên đường du học và tha thiết đề nghị người yêu chờ đợi.

Anh ấy ủng hộ nhưng đề nghị Q. học hết thạc sĩ thì cưới. Trong khi người yêu là chàng trai thuộc hạng A, rất giỏi giang, có cơ hội tiếp xúc với nhiều cô gái xinh đẹp, giỏi việc nhà, đảm việc cơ quan thì Q., với sự đốc thúc của gia đình và ước vọng của mình, cô quyết tâm nhận bằng tiến sĩ mới về nước. Sau 6-7 năm chờ đợi mà ngày Q. về vẫn chưa rõ, cộng với sự hối thúc của gia đình, người yêu của Q. đã lên xe hoa cùng một bóng hồng khác.

Khi cầm bằng tiến sĩ về nước, Q. không còn trẻ, lại con nhà giàu, có mác du học và học vị cao nên không chàng trai nào dám với tới. Cộng với nỗi buồn mất người yêu, Q. sống khép kín, chỉ biết vùi đầu vào công việc. Càng ngày, Q. càng thấy cuộc sống thật vô vị, nhạt nhẽo rồi sinh ra trầm cảm khá nặng, phải trị liệu tâm lý 2 năm trời.

Hãy sống tích cực

Xã hội đầy rẫy thông tin về sự thành đạt, chức quyền, người đẹp và đại gia… khiến một bộ phận giới trẻ coi giá trị vật chất là thước đo của sự thành đạt và quyết chí “chạy đua để được như vậy”. Một số bạn trẻ kịp nhận thấy đó là cuộc đua không có điểm dừng và đã định hướng lại cuộc đời, nhưng đa số bạn trẻ đã “phóng lao” vẫn cứ “theo lao”.
Đó là vì các bạn chưa được hướng dẫn đi đúng đường nên… càng đua càng thấy mong ước xa dần và bế tắc. Người lớn cần giúp giới trẻ định hướng lại giá trị sống và xây dựng các kỹ năng sống. Chính giá trị sống tích cực, năng lượng từ nội tâm và sự giúp đỡ của các mối quan hệ tốt đẹp giúp bạn trẻ sống bình an, thành công, hạnh phúc và có ích.

Giá trị sống tích cực, năng lượng nội tâm và sự giúp đỡ của các mối quan hệ tốt đẹp giúp bạn trẻ sống bình an, thành công, hạnh phúc và có ích.

Thạc sĩ Phạm Thị Thúy
Theo VNE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm