Những bất ngờ từ UBND phường “3 không“

Những đôi bạn trẻ đăng ký kết hôn, tổ chức đám cưới hay sinh con, lãnh đạo phường đều có thiệp chúc mừng... Dù hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn, là sợi dây kết nối giữa chính quyền với người dân.

Lá thư làm mát lòng

Mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” được UBND tỉnh Bình Dương thực hiện gần hai năm nay. Chương trình đã chuyển biến mạnh mẽ lề lối làm việc của cán bộ, công chức, tạo sự thay đổi tích cực về nhận thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân.

Tại UBND phường Phú Cường (TP Thủ Dầu Một), người dân đến đây đều cảm nhận được sự thân thiện của các cán bộ, công chức.

Vui mừng bước ra khỏi phòng hành chính của phường, anh Nguyễn Văn Lương hồ hởi khoe vừa nhận được giấy khai sinh cho con trai đầu lòng. Không những thế anh còn được lãnh đạo phường gửi thư chúc mừng gia đình có thêm thành viên mới. Hơn một năm trước khi kết hôn, anh Lương cũng được chính quyền địa phương gửi thư chúc mừng hạnh phúc.

“Dù chỉ là lá thư nhỏ bé nhưng gia đình tôi cảm thấy được địa phương quan tâm. Mình là người lính đảo, không có thời gian nhiều nên khi đến đây được ủy ban đón tiếp tận tình, làm thủ tục giấy tờ nhanh chóng nên rất an tâm” - anh Lương chia sẻ.

Đôi bạn trẻ Nguyễn Công Thành và chị Lê Thanh Hương cũng vừa được cán bộ tư pháp-hộ tịch làm thủ tục đăng ký kết hôn. Sau đó hai người nhận được thư chúc mừng màu hồng trao tận tay và những lời động viên của phó chủ tịch UBND. Hành động của cán bộ phường đã khiến cho cặp đôi mới vô cùng bất ngờ và hài lòng về những đổi thay ban đầu từ mô hình thí điểm này.

“Nhiều hộ gia đình còn cẩn thận lấy thư chúc mừng lồng khung treo tường” - anh Nguyễn Thạnh An, người đến làm khai sinh cho con tại UBND phường, cho biết.

Phó Chủ tịch UBND phường Phú Cường Nguyễn Văn Tiến trao giấy khai sinh và thư chúc mừng cho công dân. Ảnh: VŨ HỘI

Không để dân đi lại nhiều lần

Tại trụ sở UBND phường Phú Cường có rất nhiều khẩu hiệu yêu cầu công chức phải vì dân. Chẳng hạn như khẩu hiệu “ba không”: Không chậm trễ hồ sơ và công việc; không để công dân, tổ chức đi lại nhiều; không gây sách nhiễu, phiền hà nhân dân.

Để có công cụ giám sát, phường niêm yết hộp thư đóng góp ý kiến và số điện thoại lãnh đạo phường tại trụ sở để người dân góp ý kiến, phản ánh, tố cáo.

Hằng ngày văn phòng kiểm tra hộp thư để báo cáo lãnh đạo phường và có những cuộc đối thoại trực tiếp với người dân để lấy ý kiến. Nếu có thông tin phản ánh, lãnh đạo phường sẽ mời người tố cáo đến để làm rõ. Sau khi có kết quả sẽ xử lý công khai.

Bà Văn Nguyệt Ánh, Chủ tịch UBND phường Phú Cường, cho biết những lá thư chúc mừng, chia buồn từ địa phương đã khiến người dân cảm thấy được quan tâm, chia sẻ, xóa đi khoảng cách giữa dân và cán bộ.

Về phía mình, người dân như có thêm sợi dây gắn kết với chính quyền, tích cực hơn khi tham gia góp ý về cách hành xử của cán bộ.

“Mục đích của chúng tôi là xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, có hiệu quả nhằm để tránh việc đi lại nhiều lần gây phiền hà cho công dân. Vì vậy sáu tháng đầu năm 2017 nhận được gần 50 phiếu đóng góp ý kiến về thái độ phục vụ, ứng xử tiếp công dân và đều được đánh giá ở mức độ hài lòng đối với cán bộ tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ” - bà Ánh cho biết thêm.

Nhiều nơi khác ở Bình Dương cũng đang thực hiện mô hình chính quyền gần dân tương tự.

Tổ chức “ngày làm việc Chủ nhật”

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương Nguyễn Anh Hoa cho biết tỉnh đang triển khai mô hình một cửa lưu động để phục vụ người dân nhanh chóng, giảm áp lực đi lại và giảm tải tại công sở. Đồng thời kết hợp với địa phương thực hiện “ngày làm việc Chủ nhật”. Bà Hoa cho biết: “Nhiều người trong tuần bận đi làm nên chúng tôi cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để người lao động làm được mọi thủ tục hành chính mà không phải xin nghỉ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm