Nhậu ở Việt Nam đã thành tệ nạn

Tại hội thảo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam ngày 27-12, đại diện WHO đã nhận định: Tình trạng ép uống rượu bia ở Việt Nam đã thực sự trở thành tệ nạn.

Chúng tôi ghi nhận ý kiến của hai chuyên gia về việc vì sao có tệ nạn này và tác hại của nó đối với sức khỏe của người nhậu nhẹt.

GS-TS VŨ GIA HIỀN,Hội Khoa học tâm lý và giáo dục TP.HCM:

Làm khổ nhau vì sĩ diện

Từ xa xưa, nhậu đã trở thành một phần lễ nghi trong văn hóa tinh thần của người Việt. Ông bà ta từ xưa đã có câu: “Khách đến nhà không trà thì rượu”. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết uống thế nào là vừa, là đủ, uống xác định vui là chính hay thỏa sức thể hiện là chính. Thế nên, dần dần nó biến thành tệ nhậu nhẹt, rượu bia ngày nay.

Chuyện thách uống, “100%” cũng từ đó mà ra. Ban đầu chỉ là tâm lý tưởng thưởng hoặc không muốn thua kém nên cố uống, uống bò lê bò lết, nôn mật xanh mật vàng, gục trên bàn nhậu cũng uống để thể hiện mình. Đàn ông còn có câu “nam vô tửu như kỳ vô phong”. Có những người biết cơ địa không tốt, uống không được vẫn gắng theo vì nếu từ chối sẽ bị chê, bị khích bác là khinh người, là không nể mặt. Thêm vào đó là sự lôi kéo của bạn bè, cổ xúy quá mức… Sau đó, uống dần thành thói quen, không đi lại thấy thiếu thiếu, không thách nhau uống nhiều thì không hợp thời. Từ việc là nạn nhân bị ép uống, họ dần trở thành thủ phạm lôi kéo, khích bác lại người khác.

Sử dụng bia rượu quá nhiều dễ gây tổn thương thần kinh. Ảnh minh họa: HTD

ThS-BS NGUYỄN ĐỨC THÀNH, BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM):

Suy sụp tinh thần lẫn sức khỏe

Bia rượu là chất cồn, gây ra nhiều căn bệnh cả về tinh thần lẫn sức khỏe cho người sử dụng. Khi sử dụng bia rượu quá mức cho phép có thể bị giãn các mạch máu, đặc biệt là các mạch máu ngoại biên làm rối loạn ý thức người sử dụng, khiến người bệnh mất năng lực định hướng thời gian lẫn không gian, tác hại lớn đến dạ dày, gan.

Người sử dụng nhiều bia rượu dẫn đến mất ngủ hoàn toàn, ngủ không ngon và gặp nhiều ác mộng, hành động mất kiểm soát như bạo hành gia đình và gây rối trật tự xã hội. Về trạng thái tâm thần, họ luôn ở trong tình trạng lo âu, sợ hãi, căng thẳng, bị ảo giác, ảo thanh. Ngoài ra, bia rượu có thể làm họ bị giãn các dây thần kinh, toàn thân run lập cập, nói chuyện lắp bắp không rõ ràng, đi loạng choạng nên rất dễ vấp ngã, gây tai nạn. Trường hợp nặng hơn thế còn tự co giật gây động kinh.

60.000 tỉ đồng là số tiền Việt Nam phải bỏ ra trong một năm để chi phí trực tiếp cho rượu bia. Tổn thất về kinh tế do sử dụng rượu bia chiếm gần 3% tổng số thu ngân sách của cả nước.

TS TRƯƠNG ĐÌNH BẮC,
Cục phó Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm