Nhật ký cách ly: Tiếng khóc xé lòng lúc nửa đêm “Em chấp nhận bị nhiễm…”

Ngày thứ 6 ở trong khu cách ly tập trung trường tiểu học Phú Lợi 2 (phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), mọi thứ vẫn bình lặng diễn ra.

Một ngày xoay quanh việc ăn và ngủ, thời gian ở đây dường như chậm lại, một ngày trôi qua dường như dài hơn bình thường.

Nhật ký cách ly: Tiếng khóc xé lòng lúc nửa đêm “Em chấp nhận bị nhiễm…” ảnh 1
Trường tiểu học Phú Lợi 2 mới được xây dựng được trung dựng để làm khu cách ly tập trung, năng lực tiếp nhận khoảng hơn 200 người cách ly. Ảnh: LA

Tiếng khóc xé lòng của người mẹ trẻ

Khoảng 21 giờ, khi hầu hết mọi người đã vào phòng chuẩn bị đi ngủ thì bất ngờ nghe tiếng khóc lớn của một cô gái. Tiếng khóc lớn phá vỡ bầu không khí tĩnh lặng giữa đêm khuya trong khu cách ly này.

Mọi người nháo nhác hết lên vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhiều người chạy ra hàng lang. Một người đàn ông nói: “Hình như tiếng khóc phát ra từ tầng trệt…”

Lúc này tiếng khóc không còn lớn nữa, mọi người thấy không có chuyện gì xảy ra, rồi những người ở các tầng trên cũng không để ý nữa, mà vào phòng nằm ngủ.

Riêng tôi, lần theo tiếng khóc nhỏ dần, từ tầng hai xuống tầng trệt tìm đến phòng 4B.

Đập vào mắt tôi là một cô gái trẻ đang ngồi khóc nức nở, nước mắt giàn giụa. Dường như cô gái này đã khóc rất lâu rồi nên cả hai mắt sưng húp lên.

Mọi người trong phòng im lặng nhìn về phía cô, vì tò mò mọi người ở những phòng xung quanh đó cũng qua xem. Lúc này, cô gái trẻ đang chăm chăm nhìn vào điện thoại, như đang đợi chờ một cuộc điện thoại của ai đó.

Tôi hỏi nhỏ một chị lớn tuổi đang đứng gần cửa biết được: "Người đang khóc là chị DKH (phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, người đang cách ly tại đây, hiện tại kết quả test là âm tính-PV). Suốt từ trưa đến giờ H. nó đứng ngồi không yên, chạy đi chạy lại, khóc suốt vì lo cho con".

Chuyện là con trai hơn 4 tuổi của H. cách ly cùng bà ngoại trên khu cách ly tập trung ở phường Hiệp An. Sáng nay, bà ngoại cháu có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 nên bà bị đưa đi điều trị, chỉ còn một mình con của Hương ở đó. “Nghe nói, con nó khóc đến khan cổ họng…”, chị cho hay.

Chị nói tiếp: "Nãy giờ nó xin ban ban quản lý khu cách ly đưa con xuống đây hoặc cho nó lên đó để lo cho con. Họ nói sẽ giải quyết nhanh, nhưng giờ vẫn đang đợi, mà con nó trên đó vẫn đang khóc đòi về".

Nửa đêm bé N. được các nhân viên y tế đưa đến khu cách ly trường tiểu học Phú Lợi 2, cách ly cùng mẹ. Ảnh: LA

Câu chuyện đang dở dang thì tiếng chuông điện thoại của chị H. vang lên. Đầu dây bên kia là người ở cùng phòng với con của chị.

Vừa nghe điện thoại, tiếng khóc nấc của chị H. càng một to lên. Mạnh mẽ gạt nước mắt chị nói vào điện thoại: “Anh ơi, anh giúp em với ạ, anh giúp em cho nó ở một đêm với ạ. Suốt từ trưa đến giờ em gọi điện khắp nơi để xin cho con xuống đây mà chưa được. Là mẹ em đâu muốn bỏ con mình như vậy, anh giúp em với ạ”.

Giọng nói cầu xin thảm thiết của người mẹ trẻ khiến tôi và những người chứng kiến mắt ngấn lệ. Một chị lớn tuổi vì quá xúc động, vội gạt nước mắt chạy ra ngoài.

Điện thoại vừa dứt, gương mặt H. lại giàn giụa nước mắt. Đến giờ chị khóc không thành tiếng, chị ngồi thẫn thờ, nước mắt cứ thế tuôn ra…

“Cám ơn anh! Người bộ đội có tâm”

Khoảng hơn 23 giờ, một chiếc xe cấp cứu tiến vào khu cách ly. Nghe tiếng còi hú, chị H. cùng mọi người chạy ùa ra, hướng về chiếc xe đang từ từ tiến vào sân.

Chị H. chấp nhận có nguy cơ bị nhiễm để bên cạnh chăm sóc cho con trai hơn 4 tuổi. Ảnh: Bạn đọc cung cấp

Lần này, chiếc xe không dừng ở cổng để thả người mới đến cách ly như mọi lần, mà tiến thẳng vào trong khu cách ly nơi chị H. đang ở.

Một người đàn ông nói bâng quơ: “Chắc lại đến đưa người dương tính đi đây mà…!”.

Nhưng không, mở cửa xe ra là bé NHN (con trai chị H), thấy vậy chị H. lau vội nước mắt chạy nhanh đến chiếc xe. Nhưng các nhân viên y tế cản lại, bảo chị chờ xíu để tiến hành phun khử khuẩn, rồi mới cho bé xuống.

Lúc này, dường như nỗi nhớ con và bản năng làm mẹ của người phụ nữ trỗi dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết. Đứng cách con vài mét, nhìn con mặc bộ đồ bảo hộ kín mít mà không được ôm con vào lòng, tiếng khóc của chị như vỡ òa hơn bao giờ hết…

Khi phun khử khuẩn toàn bộ xong, bé trai mới được cho vào, chị Hương lao vào ôm chầm lấy con.

Đứng từ xa, tôi và những người trong khu cách ly lại một lần nữa không kiềm chế được những giọt nước mắt của mình. Đó là những giọt nước mắt khi chứng kiến tình mẫu tử cao đẹp đến nhường nào, giọt nước mắt cho sự khắc nghiệt của dịch bệnh COVID-19.

Mọi người thở phào nhẹ nhõm, một người phụ nữ vừa nhìn hai mẹ con vừa nói “Thế là mẹ con nó được đoàn tụ rồi…khổ thân”.

Người con có nguy cơ cao mắc COVID-19 (vì 6 người cùng gia đình ở chung với bé N. đã có kết quả dương tính), nhưng là một người mẹ chị H. không bỏ mặc con mình. Chị chấp nhận nguy cơ cao bị nhiễm để đón con về với mình chăm sóc. Lẽ dĩ nhiên, bản thân chị con luôn phải tuân thủ 5K để kéo giảm nguy cơ lây nhiễm ở mức thấp nhất.

Người dân trong khu cách ly cám ơn tinh thần đầy trách nhiệm, tận tâm của Đại úy Hiệp và toàn thể cán bộ, nhân viên y tế, tình nguyện viên tại khu cách ly này. Ảnh: LÊ ÁNH

Bà Huỳnh Thị Tuyết Mai, người cách ly cùng chị H. cho biết: “Cũng may nhờ anh Hiệp (đại úy Nguyễn Quang Hiệp, Ban CHQS TP Thủ Dầu Một) có tâm, cố gắng giúp đỡ linh động giải quyết chứ nếu để thằng bé một mình hết đêm nay thì tội thằng nhỏ lắm, tội cả mẹ nó nữa”.

Sau khi hai mẹ con đoàn tụ, cả hai được đưa lên một phòng khác để tiếp tục cách ly, vì bé trai có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh.

Gặp được con, chị H. vui mừng khôn xiết, chưa bao giờ trong cuộc đời chị nghĩ là sẽ gặp cảnh này.

Chị kể: “Em cách ly ở bên đây có một mình. Còn gia đình em 7 người cách ly ở một khu khác tại phường Hiệp An. Sáng 17-7, sau khi xét nghiệm phát hiện cả 6 người trong nhà bị dương tính nên mọi người được chuyển đi điều trị, chỉ riêng bé nam là âm tính nên ở lại khu cách ly.

Em gọi điện cho người quen bên đó được nghe kể lại: Con trai em ở một mình trong phòng, mọi người sợ lây nhiễm nên không ai dám lại gần. Cũng may có chị nhân viên y tế hỗ trợ tắm rửa và cho bé ăn. Nhưng ở nơi xa lạ, không có người thân, con em ở một mình nên nó khóc suốt. Đến trưa, có mấy người mới đến cách ly được đưa vào phòng của con em, thấy người lạ nó lại khóc nhiều hơn, khóc nhiều quá nó mệt ngủ thiếp rồi dậy lại khóc. Nó đói đòi uống sữa, nhưng mấy người trong phòng không dám đến gần vì sợ nhiễm, em gọi điện cho các anh nhờ pha sữa rồi bỏ qua đó, còn em nó tự đến lấy uống. Là một người mẹ em nghe mà lòng chịu không thấu”.

Chị kể tiếp: “Em gọi điện khắp nơi nhờ sự giúp đỡ, em xin cho mình qua bên khu cách ly ấy hoặc đưa con em sang đây. Nhưng họ nói đang chờ ý kiến lãnh đạo. Mặc dù biết con em có nguy cơ bị nhiễm cao nhưng là mẹ em sao bỏ con được. Lúc gặp anh Hiệp, em năn nỉ nhờ anh giúp cho con em qua đây sớm. Anh đã động viên và hứa sẽ nhanh chóng giải quyết cho em”.

Hàng ngày các bạn nhân viên y tế đi đo nhiệt độ và hỏi thăm sức khỏe từng người trong khu cách ly. Ảnh: LÊ ÁNH

“Anh Hiệp rất có tâm, em cám ơn anh và các bạn tình nguyện viên trong khu cách ly này nhiều lắm. Sự việc này là không ai mong muốn hết, nhưng anh Hiệp và các bạn ấy đã hỗ trợ cho em rất nhiệt tình. Nếu anh Hiệp không nỗ lực giúp đỡ, hỗ trợ thì hai mẹ con em không biết phải làm sao”, chị H. nghẹn ngào nói.

Tôi và những người chứng kiến câu chuyện này không khỏi xót xa. Câu chuyện của chị H. là một minh chứng rõ ràng nhất cho sự khắc nghiệt của dịch bệnh COVID-19. Dịch bệnh đang và đã tác động trực tiếp đến từng người, từng nhà. Chỉ có ở trong hoàn cảnh tương tự như chị H. mới thấu được sự nghiệt ngã ấy.

Tìm cách chuyển bé sang ở với mẹ sớm

Đại diện Ban CHQS TP Thủ Dầu Một cho biết: Khi toàn bộ gia đình bé N. được chuyển đi điều trị, ban quản lý khu cách ly đã cử người theo dõi chăm sóc cho bé.

Tuy nhiên, vì không có người nhà ở bên cạnh nên bé cứ khóc đòi về nhà. Phía đơn vị cũng cố gắng nhanh nhất có thể để đưa bé về với mẹ, nhưng việc chuyển bé đi do Trung tâm y tế TP Thủ Dầu Một phụ trách và việc chuyển đi phải đúng quy định để không lây lan dịch bệnh.

Hiện tại, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, số lượng F0 tăng nhanh kéo theo số lượng F1 rất lớn. Chính vì vậy lực lượng nhân viên y tế và các phương tiện không đủ để đáp ứng.

Trong đêm, chúng tôi đã phải liên hệ một xe cấp cứu của một bệnh viện tư nhân để nhanh chóng chuyển bé sang với mẹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm