Nhận đổ rác thuê rồi trút bừa trong khu dân cư

Mới đây, Nghị định 155/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đã tăng mức phạt hành vi đổ rác bừa bãi lên 3-7 triệu đồng. Mức phạt tăng nhưng rác thải vẫn tung hoành trong khu dân cư bởi người dân, hộ sản xuất cứ thuê người khác đổ rác là xong; còn người được thuê thì hoạt động ban đêm, đổ rất nhanh rồi… viện cớ chỉ đổ thuê để xin tha.

Từ xe đạp đến xe tải đi đổ rác thuê

Mới đây, UBND phường An Lạc A (quận Bình Tân) phát hiện một phụ nữ lớn tuổi chạy xe đạp, chở nhiều cây cối mới chặt đi đổ ở bãi đất trống. Hỏi ra mới biết bà được người ta thuê với giá vài chục ngàn đồng để đi đổ rác giùm. Thông cảm hoàn cảnh của bà, phường chỉ răn đe. Qua bà, phường liên hệ được người chủ thuê để nhắc nhở và khắc phục hậu quả.

Trước đó, phường cũng bắt quả tang một thanh niên lén chở các bao vải vụn đi đổ sai nơi quy định và lập biên bản xử phạt. Những người này thường chọn các bãi đất trống để đổ xà bần, đồ dùng gia đình cũ, cây cối…, có khi cả xác súc vật, rất mất vệ sinh. Phường Bình Trị Đông còn bắt quả tang nhiều trường hợp người dân được các công ty thuê đổ rác công nghiệp.

Theo ông Võ Văn An, Phó Chủ tịch UBND phường An Lạc A, địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp như tuyên truyền, cử người canh gác, lắp camera... nhưng vẫn rất khó để ngăn chặn tình trạng này.

Rác đủ loại trên đường Nguyễn Văn Linh,huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: HTD

Tại phường Thạnh Lộc (quận 12), bà Võ Mỹ Thảo Vân, Phó Chủ tịch phường, thông tin trong sáu tháng phường đã bắt quả tang và xử lý 11 vụ, trong đó nhiều trường hợp là người đi đổ thuê, phạt tổng cộng 35 triệu đồng. “Chủ xưởng sản xuất còn thuê cả xe tải đi đổ lén rác sản xuất, phế phẩm sau khi làm nhà... Chúng tôi đã lập biên bản, tịch thu phương tiện và đề nghị tài xế khắc phục hậu quả” - bà Vân cho biết.

Xử người thuê hay người đổ rác?

Việc xử lý người đổ rác bậy thì Điều 20 Nghị định 155/2016 đã quy định phạt tiền 3-7 triệu đồng tùy vào nơi đổ rác. Tuy nhiên, với đối tượng thuê người đi đổ rác thì sao?

Lãnh đạo UBND các phường đều cho biết họ khá lúng túng trong việc xử lý đối với những người đi thuê người khác đổ rác bừa bãi. Vì vậy mỗi phường một cách xử lý.

Phường An Lạc A (quận Bình Tân) trong trường hợp nêu trên thì yêu cầu người thuê khắc phục hậu quả bằng cách hỗ trợ một phần chi phí để rào chắn bãi đất trống lại, không cho vào đổ rác nữa. Còn phường Thạnh Lộc (quận 12) thì từ người đi đổ thuê truy ra chủ thuê để gửi giấy về địa phương, đề nghị chủ thuê đăng ký dịch vụ đổ rác đúng nơi quy định, không được “thả bậy” rác thải.

Ông Trương Hoài Phong, Chủ tịch UBND phường 15 (quận 10), cho biết đến nay phường chưa xử lý trường hợp nào đối với việc xử phạt hành vi đổ rác không đúng nơi quy định theo Nghị định 155/2016. Vì trên thực tế những người vi phạm đa phần là lao động nghèo nên thông thường lực lượng chức năng khi phát hiện chỉ nhắc nhở và yêu cầu họ thu dọn lại theo đúng nơi quy định.

Ngoài ra, phường 15 cũng rất khó xác định người vi phạm. Lý do là hành vi diễn ra rất nhanh, có trường hợp được camera ghi lại nhưng đối tượng không phải là người địa phương nên khó nhận dạng. Cũng chính vì vậy nên đa phần người trên địa bàn không tự đổ mà đều đi thuê. Đối tượng được thuê đều không phải là các cơ sở, công ty có chức năng, dịch vụ xử lý rác mà chỉ là người dân vãng lai.

Không phạt người thuê về hành vi đổ rác bừa bãi

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Chủ tịch phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân), cho biết theo quy định hiện hành, đối với người thuê người khác vứt không đúng nơi quy định thì không phạt vì hành vi vứt rác bừa bãi. Tuy nhiên, khi các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và phát hiện sai phạm ở cơ sở thì sẽ có hình thức chế tài khác.

Theo đó, tại khoản 4, 5 Điều 20 nghị định này thì các hộ kinh doanh không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định sẽ bị phạt tiền 15-20 triệu đồng. Phạt tiền 20-25 triệu đồng với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Trong tình thế xử phạt người được thuê đi đổ rác, phường như đứng cửa giữa vì người vi phạm cũng chỉ là người được thuê. Cần răn đe cả những người chủ thuê nên nếu phát hiện người đi thuê thuộc địa bàn quản lý, phường sẽ có biện pháp mạnh hơn.

VÕ MỸ THẢO VÂN, Phó Chủ tịch phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm