Nhà đất đã mua bị chiếm?

Vợ chồng ông Nguyễn Trung Thành mua một mảnh đất (trên đó có hai căn nhà cũ xây sẵn) tọa lạc trên quốc lộ 1, ngang qua ấp Bắc Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Người bán là vợ chồng bà Nguyễn Thị Loan (có giấy đỏ). Hợp đồng mua bán được xã chứng thực và vợ chồng ông Thành được giao đất và được cấp giấy đỏ vào năm 2011. Gia đình ông Thành đã sử dụng, quản lý nhà đất này từ đó đến tháng 7-2012.

Bị người khác phá khóa, chiếm giữ

Tháng 1-2012, vợ chồng ông Thành nhận được quyết định của UBND huyện Thống Nhất thu hồi giấy đỏ đã cấp cho vợ chồng ông với lý do “dựa vào kết luận điều tra của công an huyện và báo cáo của thanh tra”. Theo đó, các cơ quan này cho rằng việc cấp giấy đỏ cho người bán không đúng pháp luật và thủ tục chuyển nhượng đất cho người mua là sai vì đất có tranh chấp từ người chị ruột của người bán (bà NTH).

Không đồng ý, vợ chồng ông Thành khởi kiện UBND huyện Thống Nhất ra tòa yêu cầu hủy quyết định trên. Trong lúc chờ tòa xử, ông Thành khóa cửa nhà để đó. “Thế nhưng tối 8-7-2012, phía bà H. đã phá khóa cửa, đưa đồ đạc vào nhà và ở luôn tại đó” - ông Thành phản ánh.

Phát hiện việc này, lập tức ông Thành gửi đơn tố cáo khẩn đến các cơ quan, từ UBND xã đến UBND huyện, từ công an xã đến Công an huyện Thống Nhất. Thế nhưng ba năm qua, căn nhà trên miếng đất của ông Thành đã mua vẫn bị chiếm giữ, bà H. cho thuê mở quán nhậu, sửa xe.

Đến năm 2013, tòa phúc thẩm đã tuyên hủy quyết định hành chính của UBND huyện Thống Nhất và giao trả lại giấy đỏ đã thu hồi cho ông Thành. 

 
Căn nhà đang bị bà H. chiếm giữ, cho thuê. Ảnh: TD

Không khởi tố vì tranh chấp dân sự

Hiện tại vợ chồng ông Thành vẫn đang giữ giấy đỏ nhưng miếng đất (có hai căn nhà cũ) thì vẫn bị bà H. chiếm giữ, cho thuê. “Miếng đất trên đó có nhà thuộc quyền sử dụng của tôi lại bị người khác chiếm giữ, cho thuê mà không ai làm gì được họ. Tôi biết phải làm gì đây?” - ông Thành bức xúc.

Ngày 22-9-2015, phó trưởng Công an huyện Thống Nhất có văn bản trả lời ông Thành. Theo đó, công an không khởi tố vụ án hình sự vì cho rằng hành vi của bà H. xảy ra sau khi UBND huyện thu hồi giấy đỏ đã cấp cho ông Thành và trước thời điểm có bản án phúc thẩm trả giấy đỏ cho ông. “Hành vi phá khóa vào ở của bà H. (bà H. cho rằng đây là tài sản cha mẹ bà để lại) chỉ là hành vi tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” - Công an huyện Thống Nhất nhận định.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Trần Sỹ Quỳnh, Phó Trưởng Công an huyện Thống Nhất, nói thêm: “Bà H. chiếm nhà của vợ chồng bà Loan chứ không phải chiếm nhà của vợ chồng ông Thành. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không thể hiện hai căn nhà trên đó. Nói cách khác, chưa có cơ sở pháp lý công nhận hai căn nhà trên đất là của vợ chồng ông Thành”. “Chúng tôi nhận định hành vi của bà H. là trái pháp luật nhưng không có dấu hiệu tội phạm. Lúc này là việc tranh chấp tài sản giữa vợ chồng ông Thành và bà H. nên ông Thành phải kiện ra tòa để đòi lại” - Thượng tá Quỳnh nói.

Ông Thành nên kiện dân sự để đòi lại đất, nhà

Tôi tìm các văn bản không thấy có quy định nào xử lý vi phạm hành chính hành vi tự ý vào nhà người khác ở như trường hợp này. Về hình sự thì chỉ có thể xử lý khi những người này có hành vi cố ý làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản đến một mức nào đó… Còn không thì dường như không thể làm gì đối với hành vi tự tiện vào nhà người khác ở. Chỉ có thể khởi kiện dân sự.

ThS DƯƠNG HOÁN, giảng viên khoa Luật hành chính,
ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm