Người liên quan muốn THA không được

Bà Hoàng Yến Hằng (quận 12, TP.HCM) phản ánh: Năm 1998, Ngân hàng Phương Nam ủy quyền cho Công ty Trần Kim và bà Trần Kim Diệp (Chủ tịch HĐQT Công ty Trần Kim) bán lại một lô đất cho bà. Trong quá trình mua bán, công ty không thanh toán tiền cho ngân hàng nên năm 2002, ngân hàng khởi kiện ra TAND quận 12, yêu cầu công ty hủy bỏ hợp đồng ủy quyền và giải quyết hậu quả.

Sau đó, tòa tuyên hợp đồng ủy quyền giữa ngân hàng và công ty vô hiệu. Ngân hàng trả cho công ty hơn 7 tỉ đồng tiền bồi thường thiệt hại, công ty và bà Diệp trả lại cho bà Hằng (người liên quan) khoảng 9 tỉ đồng. Bà Hằng phải giao đất đã mua cho ngân hàng. Tuy nhiên, khi án có hiệu lực, bà Hằng muốn trả lại đất để nhận tiền như bản án đã tuyên nhưng các đương sự liên quan không thực hiện.

Về việc này, lãnh đạo Chi cục Thi hành án (THA) dân sự quận 12 cho biết công ty và ngân hàng không làm đơn yêu cầu THA nên không thể phát sinh các quan hệ như bản án đã tuyên. Chưa kể là hiện nay phía công ty lại ngưng hoạt động. Do đó, dù bà Hằng có bức xúc, cơ quan THA cũng không thể làm gì hơn ngoài việc đôn đốc các bên liên quan THA…

Ông Trần Quốc Học (Phó Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 8, TP.HCM) cho biết do không nắm được nội dung quyết định bản án nêu trên nên không có ý kiến về vụ việc. Tuy nhiên, hiện nay đúng là pháp luật chỉ quy định người được THA và người bị THA có quyền yêu cầu THA chứ không có quy định người liên quan được yêu cầu THA. Do vậy, những quyền lợi của người liên quan chưa được đảm bảo. 

Thực tế, trong quá trình tổ chức THA còn gặp một số trường hợp: Bản án tuyên Công ty A phải trả cho Ngân hàng TMCP X số tiền T, nếu hết thời gian theo thỏa thuận Công ty A không thi hành thì Ngân hàng TMCP X có quyền phát mãi tài sản bảo lãnh là quyền sử dụng đất của ông B. và bà C. nhằm đảm bảo nghĩa vụ thi hành án. Sau khi bản án có hiệu lực Ngân hàng X và Công ty A không làm đơn yêu cầu thi hành án, thậm chí đã hết thời hiệu làm đơn yêu cầu thi hành gây khó cho ông B. và bà C. (người có tài sản bảo lãnh và là người được Tòa án đưa vào bàn án với tư cách là người liên quan).

“Theo ý kiến cá nhân của tôi, các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu bổ sung thêm quy định để giúp người liên quan bảo vệ được quyền lợi của mình. Cụ thể, pháp luật phải quy định người liên quan được quyền yêu cầu THA đối với phần bản án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong trường hợp ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ 3. Nếu người được THA, người phải THA không thực hiện nghĩa vụ của mình”- ông Học nói.

V.HÀ - N.AN

 

Đừng bỏ quên thời hiệu THA

Theo ông Trần Quốc Học (Phó Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 8, TP.HCM), có thể do nhiều nguyên nhân, người được và bị THA chưa có thể yêu cầu THA theo đúng thời gian quy định. Nhưng dù thế nào thì cũng không nên quên thời hiệu THA để quyền lợi của mình không bị thiệt hại và không làm ảnh hưởng đến người khác.

Cụ thể Điều 30 Luật THA dân sự (về thời hiệu yêu cầu THA) quy định: Trong thời hạn năm năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được THA, người phải THA có quyền yêu cầu cơ quan THA dân sự có thẩm quyền ra quyết định THA. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn năm năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn năm năm được áp dụng cho từng định kỳ kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ THA theo quy định của luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu THA, trừ trường hợp người được THA đồng ý cho người phải THA hoãn THA.

Trường hợp người yêu cầu THA chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu THA đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu THA.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm