Ngoại tình công sở: Chỉ là biện hộ?


Ngàn lẻ một lý do
Dân công sở có ít nhất 8 giờ vàng ngọc mỗi ngày để nhìn thấy đồng nghiệp - khoảng thời gian này trong nhiều trường hợp còn lớn hơn khoảng thời gian vợ - chồng dành cho nhau. Đó là nguồn cơn của nhiều mối tình chóng vánh nơi công sở. Minh - trưởng phòng của một công ty truyền thông thú nhận, dù đã có gia đình nhưng anh đã từng trải qua 2 mối tình công sở. Mối tình đầu tiên là với một đồng nghiệp cùng công ty nhưng khác phòng. Họ bắt chuyện với nhau từ buổi tiệc do công ty tổ chức, dần dà thân hơn rồi thành nhóm mấy người cùng đi ăn trưa, thỉnh thoảng rủ nhau đi cà phê tán chuyện. Rồi có những lúc buồn chuyện gia đình cô đồng nghiệp rủ anh trưởng phòng nọ đi nhậu. Thế là mọi chuyện cứ tiến xa thêm và họ đã rơi vào cái lưới của ngoại tình. Cho đến tận khi cô đồng nghiệp có lẽ đã bị thức tỉnh khỏi cơn mê nên chủ động đề nghị chấm dứt và chuyển công tác. Mối tình thứ 2 của anh đến sau đó không lâu, đó là phụ nữ khác hơn anh 1 tuổi làm ở một công ty đối tác. Chỉ qua vài lần trao đổi công việc, với “kinh nghiệm” của mình anh rất nhanh chóng phát tín hiệu và nhận được phản hồi. Thế là họ lại cuốn vào vòng xoáy ấy với quan điểm chỉ “vui vẻ”, không ai làm ảnh hưởng đến gia đình, công việc của ai.

Buồn chán chồng/vợ, đó thường là những lý do mà người trong cuộc hay đổ lỗi khi bước vào một mối tình vụng trộm nơi công sở. Ngân – nhân viên của một công ty nhà nước cũng không ngoại lệ. Chồng cô làm đến chức phó giám đốc một công ty, thường xuyên nhậu nhẹt, karaoke và thỉnh thoảng còn có bồ nhí. Buồn chán nên khi nhận được lời hỏi han, “động viên” từ anh đồng nghiệp cô nhanh chóng bị “gục ngã”.


Còn Hà lại khác, cô có một người chồng mà không ít đồng nghiệp ngưỡng mộ. Cho tới khi, vì cao hứng trên một diễn đàn dành cho phụ nữ, cô đã “bật mí” bí mật phòng the của vợ chồng mình. Nghĩ là giải trí, trên diễn đàn thì ai biết ai, thế mà thật không ngờ đã có “kẻ gian” theo dõi từ đấy. Và sau nhiều lần bị “vô tình” tiếp cận, một cái tặc lưỡi đã đưa cô vào một mối tình vụng trộm. Cô chỉ quyết định chấm dứt khi biết được bộ mặt thật của gã trai kia là một tên chuyên “săn” gái trên các trang mạng.


Chuyện “trao đổi, mua bán” chức quyền trong nhiều trường hợp cũng là động cơ của những cuộc tình nơi công sở. Vốn không có trình độ gì nhưng Mai - một phụ nữ ngoại tứ tuần đã ngồi chễm trệ trên cái ghế trưởng phòng của một cơ quan không phải nhỏ, và thao túng không ít quyền lực cơ quan trong hàng chục năm trời. Tại sao thì cả cơ quan đều biết. Mai đã có thâm niên làm người tình (công khai) của cả hai đời sếp trước đó. Mọi chuyện trở nên xôn xao khi có sếp mới về (do sếp cũ bị kỷ luật), cơ quan dọn dẹp lại phòng và phát hiện hàng trăm chiếc… bao cao su đã sử dụng vứt ngoài ban công phòng sếp…


Và không ít những chuyện tình vụng trộm được nảy sinh như là một thứ “mốt”. Thấy đồng nghiệp có “bồ”, mình cũng phải có cho… bằng bạn bằng bè. Nhiều người ban đầu cũng chỉ có ý định cho vui, nhưng rồi vướng vào lưới tình không dứt ra được. Làm việc ở một Đài truyền hình, Khanh thấy nhiều bạn mình có quan hệ tình cảm với bạn… đồng nghiệp, Khanh cũng để ý và tìm kiếm cho mình một ý trung nhân. Khanh bắt đầu tán tỉnh một MC. Chỉ sau vài lần đưa cô bạn đồng nghiệp về nhà, Khanh đã “hạ gục” đối thủ mặc dù anh đã có vợ và một cô con gái. Sau này, chuyện vỡ lở, vợ anh đã đến gặp trực tiếp cô MC nọ để nói chuyện. Song cô MC nọ nhất định không chịu buông tha. Cuối cùng thì vợ chồng Khanh ly hôn, còn đứa con nhỏ ở với bà nội. Mẹ Khanh không chỉ từ mặt con trai, thậm chí mỗi khi thấy cô MC kia trên màn ảnh là tắt phụp, nhất định không cho cháu xem. Nhưng sau cuộc hôn nhân tan vỡ, Khanh bắt đầu cảm thấy có lỗi, anh sinh ra cáu bẳn và cuộc tình với cô MC xinh đẹp cũng vì thế mà nhạt dần rồi tan theo. Cho đến khi cô MC đó “cặp” với một nhạc sĩ  khác. Lúc này Khanh có hối tiếc thì đã muộn.


Chỉ là biện hộ?
Một vài câu chuyện trên không thể cho thấy đầy đủ những nguyên cớ khiến người ta gật đầu với ngoại tình công sở. Những buổi trưa vội vã và những nhà nghỉ khuất nẻo luôn kín phòng đã minh chứng cho sự gia tăng đáng báo động của tình trạng này. Và nó cũng cho thấy, không ít thành phần trong xã hội đã thừa nhận ngoại tình công sở như một thứ tất yếu. Người thì cho rằng vì cuộc sống hiện đại, vợ - chồng quá bận rộn khiến người ta không còn thời gian quan tâm và hiểu hết cái giá trị đích thực của nhau như người làm việc cùng cơ quan với họ. Trong khi đời sống ngày càng ổn định về vật chất nhưng lại phức tạp về tinh thần và thường có nhu cầu chia sẻ cao. Thế nên sau khi kết hôn khoảng một thời gian, tình cảm vợ chồng bước vào giai đoạn bình lặng. Lúc đó, nhu cầu tìm kiếm sự mới lạ, khác biệt trỗi dậy và nếu gặp những “điều kiện thích hợp” thì nó sẽ bén rễ và phát triển thành ngoại tình công sở.


Còn Thạc sĩ tâm lý Mã Ngọc Thể (Giám đốc Trung tâm Tham vấn Tân Trí Việt), qua rất nhiều cuộc tham vấn tâm lý liên quan đến ngoại tình cho rằng nguyên nhân dẫn đến ngoại tình nơi công sở là muôn hình vạn trạng. Nhưng có một nguyên nhân quan trọng, đó là do sức ép của công việc quá lớn, nhân viên căng thẳng có nhu cầu hỗ trợ lẫn nhau từ đó tạo ra sự gần gũi, thân mật. Hoạt động “ngoại giao” đối đãi “có đi có lại” hoặc “có điều kiện trao đổi” sẽ là phương thức để đạt mục đích chia sẻ trách nhiệm nhưng có thể dẫn đến nguy cơ ngoại tình chốn công sở. Bởi vì qua mỗi lần tiếp xúc các cá nhân đều khám phá được điều hấp dẫn từ đối tác của mình, khi có điều kiện họ sẽ dễ dàng thỏa hiệp với nhau vềc chuyện đi quá giới hạn, vẫn cần dựa vào nhau khi cần thiết nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hạnh phúc riêng tư.


Nhưng có thể thấy, trước một “cơ hội” để bước vào ngoại tình, có những người sẽ phải đấu tranh và kịp dừng lại, nhưng cũng có những người dễ dàng bước qua, lại có những kẻ trở thành “con nghiện” của ngoại tình công sở. Dù là lý do gì thì ngoại tình công sở cũng không dễ nhận được sự đồng tình từ dư luận, và những lý do đó, tất cả cũng chỉ là “ngụy biện”. Thạc sĩ Mã Ngọc Thể cho rằng, hiện tượng  ngoại tình công sở cho thấy hiện nay các quan niệm về giá trị đạo đức trong xã hội đã có sự thay đổi. Giá trị chung thủy không còn được đặt ở vị trí cao nhất trong mối quan hệ vợ - chồng mà nó được xếp vào vị trí ngang bằng với các giá trị khác. Nhiều khi nó bị xem nhẹ không được coi trọng bằng các giá trị lợi ích kinh tế. Thực tế cho thấy nhiều gia đình khi gặp khó khăn kinh tế thường hay hướng đến mục đích kiếm tìm lợi nhuận mà quên đi sự vun đắp tình cảm. Khi làm việc ở công sở có thêm nhiều phương tiện giải trí và những thử thách đam mê, khiến người ta coi trọng tự do cá nhân, sống theo cảm xúc nhất thời, coi nhẹ nền tảng gia đình và không để tâm đến ranh giới chuẩn mực của hôn nhân.

Ai thiệt, ai hơn?
Tình công sở đôi khi phải đánh đổi bằng sự rạn nứt, thậm chí là tan vỡ hạnh phúc gia đình. Nhưng trong nhiều trường hợp, người trong cuộc lại không cần đến sự cung cấp về vật chất hay nhu cầu thể xác mà chỉ là sự quấn quýt, san sẻ về tinh thần. Những trường hợp này, khó có thể nói ai thiệt, ai hơn bởi người trong cuộc hầu hết đều là những người “minh mẫn”, họ dung dưỡng cái tôi ích kỷ bằng cách chơi bời, hưởng thụ ích kỷ. Và dù phần lớn xã hội vẫn lên tiếng phê phán hiện tượng ngoại tình công sở, nhưng chỉ với 8 tiếng làm việc mỗi ngày, thì đây vẫn là những làn sóng ngầm xuất hiện ngày càng dữ dội.

Chốn công sở là nơi dễ gặp những cảm xúc đẹp đẽ, êm dịu nhưng có nhiều cám dỗ. Mỗi người hãy biết cách bảo vệ hạnh phúc của mình trước những cám dỗ đó. Hôn nhân là sự vun đắp của hai vợ chồng, có những lúc tình cảm dễ rơi vào những suy nghĩ tiêu cực không hài lòng với bạn đời của mình. Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, hãy tạo ra khoảng lặng để xem xét lại cuộc sống hôn nhân và tìm ra các yếu tố cản trở sự hòa hợp để khắc phục. Không nên hướng đến sự tìm kiếm một hình ảnh thay thế hay tìm cách trả thù. Dù chuyện ngoại tình có xảy ra, vẫn cần giữ được sự tôn trọng lẫn nhau để cùng bàn bạc, tìm ra giải pháp phù hợp nhất.

Hãy đặt cho mình câu hỏi điều gì đã khiến mình tìm kiếm hạnh phúc ở bên ngoài? Ngoại tình được gì và sẽ mất gì? Cái được đó có cần thiết và có đáng gì do với cái sẽ mất?...

Theo 24h

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm