Nếu tôi là Vietjet Air...

Đọc bài “Mua vé bay 10.000 đồng: Khó như trúng độc đắc!” trên Pháp Luật TP.HCM ngày 10-11, tôi rất tâm đắc vì bài báo đã khơi gợi đúng nỗi bức xúc của tôi và nhiều người khác do mất nhiều thời gian, công sức mua vé mà chẳng được gì. Từ nội dung trả lời của đại diện Vietjet Air trong bài báo và những dữ liệu của ba ngày khuyến mãi vừa qua, tôi thấy có những vấn đề cần trao đổi thêm.

Hãng không biết thì ai biết?

Bản thân tôi đã mất ba đêm 7, 8, 9-11 chầu chực, gõ phím mà chỉ nhận kết quả là… “nghẽn mạch”. Theo đại diện Vietjet Air thì sau ba ngày mở bán đợt 1 vé giá 10.000 đồng/chặng, số lượng vé được mua là hơn 30.000. Tuy nhiên, trong đợt 2, do sự cố mạng toàn quốc nên số lượng vé bán được ít hơn. Hiện hãng chưa có con số chính thức của đợt 2”. Tôi rất băn khoăn bởi lẽ với hệ thống quản trị mạng như hiện nay thì nhà quản lý có thể cập nhật thông tin lượng vé bán trong từng giờ. Lẽ nào qua hơn 12 giờ của ngày khuyến mãi thứ hai mà hãng vẫn chưa có thông tin lượng vé đã bán?

Đêm 9-11, vào khoảng hơn 10 giờ, khi mạng bớt nghẽn, tôi đã kiên trì tìm kiếm các thời điểm bay từ tháng 12, 1, 2, 3, 4…. trên nhiều tuyến bay đều chỉ thấy chỉ còn vé loại Eco. Vậy thì hơn 60.000 vé Promo còn lại ở đâu? Ai mua được? Trong khi chính đại diện Vietjet Air cũng thừa nhận: “Bản thân tôi cũng không thể truy cập vào hệ thống được”.

Nếu tôi là Vietjet Air... ảnh 1

Một chuyến bay của hãng hàng không Vietjet Air. Ảnh: CTV

Lý do nghẽn mạng làm khách hàng không thể mua được vé không phải do yếu tố khách quan mà hoàn toàn nằm trong chiến lược bán hàng: Thời gian bán vé quá ngắn (chỉ 150 phút mỗi đêm) buộc tất cả người có nhu cầu mua đều phải truy cập mạng chỉ trong thời điểm đó. Thực tế cho thấy các đợt khuyến mãi big sale của các hãng hàng không giá rẻ khác như Tiger, AirAsia, Jetstar mức độ giảm giá đến mức 0 đồng, khách hàng chỉ phải trả phí, thuế, thời gian bán kéo dài liên tục trong nhiều ngày và không hề xảy ra nghẽn mạch. Một minh chứng rõ ràng nhất trong đợt khuyến mãi của AirAsia tháng 10 vừa qua, tôi đã mua ba lần, trong ba ngày cho tám anh em trong cơ quan đi hai chặng TP.HCM đi Bangkok và Bangkok đi Yangoon hai lượt đi về mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Vậy Vietjet Air có đưa ra số lượng vé khuyến mãi như đã tuyên bố hay đó chỉ là con số vịt giời?

Khuyến mãi khác xổ số

Không mua được vé, khách hàng bức xúc một nhưng lời giải thích của vị đại diện Vietjet Air làm bức xúc nhân đôi. “Khi mua vé số, có người trúng độc đắc, có người không. Ai mua mà chẳng muốn trúng nhưng chẳng lẽ không trúng thì mọi người đều quay sang chửi công ty xổ số? Quay lại trường hợp vé rẻ, chúng tôi đang gặp tình cảnh tương tự. Chỉ có 100.000 vé giá 10.000 đồng trong khi hàng triệu người muốn mua thì không thể nào ai cũng có”.

Sự so sánh này hoàn toàn khập khiễng vì vé số là trò chơi đặt cược trúng thưởng, có được có thua, xác suất trúng thưởng rõ ràng, luật chơi công khai, người chơi chấp nhận điều ấy. Còn ở đây, Vietjet Air đang thực hiện khuyến mãi theo khoản c Điều 181 Luật Thương mại: “Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán, giá cung ứng dịch vụ bình thường trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại” mà cụ thể là bán 100.000 vé 10.000 đồng cho mọi chuyến bay quốc nội.

Khách hàng không yêu cầu nhà khuyến mãi phải đáp ứng đến mức ai cũng có vé rẻ, cũng không cầu xin Vietjet Air ban phát cho cơ hội may mắn. Vietjet Air cũng không phải bỏ tiền làm từ thiện mà đầu tư cho thương hiệu. Một quan hệ thương mại bình đẳng. Nhưng rất tiếc khách hàng đã nhận phần thiệt là mất thời gian, công sức mà không mua được hàng. Đáng tiếc hơn nữa là tình trạng không có cơ chế thông tin nào thể hiện thật sự hãng có đưa ra 100.000 vé rẻ đó hay không? Vietjet Air phần nào đó đã không đạt mục tiêu mong muốn trong chiến dịch đầu tư quảng bá rầm rộ.

Cần công khai, minh bạch

Với thiện chí mong muốn có thêm hãng hàng không tốt, có quan hệ kinh doanh tốt xứng đáng với niềm tin của khách hàng, tôi thử đặt mình vào vị trí Vietjet Air. Nếu là Vietjet Air tôi sẽ làm gì để khắc phục sự cố này?

Đã là cây ngay không sợ chết đứng, vàng thiệt không sợ lửa, trước hết tôi sẽ công bố lượng vé khuyến mãi đã bán thực ra sao trước khi thực hiện đợt khuyến mãi cuối cùng của năm nay. Với những chương trình, hệ thống quản lý dữ liệu hiện nay thật không khó để cung cấp các thông tin này. Tuy nhiên, để bảo đảm sự khách quan trong thông tin công bố, cần có sự giám sát của các tổ chức giám sát trung gian như: Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước về khuyến mãi và thậm chí là các hãng hàng không “đối thủ”.

Nếu lượng vé khuyến mãi vẫn còn tồn nhiều so với số lượng vé dự kiến, tôi sẽ rà soát lại phương pháp, hệ thống bán hàng, thời gian bán để cải tiến sao cho đợt bán thứ ba khách hàng không bị phiền lòng như vừa qua.

100.000 vé khuyến mãi chỉ 10.000 đồng là khoản đầu tư không nhỏ, là món quà có giá trị với khách hàng, là vết son cho danh tiếng của hãng hàng không non trẻ. Nó sẽ được đền bù xứng đáng nếu được thực hiện khoa học, minh bạch, đem đến sự hài lòng cho khách hàng ngay cả với những người không mua được vé.

ANH THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm