Nếu không hiệu quả, đừng xây chợ cao tầng

Bức xúc, lo lắng, sốt ruột là tâm trạng chung của các tiểu thương chợ Tân Bình tại buổi tiếp xúc với UBND quận này ngày 25-9. Đây cũng là buổi gặp đầu tiên trong 10 buổi tiếp xúc sẽ được quận tổ chức nhằm lấy ý kiến các tiểu thương về dự án xây mới chợ Tân Bình.

Chợ cao tầng: Coi chừng vết xe đổ

Nội dung được các tiểu thương phản ánh nhiều nhất là chưa nên xây dựng lại chợ trong thời điểm này; còn nếu xây thì phải xây chợ thấp tầng đủ để bố trí cho tiểu thương. Đặc biệt, các tiểu thương đề nghị không xây trung tâm thương mại ngay trước mặt tiền của chợ.

Bà Nguyễn Thị Thanh, kinh doanh tại khu A1, dẫn chứng: Chợ An Đông là chợ sỉ lâu đời nhưng cũng phải đóng cửa tầng lửng làm kho vì buôn bán ế ẩm. “Các chợ An Đông, Bình Tây, Văn Thánh đều trở nên đìu hiu sau khi được xây cao tầng. Vậy lấy gì đảm bảo chợ Tân Bình xây lên sẽ bán được?” - bà Thanh đặt câu hỏi.

Tiểu thương Đặng Thị Hồng Minh đặt vấn đề: “Hà Nội và TP.HCM đã có nhiều chợ xây cao tầng hoạt động không hiệu quả. Sở Công Thương TP Hà Nội đã nhìn ra vấn đề này và vừa kiến nghị dừng mô hình chợ truyền thống kết hợp trung tâm thương mại. Vậy tại sao TP.HCM không làm tương tự?”.

Tiểu thương Trần Ngọc Anh, thâm niên 30 năm buôn bán ở chợ Tân Bình, phân tích: Lầu một của chợ Tân Bình hiện còn đang bỏ phế. Mới chỉ lầu một mà đã không sử dụng hết công năng, nay tại sao phải xây lên sáu tầng? UBND quận nói cần xây lại chợ do diện tích sạp như hiện nay là quá nhỏ, vậy tại sao lại lấy đất của chợ để giao cho tư nhân làm trung tâm thương mại trong khi tiểu thương phải lên lầu?

Chiều 25-9, các tiểu thương tiếp tục tập trung trước cổng chợ Tân Bình để bày tỏ thái độ. Ảnh: TÚ UYÊN

Sẵn sàng điều chỉnh nếu dân chưa đồng thuận

Ông Lê Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, khẳng định như vậy sau khi lắng nghe ý kiến của tiểu thương. Ông Sơn giải thích, chủ trương xây dựng chợ Tân Bình là vì cơ sở hạ tầng của chợ đã xuống cấp, 2/3 số lượng sạp có diện tích nhỏ, không đủ tiêu chuẩn 3 m2/sạp.

“Tôi chia sẻ với những lo lắng của bà con. Tuy nhiên, vì Tân Bình là quận nội thành nên cần thiết kế chợ sáu tầng để tận dụng không gian. Việc xây chợ cao tầng còn để đảm bảo về lâu về dài, vì mỗi lần xây chợ là một lần khó” - ông Sơn giải thích.

Ông Sơn thông tin thêm, đây mới chỉ là cuộc làm việc đầu tiên trong 10 buổi tiếp xúc giữa quận với khoảng 3.000 tiểu thương. “Chúng tôi xin ghi nhận những ý kiến hôm nay của bà con. Nếu tất cả tiểu thương đều không đồng ý với việc xây mới chợ truyền thống và trung tâm thương mại thì quận sẽ bàn bạc, xem xét lại” - ông Sơn nói.

VIỆT HOA

Hàng chục năm qua, các tiểu thương đã góp phần xây dựng nên thương hiệu của chợ Tân Bình. Nếu nói là chợ cũ quá, chúng tôi sẵn sàng tự bỏ tiền ra sửa chợ, không cần phải có nhà đầu tư nào cả. Chợ đẹp nhưng thương hiệu mất đi, đời sống của chúng tôi bị ảnh hưởng thì cũng không có ý nghĩa gì.

Tiểu thương Đỗ THỊ THU LÊ

Nhiều câu hỏi vẫn chưa được lãnh đạo quận giải đáp thỏa đáng. Quận nói nhà đầu tư bỏ tiền ra xây chợ nhưng thực tế tiểu thương phải đóng tổng cộng khoảng 400 triệu đồng. Chợ Tân Bình có khoảng 3.000 sạp, số tiền phải đóng sẽ lên đến cả ngàn tỉ đồng. Như vậy tiểu thương bỏ tiền ra xây chợ chứ có phải nhà đầu tư đâu.

Tiểu thương LÊ VĂN SINH

TÚ UYÊN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm