Năm gợi ý để có ngày khai trường đúng nghĩa

Những năm gần đây, ngành giáo dục lấy học sinh làm trung tâm trong buổi lễ khai giảng nhưng không hẳn trường nào cũng làm được điều đó.

Ngày khai giảng sắp đến, các trường hãy mạnh dạn trả lại ngày khai giảng cho học sinh bằng những việc làm thiết thực. Đây là việc làm trong tầm tay của người đứng đầu các trường. Dưới đây là một số gợi ý cho ban giám hiệu các trường để có một ngày khai giảng thiết thực, đúng nghĩa.

Đừng bắt các em tập kịch bản... mướt mồ hôi

Thường thì những trường điểm có đại biểu về dự lễ, nhà trường phải có kịch bản khai giảng. Học sinh phải mướt mồ hôi tập kịch bản trong nhiều ngày. Những tràng vỗ tay... không cảm xúc được duyệt từ kịch bản vô tình dạy cho học sinh giá trị ảo. Trong buổi lễ, nếu đại biểu đến chưa đúng giờ, học sinh phải chờ, vì đại biểu là trung tâm. Tội nhất là những đứa trẻ lớp 1 chân ướt chân ráo bước vào trường đã phải học kịch bản khai giảng.

Tránh bệnh hoành tráng, hình thức

Học sinh là những em trong độ tuổi thích bay nhảy, không thích gò bó, các em khó có khả năng tập trung trong thời lượng dài. Vì thế, buổi lễ nên ngắn gọn, thiết thực, tránh hình thức trong lễ khai giảng. Trường nên tạo phần hội nhiều hơn phần lễ bằng những sân chơi bổ ích, thiết thực và hấp dẫn.

Học sinh tiểu học TP.HCM trong ngày khai giảng. Ảnh: HTD

Phát biểu ngắn gọn

Một số trường có số lượng người phát biểu trong lễ khai giảng khá nhiều khiến cho học sinh cảm thấy nhàm chán... Đôi khi có những lời phát biểu dài lê thê, sáo rỗng, hình thức. Để có một lễ khai giảng vui tươi, các trường hãy mạnh dạn cắt giảm bớt số người phát biểu. Lời nhắn nhủ cần ngắn gọn, thiết thực, ý nghĩa để đi vào lòng người nghe (học sinh), làm hành trang cho năm học mới.

Lấy học sinh làm trung tâm

Trong không khí buổi lễ khai giảng, hãy tạo cho các em niềm vui và niềm tin từ ngôi trường mà các em đang tiếp bước bằng một câu chuyện ngắn gọn, ấn tượng của một cá nhân nào đó ở lứa tuổi các em đã làm lay động lòng người. Làm được những điều này là trường đã lấy học sinh làm trung tâm của lễ khai giảng vì học sinh không phải tốn thời gian để tập dượt trước các nghi lễ, không phải ngồi nghe lời phát biểu của nhiều người, những lời phát biểu thiệt dài.

Ngày khai giảng hãy là ngày tựu trường

Những năm học vừa qua, học sinh tựu trường mấy tuần rồi mới khai giảng nên ý nghĩa và cảm xúc của buổi lễ tựu trường đã phai giảm đi rất nhiều. Ngày tựu trường khai giảng không còn là ngày đầu tiên đến trường với nhiều hồi hộp, háo hức mong chờ gặp thầy cô, bạn cũ, bạn mới, trường quét vôi mới… Mong ước trả lại cho học sinh thời nay về ngày khai giảng 5-9 cũng là ngày đầu tiên đến trường là niềm mong ước của hàng triệu người, nhất là đối với học sinh. Bộ GD&ĐT có thể định hướng cho các địa phương tổ chức lễ khai giảng vào ngày tựu trường (phù hợp với từng địa phương), lấy tâm điểm là ngày 5-9.

Hãy để học sinh thực sự là trung tâm, đầy cảm xúc trong giờ phút dự lễ khai giảng giữa sân trường, trong buổi học đầu tiên và mang cảm xúc trong trẻo ấy theo vào năm học mới.

Khuyến khích không thả bóng bay trong lễ khai giảng

Tháng 7 vừa qua, mạng xã hội xôn xao về bức thư của cô bé Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 5M2 Trường Marie Curie, Hà Nội, viết gửi tới thầy hiệu trưởng 40 trường học trên địa bàn Hà Nội mong hạn chế thả bóng bay vào ngày khai giảng. Lý do là bóng bay có thể là nguyên nhân khiến các chú chim, rùa biển, các loài vật khác bị mắc kẹt và dẫn tới cái chết.

Trao đổi với PLO, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết bà rất ấn tượng và xúc động khi đọc bức thư của em Nguyệt Linh kêu gọi ngừng hoặc hạn chế thả bóng bay ngày khai giảng.

“Bộ GD&ĐT hoan nghênh và biểu dương, khen ngợi ý tưởng thiết thực của Nguyệt Linh. Đây là việc nên nhân rộng, Bộ đề nghị các trường có cách làm sáng tạo, phù hợp để vừa tạo không khí hứng khởi ngày khai giảng, vừa bảo vệ môi trường” - bà Nghĩa nói.

Sau bức thư của Nguyệt Linh, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM đã hưởng ứng một lễ khai giảng nói không với bóng bay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm