Năm 2020, không còn cảnh đâm trâu, chém heo trong lễ hội?

Theo xu hướng chung của thế giới, Luật Chăn nuôi 2018 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2020) dành hẳn một chương về việc đối xử nhân đạo với vật nuôi. Theo đó, mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi không được đánh đập, hành hạ vật nuôi. Khi giết mổ vật nuôi phải có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ chứ không kéo dài sự đau đớn cho con vật…

Thế nhưng trong dịp đầu năm mới Tết nguyên đán, đã có nhiều lễ hội diễn ra với những hành vi phản cảm, đối xử man rợ, thô bạo với vật nuôi. Cụ thể như lễ hội bắt “ông cầu” (con heo) diễn ra tại xã Hà Thạch, Phú Thọ mới đây đã có rất đông người dân tranh thủ sờ vào “ông cầu” và bứt vài sợi lông để lấy may. Sắp tới lễ hội chém heo ở làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) dù diễn ra ở khu vực kín đáo nhưng chuyện chém heo vẫn còn…

Báo Pháp Luật TP.HCMđã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (ảnh), về vấn đề này.

. Phóng viên: Cứ đến mùa lễ hội là dư luận thường phản ứng những cảnh đối xử thô bạo với động vật. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi

+ Ông Nguyễn Xuân Dương: Các lễ hội đâm trâu, chém heo khi công khai rộng rãi cho thấy đúng là rất phản cảm.

Thực tế có thể thấy rất rõ ngày trước những lễ hội như chém heo diễn ra công khai nhưng mấy năm gần đây đã diễn ra âm thầm hơn, bớt phản cảm hơn. Tôi tin tưởng rằng rồi đây chính quyền và địa phương ở các nơi tổ chức lễ hội, những cơ sở văn hóa ở đó chắc chắn sẽ tìm ra giải pháp để vừa giữ được tín ngưỡng, vừa đảm bảo được vấn đề đối xử nhân đạo với vật nuôi.

. Luật Chăn nuôi đã quy định rõ không được đối xử không nhân đạo với vật nuôi trong tất cả khâu nuôi nhốt, vận chuyển, giết mổ… Có phải từ năm 2020 thì những cảnh đối xử thô bạo với vật nuôi trong các lễ hội sẽ không còn?

+ Luật Chăn nuôi 2018 quy định tất cả hành vi đối xử không nhân đạo đối với vật nuôi đều là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc này cũng phải phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục, tôn giáo tín ngưỡng của người dân.

. Như vậy là cứ đến mùa lễ hội, người dân lại có quyền đối xử không nhân đạo với vật nuôi?

+ Tất nhiên là chúng ta cũng cần có những biện pháp để làm sao không xảy ra tình trạng đối xử không nhân đạo với vật nuôi. Bên cạnh Luật Chăn nuôi thì chúng ta cũng có luật văn hóa, luật tín ngưỡng tôn giáo. Nếu chúng ta cùng làm đồng bộ thì chắc chắn không chồng chéo nhau. Tôn giáo, tín ngưỡng thì cần được tôn trọng nhưng cũng phải làm sao để không xảy ra tình trạng hành hạ, đối xử không nhân đạo với vật nuôi. Tín ngưỡng dựa trên nền tảng văn hóa, càng nhân đạo thì thể hiện văn hóa càng cao.

Cảnh vặt lông “ông cầu” (con heo) trong lễ hội ở Hà Thạch, Phú Thọ. Ảnh: Zing.vn

Việc cần làm là phải khuyến khích, tuyên truyền cho người dân hiểu tinh thần nhân văn của luật. Việc này cần làm từ từ chứ không thể ngày một ngày hai, phải thực hiện từng bước.

Để làm được điều này, chúng ta cần phải nâng cao ý thức của người dân và chính quyền địa phương, hài hòa hóa cả Luật Chăn nuôi với các luật khác.

. Cục Chăn nuôi đã chuẩn bị gì trong việc tham mưu cho Bộ trình Chính phủ về những kiến nghị về nghị định xử phạt? Mức xử phạt cụ thể như thế nào, thưa ông?

+ Một năm nữa Luật Chăn nuôi 2018 mới có hiệu lực, cho nên tháng 10 năm nay mới trình ban hành nghị định xử phạt về các hành vi này. Tôi tin tưởng rằng khi Luật Chăn nuôi được thực thi dần dần sẽ thay đổi được những thói quen, tập quán cổ hủ, không tốt của người dân. Trước tiên là phải giáo dục, tuyên truyền để dần thay đổi nhận thức trong cộng đồng.Việc xử phạt chỉ là biện pháp cuối cùng.

. Xin cám ơn ông.

Không còn cảnh đâm trâu trong lễ hội ở Buôn Đôn

Từ phản ứng của dư luận, vài năm trở lại đây các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, đối xử thô bạo với động vật đã giảm bớt. Ví dụ, lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm qua không tổ chức chém heo giữa sân đình mà đưa vào khu vực kín đáo hơn.

Trong hội voi và lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2019 diễn ra trong ba ngày từ 11 đến 13-3 tới đây (tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) cũng không còn tổ chức nghi thức đâm trâu như trước. Thay vào đó, huyện Buôn Đôn sẽ tổ chức lễ cúng thần linh ngay tại trung tâm lễ hội và một số nghi lễ khác nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện.

Sự thay đổi tích cực này nhằm đảm bảo thực hiện đúng theo Thông tư 15/2015 của Bộ VH-TT&DL quy định về tổ chức lễ hội. Thông tư này yêu cầu nghi lễ trong lễ hội phải phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp. Không tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm những hoạt động trong đó có thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam, cụ thể: Mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm