Mua hàng trả góp: Nghèo còn mắc cái eo!

Chị Cẩm Linh (phường 14, quận Bình Thạnh) cho biết: Ngày 11-2, chị đến cửa hàng V. mua trả góp một điện thoại hiệu HTC giá 6.789.000 đồng. Theo hợp đồng đã ký thì chị trả trước 2,1 triệu đồng và trả góp trong vòng chín tháng, mỗi tháng 735.000 đồng.

Đến ngày 14-2, chị quyết định không trả góp nữa và đã đến cửa hàng để trả hết số tiền còn lại (khoảng 4,6 triệu đồng). Nhưng nhân viên cửa hàng không chấp nhận mà đưa ra hai cách thanh toán: 1. Ngoài 4,6 triệu đồng thì chị còn phải trả bốn tháng tiền lãi; 2. Chị phải trả cho cửa hàng 6.090.000 đồng (với cách này thì tính ra trong vòng ba ngày giá điện thoại tăng lên hơn 8 triệu đồng). Cuối cùng, chị chọn cách tiếp tục trả góp.

Anh Nguyễn Văn Non (thị xã Dĩ An, Bình Dương) thì “gặp nạn” với chiếc xe máy mua trả góp. Cách đây vài tháng, anh đến một cửa hàng mua trả góp một xe máy với giá 21 triệu đồng. Anh phải trả trước 7 triệu đồng, số còn lại góp vào mỗi tháng. Khi bán xe, chủ cửa hàng yêu cầu anh thế chấp giấy CMND và sổ hộ khẩu.

Mua hàng trả góp: Nghèo còn mắc cái eo! ảnh 1

Người tiêu dùng nên cẩn trọng tính toán khi mua hàng trả góp. Ảnh chỉ mang tính minh họa: HTD

Sau năm tháng, anh trả được 11,2 triệu đồng thì không còn khả năng góp nữa nên anh đã trả lại xe cho cửa hàng. Bấy giờ, anh chỉ yêu cầu chủ cửa hàng trả lại sổ hộ khẩu và CMND nhưng cửa hàng không đồng ý trả với lý do chưa thanh lý được xe. Mãi đến ba tháng sau, cửa hàng mới chịu trả giấy tờ nhưng với điều kiện anh Non phải trả thêm 1,8 triệu đồng với lời giải thích: xe giá 21 triệu đồng, anh Non chỉ trả 11,2 triệu đồng còn thiếu 9,8 triệu đồng. Song họ chỉ thanh lý được 8 triệu đồng nên anh phải bù thêm 1,8 triệu đồng. Khi anh yêu cầu cho xem giấy tờ thanh lý thì chủ cửa hàng từ chối và nói nếu không đưa thêm tiền sẽ không được nhận lại giấy tờ. Không còn cách nào khác, anh phải bấm bụng xì ra 1,8 triệu đồng.

Cấm thế chấp CMND

Khoản 2 Điều 7 Nghị định 05/1999 quy định: “Nghiêm cấm việc thế chấp... CMND”. Khoản 1 a, b Điều 12 Nghị định 73/2010 quy định: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi không mang theo giấy CMND…; không xuất trình giấy CMND… khi có yêu cầu kiểm tra”. Ngoài ra, khoản 1 d Điều 11 nghị định này cũng quy định: “Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không xuất trình sổ hộ khẩu… khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra”. Theo đó, phải thấy rằng việc các cửa hàng bán đồ trả góp tùy tiện giữ, nhận thế chấp CMND, hộ khẩu của khách hàng là sai pháp luật bởi đây là loại giấy tờ mà mọi công dân đều phải mang theo bên mình và có nhiệm vụ xuất trình khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Trong trường hợp không được chủ cửa hàng trả lại các loại giấy tờ này, khách hàng có thể gửi đơn yêu cầu công an phường can thiệp, giải quyết.

Đại tá NGUYỄN VĂN DUNG, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP.HCM

Mắc lừa khi mua hàng trên mạng

Bạn Nguyễn Thu Phương, sinh viên ĐH, kể: Ngày 23-4, thấy trang muaban.net rao tin cần bán laptop cũ với giá rẻ, bạn đã gọi đặt hàng theo số điện thoại của người bán đăng trên trang web. Đầu dây bên kia nói máy mà bạn cần mua ở Đà Lạt nên họ không thể trực tiếp gặp bạn. Hai bên thỏa thuận giá cả 5,6 triệu đồng và bạn sẽ trả tiền bằng cách chuyển khoản. Bên bán yêu cầu bạn chuyển trước qua ATM 50% giá trị chiếc máy vào tài khoản của một người khác và sau khi nhận máy thì bạn phải chuyển tiếp số tiền còn lại.

Hai ngày sau, người bán gọi điện thoại thông báo là máy đã chuyển vào TP.HCM và cho bạn số điện thoại của một nhân viên bưu điện để xác nhận là máy đã có ở bưu điện. Bạn gặp một người đàn ông khoảng 30 tuổi ăn mặc lịch sự nói là nhân viên của bưu điện và người này kêu bạn gửi tiền vào tài khoản của người mà bạn thường liên lạc để được nhận máy ngay. Thế nhưng sau khi chuyển khoản xong thì bạn không thể gọi được hai số điện thoại trên. Bạn lên mạng tra cứu thông tin về chiếc máy mình định mua thì thấy có rất nhiều trang rao bán với thời gian, tên, số điện thoại khác nhau.

NGUYỄN HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm