Một gia đình 40 năm không có giấy khai sinh

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM,bà Ngô Thị Nhỏ, 63 tuổi, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM thông tin về việc nhờ báo hướng dẫn trợ giúp để làm căn cước công dân (CCCD) khi bà không có giấy khai sinh.

Qua xác minh, tìm hiểu, chúng tôi được biết bà Nhỏ không có giấy khai sinh và cũng không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Không những thế, con và cháu của bà hiện cũng không có giấy khai sinh.

Hiện công việc hằng ngày của bà Ngô Thị Nhỏ (bà Huế) là thu mua ve chai,
dù đã 63 tuổi nhưng bà không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Ba thế hệ không có giấy khai sinh

“Bà Huế ve chai” là cái tên mà mọi người trong khu vực đường số 8, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM thường gọi đối với bà Ngô Thị Nhỏ. Sở dĩ mọi người gọi bà tên đó là vì bà xuất thân từ gốc Huế và công việc hằng ngày là đi thu mua ve chai.

Bà Nhỏ sống tại một phòng trọ nhỏ ở phường Bình Hưng Hòa B. Bà từ Huế vào TP.HCM mưu sinh đã được gần 40 năm. Bà cho biết trước đây, bà sống tại khu vực đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), sau đó từ năm 2000 thì bà về phường Bình Hưng Hòa B ở đến giờ.

Bà Nhỏ có một người con gái là chị Hồ Thị Kim Ngân (23 tuổi) và một người cháu (tám tuổi) là con chị Ngân. Hiện cả chị Ngân và con cũng đều không có giấy tờ nào khác ngoài giấy chứng sinh.

Theo lời kể lại của bà Nhỏ, cháu bà được sinh ra tại một bệnh viện ở TP.HCM, gia đình bà đã làm mất giấy chứng sinh. Bà muốn trích lục giấy chứng sinh thì được yêu cầu phải có CMND hoặc CCCD của người mẹ. Ngặt nỗi, hiện nay cả gia đình bà Nhỏ chỉ có duy nhất chị Ngân còn giữ giấy chứng sinh.

Cũng theo bà Nhỏ, lúc trước ở ngoài quê không nghĩ đến chuyện làm giấy tờ vì phải lo kiếm cái ăn hằng ngày. Đến khi ba mẹ mất, bà mới vào TP.HCM làm đủ nghề để kiếm sống. Đến khi sinh chị Ngân ra, cũng lo mưu sinh và không nhận thức được sự quan trọng của giấy tờ tùy thân nên bà không làm giấy khai sinh cho con.

Sau đó, bà Nhỏ xin cho chị Ngân đi học cấp 1 ở Trường Tiểu học Kim Đồng gần nhà. Học hết lớp 5, chị Ngân phải nghỉ học đi bán vé số vì không có giấy tờ để học tiếp lên lớp 6.

“Tôi già rồi, có hay không có giấy tờ cũng không còn quan trọng nữa nhưng tôi rất mong muốn con và cháu tôi có giấy tờ cá nhân đàng hoàng để còn đi làm, đi học như người ta. Giờ tôi đã biết giấy tờ tùy thân quan trọng thế nào rồi” - bà Nhỏ chia sẻ.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Hồ Thị Kim Ngân cho biết vì không có giấy tờ, không xin được việc làm ở TP.HCM nên mẹ con chị phải về khu vực vùng ven ở TP Cần Thơ để xin việc và làm tại đó. Hằng tháng chị dành dụm tiền gửi một phần về cho mẹ trên TP.HCM để phụ giúp mẹ chi trả tiền thuê trọ.

Chính quyền hỗ trợ tối đa người dân làm giấy tờ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, tổ trưởng tổ 104 đường số 8, phường Bình Hưng Hòa B cho biết gia đình bà Nhỏ về khu vực phường Bình Hưng Hòa sinh sống cũng đã hơn 20 năm, mọi người trong khu vực ai cũng biết. Gia đình bà Nhỏ không ai có giấy tờ tùy thân nên mọi người xung quanh đều muốn hỗ trợ, giúp đỡ nhưng không biết giúp bằng cách nào. Tổ dân phố đã hướng dẫn bà Nhỏ liên hệ UBND phường để được hướng dẫn thủ tục làm giấy tờ tùy thân.

Trao đổi với PV, bà Đinh Thị Lụa, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, cho biết hiện UBND phường chưa tiếp nhận thông tin yêu cầu cấp giấy khai sinh nào liên quan đến trường hợp của gia đình bà Nhỏ.

Về phần thủ tục, bà Đinh Thị Lụa cho biết do chưa làm việc trực tiếp với người dân (cụ thể là bà Nhỏ) mà chỉ tiếp nhận thông tin từ báo nên phường chưa có cơ sở chính thức để xác minh.

“Để có thể làm giấy khai sinh cho bà Nhỏ cùng con và cháu của bà, bà Nhỏ cần liên hệ ngay với UBND phường để được hướng dẫn làm đơn tường trình kê khai về quá trình cư trú, làm việc và nguồn gốc riêng của từng người. Trên cơ sở bản tường trình kê khai đó, UBND phường sẽ phối hợp với cơ quan công an hoặc các đơn vị chức năng khác để tiến hành xác minh. Khi xác minh xong mới có căn cứ để cấp giấy khai sinh cho công dân” - bà Lụa thông tin.•

 

Nhiều trường hợp đã được cấp giấy khai sinh

Thời gian qua, Pháp Luật TP.HCM cũng đã phản ánh nhiều trường hợp người dân không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.

Ngày 9-4, Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Ba anh em hơn 20 tuổi chưa có giấy khai sinh”. Phản ánh việc trong một gia đình có ba anh em, dù đã hơn 20 tuổi nhưng chưa ai có giấy khai sinh. Sau khi báo đăng, UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM đã kiểm tra, xác minh và cấp giấy khai sinh cho anh Trương Thanh Tài là một trong ba anh em của gia đình này. Hai người còn lại vẫn đang trong quá trình kiểm tra, xác minh thông tin.

Một trường hợp khác, ngày 16-3, Pháp Luật TP.HCM cũng có bài viết “Được cấp giấy khai sinh sau 30 năm sống tại Hà Nội”, phản ánh về câu chuyện anh Lê Quốc Dũng được UBND phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội cấp giấy khai sinh sau 30 năm không có giấy tờ tùy thân.

Trước đó, anh Dũng cũng đã ròng rã đi “gõ cửa” nhiều cơ quan chức năng, vướng mắc nhiều thủ tục để xin cấp giấy khai sinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm