Viết từ khu phong tỏa cách ly

Mong sao đèn khu cách ly bớt sáng mỗi đêm

Đêm hôm ấy ngồi ăn tối cùng người bạn đồng nghiệp, các bạn ở ban quản lý tòa nhà gọi điện thoại thông báo (vì tôi là trưởng ban quản trị tòa nhà) trong tòa nhà có người bị dương tính với COVID-19.

Tôi bối rối và sợ hãi khi nghĩ đến việc chính tôi phải đi tập trung cách ly, tâm trạng rối bời nào là công việc, bao nhiêu phiên tòa lớn nhỏ…

Những tiếng gõ cửa nhè nhẹ gây thót tim

Sau đó thì tôi phải đi cách ly tập trung thật. Nơi tôi cách ly tập trung là khu B ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Người đến đây được khuyến cáo phải đeo khẩu trang trong phòng, mỗi người một giường, cách nhau ít nhất 2 m, không được phép ra khỏi phòng.

Mỗi người có ba bữa ăn, nước uống mỗi ngày ba chai (4,5 lít) trong ngày; được phân phát nhu yếu phẩm gồm: Khăn mặt, xà phòng, bột giặt, kem và bàn chải đánh răng, dầu gội, giấy vệ sinh.

Mỗi buổi sáng, bạn có thể tự pha cà phê hòa tan, ăn sáng do hậu cần cung cấp, đọc sách, tài liệu, liên hệ khách hàng làm việc… Đó là các công việc hằng ngày của tôi trong phòng cách ly.

Ở trong phòng cách ly y tế, tôi tuyệt đối không được bước ra khỏi phòng. Mỗi ngày có sáu lần gõ cửa để nhân viên đưa thức ăn, nước uống và đo thân nhiệt. Nếu nghe thêm tiếng đập cửa ầm ầm thì vui lắm, vì đó là thông báo bạn có tiếp tế từ người thân bên ngoài. Còn nghe thêm tiếng gõ cửa nhè nhẹ thì chỉ có hai khả năng, thứ nhất nhân viên y tế điều tra thông tin về bạn hoặc bạn được thông báo dương tính với virus corona, phải thu xếp hành lý đi chữa trị.

Mỗi ngày mọi người đều được đo nhiệt độ, cứ năm ngày lấy mẫu xét nghiệm một lần, ngày thứ 15 được chụp X-quang phổi để phát hiện sớm vì cũng có trường hợp virus âm thầm tấn công phổi. Những trường hợp này khi phát hiện dương tính thì phổi tổn thương rất nặng. Từ lúc lấy mẫu xét nghiệm, ai cũng lo nơm nớp không biết lần này có “qua” không.

Đêm nay, nhiều phòng sáng đèn hơn hôm qua. Cứ thêm mỗi căn phòng ký túc xá sáng đèn thì ngoài kia, TP.HCM thân yêu của tôi có thêm nhiều người phải vào đây cách ly. Mong sao đèn khu cách ly bớt sáng thêm mỗi đêm.

Khu cách ly tại khu B ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trong khu cách ly dễ trở thành F0

Ở khu cách ly tập trung F1, mặc dù tôi luôn giữ gìn tránh nguy cơ lây nhiễm chéo nhưng ngày thứ 17 nhận được kết quả xét nghiệm lần thứ tư (xét nghiệm cuối cùng để về nhà) thì dương tính.

Thông tin thật sự làm tôi suy sụp, bao nhiêu câu hỏi đặt ra trong đầu…

Chờ đến tối, nhân viên y tế đến phát cho bộ đồ bảo hộ y tế và lên xe sang khu tập trung cách ly người bị nhiễm tại khu A ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM.

Trong nhóm tôi có hai em học sinh, tôi đoán tầm học lớp 7, các em chỉ một mình đi chữa bệnh, nhìn thương lắm. Mỗi bạn được cho vào chung phòng với hai người lớn để được giúp đỡ. Hầu hết các bệnh nhân ở đây cho biết đã cách ly F1 từ 15 đến 19 ngày, sau đó thì bị dương tính nên phải đi chữa bệnh.

Đêm đầu tiên, tâm lý tôi rất bất an, nỗi sợ hãi bao trùm, khi người đã xuất hiện một vài triệu chứng: Rát họng, nghẹt mũi, khó thở, một tí nhức đầu.

Người mệt lừ, tôi ngủ một giấc, sáng dậy những triệu chứng giảm đáng kể. Mỗi ngày tôi khò nước muối nhiều lần, uống vitamin C, kẽm, nhỏ mũi bằng dung dịch natri clorid, ăn và uống nhiều nước, tập thể dục. Sau bảy ngày thì hầu như tôi không còn thấy các triệu chứng trên nữa.

Đến ngày thứ 19 kể từ khi bước chân vào đây, tôi được nhận kết quả xét nghiệm âm tính, trở về nhà.

Tôi là người thường xuyên tập thể dục nên khi bị nhiễm COVID-19, may mắn không có biến chứng nặng. Chị hàng xóm đi cách ly F1 giống tôi bị dương tính, đã không may mắn vì biến chứng nặng phải nhập viện điều trị tại phòng hồi sức tích cực ở BV Thủ Đức.

Chị nói: “Tôi rất biết ơn mọi người ở BV, họ rất chu đáo, ngày cũng như đêm rất vất vả, quyết liệt giành giật sự sống cho bệnh nhân. Sự chăm lo chu đáo ấy đã làm giảm đi rất nhiều nỗi đau thương, mất mát của từng bệnh nhân ở đây. Những gì tôi chứng kiến thực sự khốc liệt. Nơi đây vừa thêm người mất nữa, thằng con trai không khóc được luôn… Không thể gặp mẹ nó thêm lần nào…”.

Thật tàn khốc những cái chết cô độc...

Luật sư Huỳnh Văn Nông đang làm việc trực tuyến ở khu cách ly.
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cách ly tại nhà hay cách ly tập trung tốt hơn?

COVID-19 về cơ bản là chưa có thuốc điều trị, nên ở trong khu vực cách ly tập trung cũng chủ yếu là theo dõi sức khỏe. Theo quan sát của tôi, 80% bệnh nhân sau 7-10 ngày thì bệnh tự khỏi, nếu có biến chứng nặng thì được đưa đến bệnh viện để điều trị triệu chứng. Việc theo dõi sức khỏe ban đầu ở nhà hoàn toàn có thể làm được.

Nhược điểm của việc cách ly tại nhà là khả năng virus lây lan ra ngoài. Điều này đòi hỏi hiểu biết và ý thức của người bị cách ly cùng các thành viên trong gia đình về phòng tránh lây nhiễm.

Vấn đề này Bộ Y tế cần sớm có cẩm nang hướng dẫn chi tiết, cụ thể về tự cách ly tại nhà, đặc biệt là hướng dẫn cách thức tiếp tế và nhận thực phẩm từ người nhà, bên ngoài phòng cách ly. Như chỗ tôi đang cách ly tập trung, cửa phòng luôn đóng, kể cả khi nói chuyện với người bên ngoài, người mang thức ăn để ở cửa phòng và đi xa một đoạn thì bệnh nhân mới được mở cửa phòng mang thức ăn vào.

Tất cả theo nguyên tắc tránh càng xa người không mắc bệnh càng tốt, những trường hợp đến gần cửa phòng bệnh nhân đều phải mặc đồ bảo hộ y tế, tuân thủ 5K.

Luật sư Huỳnh Văn Nông

Nụ cười từ tâm dịch
Nụ cười từ tâm dịch
(PLO)- Ai cũng thấy cái khổ sở thiếu thốn và bất tiện của mình, nhưng sẽ rất ít người biết rằng có những cán bộ phường chỉ có 15 phút buổi trưa để húp vội tô mì tôm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm