Vụ TNGT khiến con văng khỏi bụng mẹ

“Mong con tôi được lành lặn”

Ngày 27-10, sau ba ngày xảy ra tai nạn giao thông kinh hoàng khiến người vợ sắp sinh (Nguyễn Thị Kim Ngọc, 27 tuổi) chết tại chỗ, đứa con trong bụng mẹ văng ra đường, anh Nguyễn Văn Nam (32 tuổi, An Giang) với nét mặt vẫn còn bàng hoàng kể lại câu chuyện tai nạn trong nước mắt. Đứa con sơ sinh với một chân bị gãy đã được cắt bỏ một phần nhưng anh không hề hay biết. Anh chỉ biết cháu đang được các bác sĩ tận tình cứu chữa tại BV Nhi đồng 1.

Mong con được lành lặn

 Anh kể vợ anh mang thai đứa thứ hai, đi khám bác sĩ nói đến thứ Hai 27-10 mới sinh. Nhưng hôm thứ Bảy 25-10, vợ anh đau bụng nên anh vội vàng thu xếp áo quần, đồ dùng trẻ sơ sinh đã chuẩn bị trước đó rồi chở vợ bằng xe máy từ nhà ra TP Long Xuyên để sinh.

“Khi tôi chạy từ hướng Vàm Cống về TP Long Xuyên, tới đoạn đường đang thi công, người ta rào chắn lại một nửa, nửa còn lại chia làm hai chiều nên rất hẹp. Lúc này xe tôi chạy chầm chậm. Bất ngờ xe chở bê tông chạy phía sau tông mạnh vào xe tôi. Vợ tôi nằm trên đường bất động, tôi bị xe cán gãy chân, còn con tôi văng xa đến 6-7 m. Tôi thấy chung quanh máu chảy lênh láng. Tôi kêu gào bà con cứu vợ con tôi. Sau đó tôi được một số người chở đến BV ở TP Long Xuyên. Chân tôi đau quá và tôi không còn biết gì hết” - anh Nam kể.

Hiện anh Nam chưa nhận được tin tức gì về con mình. Nhưng khi nhắc đến vợ con là anh chảy nước mắt. “Tôi chỉ mong bác sĩ giúp cho con tôi được lành lặn…” - anh Nam tâm sự.

BS Lê Văn Tuấn, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân Nam được BV An Giang chuyển lên BV Chợ Rẫy vào chiều 26-10 trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt. Bệnh nhân bị cắt cụt 1/3 cẳng chân phải, chỗ mỏm cụt còn hở da nhưng vết thương khô. Bệnh nhân được chụp X-quang phổi và siêu âm ngực để theo dõi nhưng chưa thấy bất thường. Do sáng 27-10 bệnh nhân tiếp tục than đau ngực, khó thở và đau bụng nên BV tiếp tục làm các chẩn đoán hình ảnh để theo dõi. “Nếu bệnh nhân ổn định thì 1-2 tháng tới các bác sĩ sẽ khâu mỏm cụt. Phần cụt có thể được lắp chân giả để đi lại” - BS Tuấn nói.

Anh Nam đang được điều trị ở BV Chợ Rẫy với chân phải bị cắt cụt. Ảnh: TÙNG SƠN

May mắn bé không bị đa chấn thương

Trong khi đó, tình trạng cháu bé sơ sinh con anh Nam vẫn không thay đổi nhiều sau khi mổ tháo khớp ở chân phải. Hiện bé được cho dùng thuốc giảm đau, an thần.

 “Đối với ca sinh rớt thì thường đối mặt với những khó khăn như bị đa chấn thương, phổi chưa ổn định và uốn ván. Nhưng rất may đứa bé này không bị đa chấn thương. Hiện chúng tôi chờ bé ổn định sẽ tiêm ngừa uốn ván và theo dõi phổi” - một lãnh đạo khoa Chuyên sâu sơ sinh BV Nhi đồng 1 cho biết.

Cũng theo vị lãnh đạo này, với bé không có mẹ chăm sóc, không được bú sữa mẹ thì sau này khả năng sống thấp hơn những đứa bé khác.

Bắt tạm giam tài xế gây tai nạn khiến sản phụ tử vong

Tối 27-10, Thượng tá Nguyễn Thanh Hà - Trưởng Công an TP Long Xuyên (An Giang) cho biết: “Cơ quan CSĐT Công an TP đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Đỗ Công Vũ (ở An Giang) để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông gây hậu quả nghiêm trọng. Vũ là người điều khiển xe bồn trộn bê tông gây tai nạn giao thông sáng 25-10 khiến sản phụ Nguyễn Thị Kim Ngọc tử vong, chồng chị bị gãy chân và thai nhi trong bụng chị văng ra ngoài.

GIA TUỆ - THIÊN SƠN

 _______________________________________

Trẻ sơ sinh bị nạn, xử lý thế nào?

BS Đinh Tấn Phương, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 1, cho biết trẻ sơ sinh bị tai nạn từ trong bụng mẹ phọt ra ngoài như thế này là rất hi hữu. Khi gặp một ca như vậy, lại xảy ra ở xa cơ sở y tế, người tham gia cấp cứu cần biết và làm những việc sau: Đầu tiên cắt rốn (dụng cụ sạch) hoặc kẹp rốn bé lại, sau đó ủ ấm cho bé bằng khăn, đồng thời khai thông đường thở cho bé nếu bé nghẹt đàm bằng cách hút đàm. Sau đó đưa bé đến cơ quan y tế gần nhất để cấp cứu. Nếu bé có vết thương chảy máu nhiều thì dùng gạc, bông gòn hoặc vải sạch băng ép lại để cầm máu. Nếu băng ép thất bại thì nên garo trên vết thương, cột chặt để khỏi chảy máu.

“Đối với những trẻ sơ sinh bị nạn, điều hiển nhiên là trẻ có nhiều nguy cơ như nhiễm trùng vì ở môi trường bên ngoài phòng sinh. Ngoài ra, trẻ dễ bị uốn ván, viêm phổi, suy hô hấp; đầu, cơ thể va chạm có thể gây tổn thương thần kinh. Do đó quan trọng là đánh giá toàn bộ để không thể bỏ sót. Rất may đứa bé này đã chuyển dạ, nếu không thì sẽ có nguy cơ non tháng nữa” - BS Phương nói.

BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức - Tích cực và Chống độc BV Nhi đồng 1, cho biết thêm nếu trẻ sơ sinh bị tai nạn mà đứt bất kỳ một bộ phận cơ thể thì nhanh chóng lấy bộ phận đó rửa nước sạch, bỏ vào bịch nylon sạch, bịt kín và để vào chậu đá. Thường trẻ sẽ bị chấn thương cột sống cổ, do vậy phải giữ tư thế đầu - người theo trục thẳng và đưa lên băng ca. Nếu có nẹp cổ thì càng tốt hơn. Sau đó xem trẻ có ngưng tim, ngưng thở thì thổi ngạt, làm ấm tim và sau đó đưa đến BV.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm