Tạm kết diễn đàn cán bộ, công chức cũng phải nhập ngũ

Mọi công dân phải thực hiện NVQS

“Mọi công dân phải có cơ hội và trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS). Còn nếu có thay thế thì nên thay thế bằng hình thức lao động do quân đội tổ chức chứ không được phép thay thế bằng tiền”. Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (QH) nêu quan điểm về quy định thực hiện NVQS vốn đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luậnPháp Luật TP.HCM đã phản ánh trên các số báo vừa qua.

Cũng thông qua ý kiến của Trung tướng Đăng, chúng tôi xin tạm khép lại diễn đàn với mong muốn các quy định về việc thực hiện NVQS sẽ được nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp với tình hình hiện nay.

Lao động do quân đội quản lý

. Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng cần quy định nghĩa vụ thay thế NVQS bởi hằng năm chúng ta có đến 7 triệu công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS nhưng số người được gọi nhập ngũ rất ít?

+ Ông Phùng Khắc Đăng: Đối với một số quốc gia dân số ít, tương đối ổn định, không có xung đột, tranh chấp lãnh thổ thì người ta thực hiện NVQS luân phiên. Có nghĩa mọi người đến tuổi đều phải tham gia NVQS với thời hạn ngắn, bất kể đó là ai.

Nhưng ở nước ta thì khác nên khi thảo luận có rất nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến ủng hộ quy định tất cả công dân trong đổ tuổi 18-25 đều phải thực hiện NVQS. Do đó, có thể kéo dài tuổi thực hiện NVQS từ 25 tuổi tăng lên đến 27, 28 tuổi. Như thế sau khi học hành xong, anh vẫn có thể tham gia NVQS.

Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng cần phải quy định nghĩa vụ thay thế NVQS. Lý do là số lượng gọi nhập ngũ của chúng ta chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với số công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS. Có hình thức thay thế sẽ bảo đảm được sự công bằng.

Nhưng thay thế bằng hình thức gì cũng rất trái chiều. Ý kiến đề nghị quy định thay thế bằng tiền thì cho rằng sẽ tạo ra được nguồn ngân sách lớn và dùng số tiền đó để mua sắm, đầu tư cho quốc phòng, an ninh, vũ khí trang bị huấn luyện. Nhưng ý kiến phản đối thì cho rằng thay thế bằng tiền sẽ làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng, cao quý trách nhiệm của công dân. Hơn nữa, thay bằng tiền sẽ nảy sinh những hệ lụy, tiêu cực, con nhà giàu, con nhà quan chức… sẽ ít đi NVQS, không tạo ra công bằng trong xã hội.

Thanh niên TP.HCM lên đường nhập ngũ đầu năm 2014. Ảnh: HTD

Một luồng ý kiến khác đang nhận được nhiều sự ủng hộ là đề nghị thay thế NVQS bằng nghĩa vụ lao động. Theo đó, công dân mà đến tuổi thực hiện NVQS nếu không nhập ngũ thì có thay thế bằng hình thức lao động công ích 12 hoặc 18 tháng. Cụ thể, anh có thể tham gia lao động tại các công trường hoặc các công trình theo hình thức quản lý của quân đội… Tuy nhiên, tất cả vấn đề trên chắc chắn sẽ còn tranh luận nhiều khi dự thảo được trình ra để QH thảo luận, cho ý kiến trước khi thông qua trong những kỳ họp tới.

Riêng quan điểm của tôi là mọi công dân phải có cơ hội và có trách nhiệm thực hiện NVQS. Còn nếu có thay thế thì nên thay thế bằng hình thức lao động như thi công, xây dựng, thực hiện các dự án theo hình thức quản lý của quân đội. Như thế họ vừa có cơ hội rèn luyện tác phong, kỷ luật lao động của quân đội vừa thực hiện được nghĩa vụ công dân đối với Tổ quốc. Còn đóng bằng tiền thì là không ổn, không phù hợp.

Lơ là sẽ trở tay không kịp

. Có ý kiến cho rằng nên rút ngắn thời gian trong quân ngũ xuống còn một năm để số người thực hiện NVQS được nhiều hơn, thưa ông?

+ Như tôi đã nói ở trên, khi thảo luận về dự thảo luật có rất nhiều ý kiến, mỗi người có quan điểm khác nhau. Nhưng tôi nghĩ như các cụ nhà mình đã nói “nuôi quân ba năm, dùng quân có một giờ”. Mình lơ là một chút là có khi lại trở tay không kịp. Hoặc nói như cụ Trần Quang Khải: “Thái bình tu chí lực, non nước ấy ngàn thu”. Nếu thực hiện thời gian ngắn quá sẽ không đủ thời gian để thích nghi với trang bị vũ khí hiện đại, cũng như để xây dựng lực lượng quân đội chính quy, tinh nhuệ.

Ngoài ra, khác với các nước ổn định, ở ta nếu ngắn quá sẽ không đủ thời gian để người lính thành thục, sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng mọi tình huống. Cho nên thực hiện theo phương án của Chính phủ đề xuất, tức là quy định thống nhất thời gian thực hiện NVQS 24 tháng là phù hợp.

. Trước đó, theo bộ trưởng Bộ Quốc phòng, từ năm 2015 tới đây sẽ tuyển cán bộ, công chức, viên chức ở các tổ chức chính trị-xã hội đi thực hiện NVQS. Thời gian dài như thế sẽ gây khó cho họ sau khi xuất ngũ, thưa ông?

+ Luật đã quy định rồi, tất cả công dân trong độ tuổi phải thực hiện NVQS thì ai cũng phải chấp hành. Bây giờ nói thật, đi bộ đội toàn anh em nông dân chứ các trường hợp khác đều tìm mọi cách để không đi. Do đó việc tuyển quân tới đây phải làm sao bảo đảm được công bằng, minh bạch, dân chủ, rõ ràng, không phân biệt. Tuy nhiên, khi thảo luận thì cũng có ý kiến đề nghị nên bố trí cán bộ, công chức, viên chức nói trên vào những đơn vị phù hợp với trình độ, kỹ năng để họ vừa phục vụ tốt cho quân đội, vừa có thời gian để nâng cao năng lực, trình độ. Thực tế, đây luôn là một mong muốn tốt nhưng rất khó để thực hiện được cho tất cả. Bởi ở ta đã vào quân đội là phải đảm bảo với tư cách là người lính, sẵn sàng chiến đấu cao.

THÀNH VĂN

Nhiều người ủng hộ, không ít người băn khoăn

Ngày 14-8, khi thảo luận về dự thảo Luật NVQS sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh có ý kiến: “Từ năm 2015 sẽ tập trung gọi cán bộ, công chức, viên chức ở các tổ chức chính trị-xã hội đi NVQS”. Cũng trong khi thảo luận, một số đại biểu đề xuất nên có nghĩa vụ thay thế NVQS theo hướng anh đã làm việc này rồi thì thôi việc kia, ví như dân quân tự vệ, công an... hoặc được nộp tiền.

Liên tiếp từ số báo ngày 15 đến 18-8, Pháp Luật TP.HCM đã mở diễn đàn trao đổi xung quanh những vấn đề này và nhận được sự tham gia của rất nhiều bạn đọc. Có ý kiến đồng tình với việc gọi cán bộ, công chức, viên chức ở các tổ chức chính trị-xã hội đi NVQS. Bạn đọc cũng cho rằng không nên quy định nghĩa vụ thay thế bởi NVQS là nghĩa vụ thiêng liêng, vẻ vang của công dân đã thấm sâu vào tiềm thức nhân dân và cả dân tộc.

Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng không nên gọi cán bộ, công chức, viên chức ở các tổ chức chính trị-xã hội đi NVQS vì họ cũng đang làm nhiệm vụ phục vụ nhân dân, một nhiệm vụ cũng quan trọng không kém NVQS. Các ý kiến này cũng đồng tình với việc cần có quy định về nghĩa vụ thay thế do đất nước trong cảnh yên bình thì cũng không nên quá khắt khe buộc mọi người trong độ tuổi đều phải thực hiện NVQS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm