Mô tô vào cao tốc: Người ưng, người lo

Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM thông tin có đề xuất nên cho mô tô phân khối lớn được chạy chung làn với ô tô vào đường cao tốc (hiện luật giao thông quy định cao tốc chỉ dành riêng cho xe ô tô). Rất nhiều bạn đọc phản hồi, người bảo rằng đây là đề xuất hay, người bảo không nên vì quá nguy hiểm. Chúng tôi xin đưa ra hai luồng ý kiến để bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về vấn đề này.

NÊN

Đề xuất hay

Là người nhiều năm sưu tầm xe mô tô phân khối lớn, tôi thấy đề xuất này cũng hay vì xe phân khối lớn dùng chung làn đường với làn đường cao tốc của ô tô sẽ tránh gây nguy hiểm cho người chạy xe dưới 175 cc. Bởi khi chạy chung như thế, tiếng nổ lớn của xe phân khối lớn có thể làm những người xung quanh giật mình, dễ dẫn đến tai nạn. Chưa kể khi chạy chung với xe phân khối nhỏ hơn sẽ kìm hãm tốc độ xe phân khối lớn, dễ làm hư xe, gây thiệt hại lớn vì xe này có giá trị cao. Hiện chúng ta đã cho nhập xe mô tô phân khối lớn thì cũng cần tính toán đường chạy cho loại xe này.

Một số ý kiến cho rằng việc những người lái mô tô phân khối lớn còn thiếu kỹ năng xử lý các tình huống ở tốc độ cao, tôi cho rằng ý kiến này không hợp lý. Trước khi được cấp bằng A2 những người này đều phải trải qua các khóa đào tạo rồi.

HUỲNH MINH HIỆP, Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam

Xe mô tô phân khối lớn diễu hành trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trước khi toàn tuyến cao tốc thông xe. Ảnh: MP

Tránh làm người già xỉu

Có lần tôi suýt chết vì tiếng xe mô tô chạy trên đường. Hôm đó, tôi đang đi trên đường đón cháu ngoại đi học về. Tôi vừa chạy vừa suy nghĩ đến chuyện nhà, bỗng từ phía sau là tiếng rồ ga của một chiếc mô tô. Quá bất ngờ tôi bị lên cơn đau tim, tôi vội tấp xe vào lề đường và xỉu ngay tại chỗ. May mà được mọi người hỗ trợ kịp thời.

Tôi rất thông cảm với những người chạy xe mô tô, thật ra người lái xe cũng không muốn làm phiền người bên cạnh. Nếu như xe mô tô được chạy trên đường cao tốc là quá tốt, sẽ không làm phiền đến người chạy xe máy và đặc biệt là những người già chạy xe như tôi.

PHẠM VĂN BẰNG, đường Trịnh Đình Thảo,
phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM

KHÔNG NÊN

Nhiều điều khó

Hiện chúng ta mới có khoảng 400 km đường cao tốc đúng theo quy định của luật đường bộ (độc lập với hai bên, có dải phân cách giữa cho hai chiều và không có nút giao cùng mức…). Tốc độ tối đa ở đường cao tốc cũng chỉ là 120 km/giờ, trong khi tốc độ thiết kế của nhiều xe mô tô từ trên 500cc đến 1.000 cc là trên 200 km/giờ. Chưa kể trên các tuyến cao tốc hiện nay chưa có làn riêng cho xe mô tô phân khối lớn (các nước phát triển đường cao tốc 4-5-6 làn và có làn riêng cho xe mô tô của cả người làm công vụ và người dân thích chạy loại xe này). Như vậy cho xe mô tô phân khối lớn chạy chung vào sẽ gây xung đột về tốc độ với các loại xe khác (chạy trên làn 80 km/giờ và làn 120 km/giờ). Điều này ẩn chứa nguy cơ tai nạn rất cao.

Ở các nước, người lái mô tô được phân chia theo tuổi đời, thời gian đã chạy các nhóm, các loại xe. Còn ở ta, cứ trên 175 cc là gọi chung thành mô tô phân khối lớn và người cứ đủ 18 tuổi là có quyền thi lấy bằng A2 (và được chạy xe đến cả ngàn phân khối). Cạnh đó, hiện khâu học, thi sát hạch cấp bằng lái mô tô còn khá… thoải mái. Ví dụ, dù có kiểm tra các kỹ năng quan trọng đảm bảo an toàn như kỹ năng dừng xe (tương ứng với mỗi tốc độ có khoảng thời gian, quãng đường tối đa thắng, dừng xe mà không gây tai nạn), đi trên đường mấp mô, uốn lượn, đường có nhiều vật cản dễ gây va quẹt… đều được thí sinh làm tốt, hoàn thành nhưng khi đi trên đường thực thì lại khác. Vì vậy, khi muốn cho xe mô tô vào đường cao tốc, thiết nghĩ phải xây dựng những tiêu chí, quy định về người lái như cách làm của các nước.

Nói tóm lại mô tô phân khối lớn là loại xe không phổ thông được một số người sử dụng theo sở thích. Nó là loại xe để chơi, dành cho người thích biểu diễn kỹ năng lái xe hoặc thích tốc độ, không phải xe để đi. Còn khi tham gia giao thông bình thường thì phải tuân theo các quy định chung, nghiêm ngặt. Theo tôi, với tình trạng hiện nay, chúng ta chưa thể cho phép mô tô đi vào cao tốc.

Hoàng Đức, quận 7, TP.HCM

Ám ảnh tai nạn

Tôi lái xe ô tô nhiều năm nay. Mỗi khi lưu thông trên đường, tôi sợ nhất là tình trạng xe hai bánh cứ lấn sang làn đường của mình vì rất dễ xảy ra tai nạn. Khi vào đường cao tốc, tốc độ xe chạy nhanh và việc tập trung cao độ quan sát những chiếc xe cùng loại như mình để tránh sự va chạm là không dễ dàng gì. Nếu như xe mô tô chạy cùng làn đường ô tô thì sự quan sát của tài xế sẽ bị rối ngay và việc này cũng rất nguy hiểm. Theo tôi, nếu như đề xuất cho xe mô tô vào đường cao tốc thì phải phân làn đường lại, phải có một làn đường riêng dành cho mô tô chứ không thể trộn lẫn.

TRƯƠNG BẢO HOÀNG, quận 12, TP.HCM

Nghiên cứu kỹ trước khi đưa vào thực tế

Trên thế giới, việc xe mô tô phân khối lớn chạy vào đường cao tốc hay ô tô là bình thường vì nó được coi giống như một chiếc ô tô. Còn ở Việt Nam xe mô tô phân khối lớn vẫn được xem là xe máy.

Ngoài ra, nếu có chạy vào đường cao tốc thì sẽ rất nguy hiểm vì đường cao tốc hiện nay của nước ta không giống thế giới mà chỉ được thiết kế dành riêng cho ô tô. Với đường cao tốc ở nước ta, đa số chỉ có từ hai đến bốn làn xe nên việc xe mô tô đi vào đây sẽ rất dễ dẫn đến tai nạn.

Ngoài cơ sở hạ tầng thì ý thức của người điều khiển phương tiện này hiện nay còn chưa cao. Khi ra đường người chạy xe thường nẹt pô để cho xe nổ lớn tiếng nhằm gây sự chú ý. Và nước ta chỉ có một loại bằng để cấp chung cho tất cả loại mô tô khác nhau. Điều này là không hợp lý vì mỗi loại mô tô sẽ có khung máy, phân khối khác nhau.

Do đó theo tôi, cần nghiên cứu kỹ để sửa đổi về những vấn đề pháp lý liên quan cũng như các tiêu chuẩn, cơ sở hạ tầng của ta khi cho xe mô tô phân khối lớn chạy vào làn đường ô tô, cao tốc.

TS PHẠM SANH, chuyên gia giao thông tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

(PLO)- Đội bắt chó thả rông của UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM tiếp tục ra quân bắt giữ chó thả rông, không rọ mõm, xử phạt thêm nhiều trường hợp chủ nuôi vi phạm.

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.