Mẹ thích đi ăn xin, con khổ tâm

Một số người dân ở khu phố 2, đường Thích Mật Thể (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM) phản ánh thời gian qua, mỗi ngày họ thường thấy một bà cụ gầy ốm lê lết từng chút trên đường, chìa tay xin tiền khiến người đi đường xót lòng. Nhiều người dừng xe cho tiền, cũng có người hỏi han nhà cửa để đưa cụ về. Mặc dù trí óc còn minh mẫn, còn nghe được nhưng bà cụ không thể nói mà hay ra hiệu bằng tay. Có người hỏi ăn sáng chưa, cụ lắc đầu. Có người hỏi tên tuổi, con cái, cụ chỉ ú ớ... Hỏi ra thì họ biết cụ có con cái, chỗ ở rõ ràng (trong khu phố 2) nhưng không hiểu sao bà cụ phải ra đường ăn xin, đề nghị chính quyền địa phương phải quan tâm trường hợp trên.

Khi xuống tìm hiểu, chúng tôi cũng đã gặp cụ đang xin tiền người đi đường. Dò hỏi chúng tôi biết được nhà cụ ở khu phố 2, đường Thích Mật Thể. Cụ ở cùng vợ chồng người con trai.

 
Người đi đường cho tiền, hỏi han cụ B. Ảnh: TRẦN NGỌC

Ông Đặng Hoàng Minh, phó trưởng ban điều hành khu phố 2, cho biết cụ tên Nguyễn Thị B. (70 tuổi). Trước đây cụ vẫn còn đi đứng được, chậm chạp di chuyển chỗ này chỗ nọ để xin tiền. Khoảng tháng 10-2013, cụ không thể đi được nữa, chỉ lê lết.

Trao đổi với người con cụ B., anh bảo gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Vợ chồng đi phụ hồ nên sáng đi chiều về. Trước khi đi làm, vợ chồng cũng chuẩn bị sẵn cơm sáng, cơm trưa cho mẹ. Chẳng hiểu sao mẹ không ăn, lại xin cơm nhà người khác. Vợ chồng anh cũng muốn chăm mẹ chu đáo nhưng điều kiện không cho phép. Tuy nhiên, việc mẹ cứ hay đi ra ngoài xin ăn như thế cũng làm vợ chồng khổ tâm nhưng chưa biết phải làm sao...

TRẦN NGỌC

 

Xã hội cùng chăm sóc, giảm gánh nặng cho gia đình

Ban điều hành khu phố 2 (phường Thạnh Mỹ Lợi) cho biết địa phương biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên thi thoảng vẫn tặng quà, hỗ trợ gạo…

Ngày 14-1 vừa qua UBND TP.HCM ra Quyết định 04 (về việc ban hành chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá của TP giai đoạn 2014-2015). Trong đó có chính sách hỗ trợ, vận động các hộ nghèo có thành viên là người tàn tật bại liệt, người bệnh tâm thần, người già yếu... đưa những người này vào các trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố hoặc các cơ sở bảo trợ xã hội tại cộng đồng nuôi dưỡng, chăm sóc để giảm bớt gánh nặng của gia đình nhằm có điều kiện tập trung sản xuất để vượt nghèo. Trên tinh thần này, nếu hoàn cảnh gia đình vẫn quá khó khăn, địa phương sẽ tiếp tục cố gắng vận động gia đình gửi cụ B. vào trung tâm nuôi dưỡng người già để chia sẻ gánh nặng với gia đình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm