Mất xe, nhùng nhằng mức bồi thường

Cô V. (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ - giáo viên một trường mầm non) phản ánh sáng 5-12-2013, cô đến trường và để xe vào khu vực nhà xe của giáo viên như bình thường. Đến chiều, cô ra lấy nhưng chiếc xe đã biến mất. Cô nhìn lại thì hàng rào của bãi xe được nhân viên bảo vệ mở toang, vô tình tạo điều kiện cho kẻ gian ra tay.

Ngay sau đó, cô yêu cầu nhà trường bồi thường nhưng qua bốn lần họp, hai bên vẫn chưa thống nhất được phương án. “Hoàn cảnh tôi hiện khó khăn, không có phương tiện đi lại. Mong mỏi lớn nhất của tôi là sớm có xe để đi lại và đến trường hằng ngày. Tôi mong nhà trường bồi thường 2/3 giá trị của chiếc xe, tương đương khoảng 30 triệu đồng là tôi không khiếu nại hay đòi hỏi gì nữa” - cô V. cho biết.

Khu vực để xe của các giáo viên - nơi cô V. bị mất xe. Ảnh: GT

Trong khi đó, cô hiệu trưởng trường mầm non giải thích: “Nhà trường đã họp và có thiện chí ngồi bàn luận để hỗ trợ cô V. Lần đầu họp, cô V. cho biết mua xe cách đây gần ba năm với giá 47 triệu đồng tính luôn tiền giấy tờ là 50 triệu đồng. Phía nhà trường cho rằng không có khả năng để bồi thường xe mới trị giá đến 50 triệu đồng mà chỉ đồng ý hỗ trợ khoảng 30 triệu đồng. Cô V. chưa đồng ý, nói về bàn bạc với gia đình và qua lần họp kế tiếp, cô V. nói trường bồi thường 39 triệu đồng. Lúc này thì tập thể trường không nhất trí. Sau đó, tập thể trường đưa ra hai phương án. Thứ nhất, tập thể hỗ trợ cô V. 15 triệu đồng, phần còn lại cô V. tự chịu. Thứ hai, khi có kết quả thẩm định giá, hai bên sẽ chia đôi thiệt hại. Các phương án này cũng không được cô V. chấp nhận. Hiện chúng tôi đành phải nhờ địa phương, cơ quan chức năng can thiệp”.

Được biết tới đây, lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều sẽ làm việc với cô V. cùng đại diện trường mầm non. Hy vọng sự việc sẽ có lối ra.

Nhà trường phải chịu trách nhiệm

Lâu nay các cô giáo vẫn để xe ở một khu vực trong trường và trường cũng coi đấy là chỗ dựng xe khi giáo viên đến dạy học. Do đó việc này được hiểu là việc để xe được cho phép và được bảo vệ. Trường hợp nhà trường có phân công bảo vệ trông giữ xe thì trách nhiệm của nhà trường càng rõ. Nghĩa là việc này nhà trường phải bồi thường cho cô V. Còn trách nhiệm của bảo vệ với nhà trường là quan hệ riêng, nhà trường có thể đòi bảo vệ bồi thường lại cho mình nếu nhà trường đã phân công bảo vệ trông xe. Nếu giữa cô V. và nhà trường không đạt được thỏa thuận thì phải nhờ đến tòa án giải quyết bằng vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại, trong đó phía nhà trường sẽ là bị đơn.

Luật sư LÊ NGỌC CẢNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

   

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm