Mất đất vì nghĩ hòa giải thành là xong

Ông Trần Công Điểm cho biết ông có người anh em bạn rể là ông Phạm Tấn Răng cùng ngụ xã Tân Hưng (huyện Cái Nước, Cà Mau). Vào những năm 1990, ông Điểm nhiều lần sang mượn lúa, vàng của ông Răng đồng thời giao thửa đất ruộng trên 14.000 m2 của mình cho ông Răng canh tác.

Đòi đất không được

Đến năm 1995, ông Điểm đến nhà ông Răng đặt vấn đề sẽ trả lúa, trả vàng để lấy lại lô đất. Ông Răng phản đối bảo hồi trước giao đất theo kiểu bán đứt chứ không phải cầm cố. Từ sự bất đồng này, ông Điểm làm đơn thưa.

Tháng 12-2004, chủ tịch tỉnh Cà Mau ra quyết định (cũng là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng) cho rằng việc mua bán không có giấy tờ hợp pháp nên không được thừa nhận. Tuy nhiên, do ông Điểm chấp nhận “nhường cơm sẻ áo” nên tỉnh đồng ý giao cho ông Răng 7.000 m2 đất, còn lại là của ông Điểm. Quyết định này không đề cập đến số lúa, vàng liên quan.

Đến lúc này thì ông Răng khiếu nại nhiều nơi, đòi sửa quyết định giao hết đất cho mình. Cạnh đó, ông kiện ra tòa đòi phần vàng, lúa đã đưa cho ông Điểm trước đó (tổng cộng 440 giạ lúa và 80 chỉ vàng gồm gốc 10 chỉ, lãi 70 chỉ).

Về phần đòi lúa, vàng, tháng 9-2005, ông Răng được TAND huyện Cái Nước chấp nhận yêu cầu. Ông Điểm kháng cáo. Trong lúc này, đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ về xử lý vụ đất của ông Điểm, ông Răng sau khi nhận được đơn khiếu nại. Quá trình làm việc, đoàn đã hòa giải thành với nội dung ông Điểm giao hết thửa đất cho ông Răng. Ông Răng sẽ rút lại đơn kiện. Thanh tra cũng đề nghị tỉnh sửa lại quyết định giao hết đất cho ông Răng.

Ông Điểm rầu rĩ vì quyền lợi bị thiệt thòi do không nắm hết quy định của pháp luật. Ảnh: TV

Kiện lại không xong

Mặc dù cuộc làm việc có kết quả “vẹn cả đôi đường” như trên nhưng trớ trêu một điều tỉnh không xử lý theo đề nghị này do trước đó đã có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng. Các đương sự thì nghĩ rằng mọi việc đã êm xuôi nên không có ý kiến gì trao đổi với tỉnh lẫn phía tòa. Còn phía TAND tỉnh Cà Mau thì không nhận được thông tin nên tháng 4-2006, tòa đưa vụ án ra xử phúc thẩm. Do vắng mặt ông Điểm (hai lần triệu tập hợp lệ mà không đến), tòa đình chỉ xét xử phúc thẩm. Bản án sơ thẩm vì vậy có hiệu lực, ông Điểm phải trả cho ông Răng 440 giạ lúa, 80 chỉ vàng.

Tháng 7-2014, khi cơ quan thi hành án thông báo kê biên nhà cửa, đất đai của ông Điểm để thi hành án thì ông mới biết sự tình. Ông vội vàng đi kiện đòi lại đất nhưng tòa từ chối nhận đơn do thửa đất đã được tỉnh giải quyết, mặt khác đến giờ này đã hết thời hiệu khởi kiện.

Ông Điểm ngẩn người: “Nếu ông Răng đòi lúa, đòi vàng thì phải trả đất lại cho tôi chứ. Đằng này ông ấy lấy đất của tôi sử dụng rồi còn đòi cả vàng, cả lúa là vô lý quá. Vậy tự nhiên tôi mất tiêu miếng đất. Mà bây giờ không ai đứng ra xử cho tôi. Tôi phải làm sao đây?”.

Phải tăng cường hỗ trợ pháp lý cho người dân

Ông Trương Văn Bình, Chánh án TAND tỉnh Cà Mau, cho biết theo quy định hiện hành, tòa không thể thụ lý giải quyết tranh chấp mảnh đất trên, lý do thì tòa đã nêu như khi trả lại đơn của ông Điểm. Tuy nhiên, lâu nay ông Điểm cứ nghĩ rằng mình mất luôn mảnh đất là không phải. Theo quyết định của chủ tịch tỉnh, địa phương chỉ giao cho ông Răng 7.000 m2 đất. Phần còn lại vẫn là của ông Điểm chứ không phải theo như hòa giải thành của thanh tra là ông phải giao hết mảnh đất. Ông Điểm có thể đề nghị UBND huyện Cái Nước triển khai thực hiện quyết định này.

Bàn thêm về vụ việc, luật sư Lê Ngọc Cảnh (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói thêm, đây là vụ việc đáng tiếc cho phía ông Điểm. Chỉ vì ông quá dựa vào buổi hòa giải của thanh tra, thiếu hiểu biết pháp luật mà không làm các động tác tiếp theo sau đó nên mất đi quyền lợi. Mặt khác, đây cũng là kinh nghiệm dành cho cơ quan chức năng, người dân đã ít hiểu biết pháp luật nhưng cơ quan chức năng thiếu sự hỗ trợ cần thiết nên làm cho đương sự bị thiệt thòi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm