Mắc bẫy ‘mua hàng trúng thưởng’

Mới đây, tôi nhận được điện thoại từ số máy bàn thông báo nằm trong tốp 30 người được trúng thưởng phiếu mua hàng 5 triệu đồng. Người phụ nữ đầu dây bên kia tư vấn rằng để nhận được phiếu mua hàng, tôi phải mua một sản phẩm được giới thiệu trong ba loại: Kem dưỡng da, đồng hồ và điện thoại. Sẵn đang có nhu cầu nên tôi lựa chọn điện thoại của thương hiệu Samsung. Người phụ nữ trên cho biết sau khi thẻ mua hàng trúng thưởng trị giá 5 triệu đồng thì chỉ phải thanh toán 4 triệu đồng. Đối chiếu giá thị trường, thấy đó là giá hời nên tôi đồng ý ngay.

Một tuần sau, tôi nhận được món hàng, do trên hộp ghi rõ “Không được cho khách hàng khui hàng” nên nhân viên bưu điện không cho mở hàng kiểm tra mà yêu cầu tôi phải thanh toán tiền mặt 4 triệu đồng. Trả tiền xong, tôi té ngửa khi trong hộp không phải chiếc điện thoại Samsung mà là một điện thoại khá lạ của Trung Quốc.

Ngay lập tức, tôi gọi lại số điện thoại trên thì họ bảo không hứa gửi đúng hàng thương hiệu mà chỉ nói gửi hàng chính hãng.

Chiếc điện thoại họ bán cho tôi, xài thử thì lúc đầu màn hình cảm ứng chạy được nhưng cứ xài 10-15 phút là bắt đầu đơ. Tôi đã phải vất vả để khiếu nại. Tôi không có cơ hội gặp người có trách nhiệm của công ty để trình bày, mà nhân viên tiếp tân đã ngăn từ cửa. Cô này yêu cầu mọi ý kiến cứ trình bày với cô. Sau khi kiểm tra thông tin, cô ấy xác nhận tôi nhận được chiếc điện thoại Trung Quốc. Tuy vậy, cô ta nói rằng mặt hàng mà tôi đặt là Ophone N9 có thiết kế theo công nghệ và phiên bản của Samsung chứ không phải điện thoại Samsung và hứa nếu tôi không thích chiếc điện thoại Trung Quốc đã nhận thì có thể đổi lấy Ophone N9…

Dằng dai qua lại, vì tiền đã lỡ đóng nên tôi đành chấp nhận đổi điện thoại. Nhưng họ không đưa Ophone N9 mà lại giao cho tôi một chiếc điện thoại hiệu khác cũng… lạ hoắc. Chiếc điện thoại mới cũng có chất lượng không ổn, cảm ứng thất thường, mau xuống pin.

Đến nước này, tôi chỉ biết trách mình đã tự lọt bẫy. Sau đó tìm hiểu thì tôi mới biết đã có nhiều trường hợp tương tự tôi. Một cô bạn của tôi cũng từng nhận được cuộc gọi thông báo bạn là một trong ba chủ nhân số điện thoại may mắn trong chương trình quay số trúng thưởng. Nhân viên tư vấn bảo bạn tôi trúng giải thưởng 3 triệu đồng và được ưu đãi mua một bộ sản phẩm chăm sóc sức khỏe toàn diện có giá trị gần 4,5 triệu đồng. Vì là người trúng thưởng nên bạn tôi chỉ phải trả cho gói sản phẩm này 1,4 triệu đồng. Cô bạn đã tỉnh táo hơn tôi rất nhiều, hỏi phải đến đâu để mua sản phẩm thì nhân viên tư vấn cho biết sẽ có nhân viên bưu điện mang đến tận nhà, khi nhận hàng mới trả tiền. Bạn ấy hỏi thêm về công ty, trang web giới thiệu, hình ảnh các sản phẩm và chương trình khuyến mãi quay số có thông tin, thông báo ở đâu không… thì cô gái trả lời loanh quanh rồi cúp máy.

Rà thêm thông tin trên mạng, mới hay hồi tháng 7, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã có cảnh báo về tình trạng người tiêu dùng (NTD) bị “lừa” khi mua hàng qua điện thoại vì có nhiều khiếu nại của NTD gửi đến cơ quan này. Chuyện đã qua, tôi viết lên đây chỉ để cảnh báo những người khác đừng mắc bẫy như mình.

4 đặc điểm cần cảnh giác

Một cán bộ Sở Công Thương TP.HCM cho biết chương trình khuyến mãi có rút thăm trúng thưởng có rất nhiều hình thức. Với hình thức khuyến mãi bằng cách gọi điện thoại hay nhắn tin thông báo trúng thưởng, khách hàng phải tỉnh táo, cẩn trọng, kiểm tra tính hợp lệ của chương trình, có thể đến trực tiếp doanh nghiệp để xem các giấy tờ khuyến mãi liên quan; đừng vội tin vì những chương trình kiểu này có dấu hiệu không rõ ràng.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), các vụ “mua hàng trúng thưởng” qua điện thoại thường có các đặc điểm sau:

1. Thông qua điện thoại, nhân viên công ty thường thông báo NTD trúng thưởng phiếu mua hàng vì là một trong 50 khách hàng may mắn/nhân dịp năm năm thành lập công ty… và khuyến khích, thuyết phục NTD sử dụng phiếu mua hàng đó để mua sản phẩm.

2. Sản phẩm được áp dụng phiếu mua hàng thường là điện thoại của các hãng lớn hoặc sản phẩm có giá trị cao. Trong quá trình giới thiệu, nhân viên công ty sẽ cố ý đưa thông tin để NTD nhầm lẫn và cho rằng mình sẽ được mua sản phẩm của hãng danh tiếng với giá trị rất thấp do đang được hưởng ưu đãi.

3. Sản phẩm được giao qua đường bưu điện qua hình thức “thu tiền khi nhận hàng” (COD - cash on delivery) với điều kiện chỉ được mở xem hàng sau khi đã thanh toán tiền. Như vậy, NTD sẽ không có điều kiện kiểm tra sản phẩm mà thường sẽ chỉ nhận ra mình bị lừa khi đã trả tiền và nhận hàng.

4. Khi người mua phản ánh và yêu cầu được hoàn lại tiền, công ty thường đưa ra lý do là NTD đã hiểu nhầm ý của nhân viên tư vấn. Đây cũng là điều gây khó khăn cho NTD vì các tư vấn của nhân viên công ty được thực hiện qua điện thoại và không được ghi hoặc lưu lại theo bất kỳ định dạng nào.

Cục khuyến cáo NTD tìm hiểu về doanh nghiệp, cửa hàng bán sản phẩm, tìm hiểu về giá cả hàng hóa, dịch vụ trước khi quyết định đặt hàng. Đặc biệt, cần lưu giữ các chứng cứ liên quan đến giao dịch như ghi âm cuộc thoại hoặc yêu cầu người bán gửi các thông tin về giao dịch như tên và hình ảnh hàng hóa, giá bán, điều kiện giao dịch… trước khi mua để làm bằng chứng khiếu nại sau này.

THANH TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm