Ma túy giấy: Hãy kiểm soát, xử lý nhanh

Nhiều phụ huynh cho biết đang mất ăn mất ngủ vì sợ con cái có thể nghiện ma túy giấy lúc nào không hay. Dù được liệt vào một trong những loại ma túy nguy hiểm, thế nhưng loại “tem giấy” hay “bùa lưỡi” vẫn được chào bán công khai (Pháp Luật TP.HCM ngày 20-9 có bài viết “Ma túy giấy - hiểm họa rình rập cổng trường”).

Tôi không biết làm sao bảo vệ con

Cách đây ba tháng, tôi đi qua Trường THCS Tây Sơn (phường 12, quận Gò Vấp) thấy có nhóm học trò bỏ miếng giấy nhỏ nhỏ gì vào lưỡi, ngậm. Nay đọc báo tôi mới biết là mấy đứa nhỏ dùng ma túy giấy. Tôi có mụn con gái, năm nay mới học cấp I. Mấy hôm nay tôi chưa biết phải dạy con như thế nào về loại ma túy này, phần thì sợ con nhỏ quá chưa hiểu nhưng không dạy thì không ổn, lỡ bạn bè rủ rê thì chết; lại lo dạy con rồi, nó tò mò tìm ngậm… Đa phần hôm nào đi làm về tôi cũng dành thời gian trò chuyện với bé, nghe bé kể chuyện ngày hôm nay đi học thế nào, giờ thì tôi cố gắng dành nhiều thời gian hỏi xem hôm nay bé ăn gì, có ai cho ăn gì lạ không, có thấy đau đầu, choáng váng hay bị ảo giác gì không, “con nhìn ba con có thấy biến đổi thành hình thù quái dị không”… Thú thật tôi đang nơm nớp trong lòng.

PHAN ĐĂNG NGỌC (Quận Gò Vấp, TP.HCM)

Các phụ huynh đều thấy bất an khi ma túy giấy xuất hiện gần đây. Ảnh: HTD

Phóng viên mua được, sao công an không phát hiện được?

Trẻ con đi học, bạn bè có tiền mua món này món nọ chia cho nhau thì làm sao kiểm soát được. Nếu ma túy núp bóng kẹo thì người lớn cũng khó nhận biết, huống hồ trẻ con. Trước mắt, đề nghị nhà trường phối hợp với địa phương kiểm soát nghiêm việc mua bán trước cổng trường, đồng thời tuyên truyền cho học sinh biết dấu hiệu nhận biết ma túy giấy ra sao, hình thù như thế nào để tránh. Trong các bài báo tôi đọc, rõ ràng phóng viên tìm mua rất dễ nhưng sao chưa thấy thông tin công an bắt và hướng xử lý những đối tượng buôn bán ma túy giấy. Các cơ quan chức năng lúc nào cũng “tăng cường kiểm tra”, “rốt ráo kiểm tra”… nhưng ma túy giấy vẫn được bán trên thị trường. Tôi chưa đọc thấy nội dung nào từ cơ quan chức năng rằng đây là mặt hàng cấm buôn bán. Dù đây là hàng mới, chất mới xuất hiện nhưng đã có thông tin cảnh báo dày đặc như vậy thì nên sớm có hình thức quản lý và xử lý để những người làm cha làm mẹ như chúng tôi được yên tâm.

NGUYỄN THỊ THÙY LINH (Quận Thủ Đức, TP.HCM)

Tôi không dám cho con tiền tiêu vặt

Tôi mới biết về ma túy giấy khoảng một tuần qua báo, đài. Hai vợ chồng tranh thủ bữa ăn nói với con về tác hại của loại ma túy này, mở báo cho con xem bài viết, cho con xem hình ảnh và bảo: “Bạn bè cho ăn, rủ mua bán thì không được mua, không được bỏ vào miệng nếu có người cho”... Ba ngày nay, hai vợ chồng tôi thống nhất không cho con tiền tiêu vặt nữa, thay vào đó con thích gì mình mua cho con, đồng thời chúng tôi cũng đả thông với ông bà của cháu như thế. Một miếng ma túy giấy nhỏ chỉ 20.000 đồng, sợ mấy đứa nhỏ hùn tiền mua nên tốt nhất là không cho con dùng tiền. Cảnh báo rồi, không cho dùng tiền rồi nhưng vẫn cảm thấy bất an…

NGUYỄN THỊ THÚY (Quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Cơ quan chức năng vào cuộc nhanh đi

Chúng tôi mong cơ quan chức năng, công an sớm vào cuộc phạt thật nặng những người buôn bán loại ma túy độc hại này. Không thể nói kiểu “chưa rõ “tem giấy” là cái gì, có độc hại không nên vẫn bán được”. Báo chí đăng liên tục rồi. Cần tìm ra đầu mối để xử lý làm gương. Đọc báo, tôi thấy đã có trẻ phải điều trị tâm thần vì nghiện chất ma túy giấy này. Cơ quan chức năng không vào cuộc thì còn đợi đến khi nào nữa?

TRẦN HUỆ LINH (Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP.HCM)

Phó Thủ tướng yêu cầu đấu tranh với ma túy dưới hình thức “tem giấy”

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc phòng ngừa, đấu tranh với ma túy dưới hình thức “tem giấy” (hay “bùa lưỡi”). Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT và các cơ quan, địa phương liên quan kịp thời triển khai các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả đối với hiện tượng này, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31-10.

Cụ thể, Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường quản lý địa bàn, đặc biệt khu vực xung quanh trường học, xử lý nghiêm các trường hợp quảng bá, mua bán, dụ dỗ, lôi kéo học sinh, sinh viên sử dụng ma túy. Bộ GD&ĐT được giao tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho học sinh, sinh viên và phụ huynh về tác hại và cách nhận biết các loại ma túy, đặc biệt là chất LSD (có trong “tem giấy”); phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất gây nghiện, chất hướng thần trong trường học…

(Theo plo.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm