Luật sư “ăn chặn” hơn tỷ đồng?

Đầu tháng 1-2008, ông Nguyễn Văn Tài (ngụ tại phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đồng ý mua của ông Đặng Văn Sang (cùng ngụ tại quận Bình Thạnh) một căn nhà tại quận Bình Thạnh với giá tiền 4,45 tỷ đồng. Do căn nhà đang thế chấp ở ngân hàng nên để tránh rắc rối phát sinh, ông Tài đã nhờ luật sư PVH thuộc Đoàn luật sư TP.HCM (văn phòng đặt tại quận Bình Thạnh) làm chứng và giúp đỡ một số thủ tục liên quan với thù lao 10 triệu đồng (có biên nhận).

Luật sư làm trung gian giao nhận tiền

Theo thỏa thuận, người mua có trách nhiệm thanh toán tiền mua nhà làm hai đợt (đợt một: đặt cọc 1,1 tỷ đồng vào ngày 7-1 ; đợt hai: đưa tiếp 3,350 tỷ đồng còn lại vào 15 ngày sau tại Phòng Công chứng số 6). Ngay sau đó, người bán sẽ giao nhà cùng toàn bộ giấy tờ nhà cho người mua đi đóng thuế và làm thủ tục đăng bộ.

Trên thực tế, việc thanh toán tiền không diễn ra như thỏa thuận mà theo yêu cầu của người bán để tạo thuận lợi cho người bán giải chấp nhà. Chỉ sau năm ngày kể từ ngày nhận cọc, viện lý do cần tiền mua một căn nhà khác cho gia đình ở, người bán đòi người mua đưa thêm 1,350 tỷ đồng. Người mua đã chuyển số tiền này vào tài khoản của luật sư H. để nhờ luật sư giao lại cho người bán. Theo trình bày của người bán, từ lúc này nhiều rối rắm đã xảy ra.

Ngày 16-1, luật sư H. gọi điện thoại kêu người bán đến quán cà phê để giao 350 triệu đồng. Khi đó, người bán chưa hay biết gì về việc người mua đã chuyển tiền. Sau khi hối thúc người bán nhận 350 triệu đồng vì “có việc phải đi gấp”, luật sư H. yêu cầu người bán ký tên vào giấy nhận tiền mà ông đã ghi sẵn nội dung. Ký xong, người bán để luật sư H. cất giữ giấy này.

Ngày 18-1, cũng theo yêu cầu của người bán, người mua đã tiếp tục thông qua luật sư H. chuyển cho người bán 43.750 USD (tương đương 700 triệu đồng). Song viện lẽ “người mua đi vắng nên chưa mang tiền đến”, luật sư H. đồng ý bỏ tiền túi ra để ứng trước cho người bán 30 ngàn USD và 20 triệu đồng (khoảng 500 triệu đồng). Để làm tin, luật sư H. yêu cầu người bán ký giấy mượn số tiền này.

Ngày 26-1, người mua mang 1,4 tỷ đồng còn lại đến gửi cho văn phòng luật sư H. Sau đó, người mua cùng với người bán đến Phòng Công chứng số 5 để ký hợp đồng mua bán nhà. Người bán cũng đã ký nhận số tiền này với luật sư H. Nhưng cho rằng chỉ mới nhận cả thảy 3,350 tỷ đồng (có tính cả hai khoản tiền mà luật sư H. đã ứng trước), tức còn thiếu 1,1 tỷ đồng, người bán đã từ chối, không giao giấy chủ quyền nhà cho người mua.

Nhiều khoản chênh lệch khó hiểu

Người mua hết sức bất ngờ với thông tin này. Tự kiểm tra lại, người mua khẳng định bản thân ông đã trả tiền mua nhà trong bốn lần (lần đầu: 1,1 tỷ đồng; lần hai: 1,350 tỷ đồng; lần ba: 43.750 USD và lần cuối: 1,4 tỷ đồng), tổng cộng là 4,550 tỷ đồng. Tính ra, ông đã đưa cho luật sư H. dư 121 triệu đồng so với giá mua bán. Ông giải thích: “Tôi đưa dư để luật sư H. chi phí các khoản phí phát sinh rồi sau này sẽ tính lại...”.

Trừ hai lần giao tiền trực tiếp cho người bán, người mua trưng ra được chứng từ thể hiện ông đã hai lần chuyển tiền cho luật sư H. để nhờ luật sư đưa cho người bán. Đó là phiếu thu ngày 14-1 của Vietcombank Chi nhánh Bình Thạnh về việc đã chuyển 1,350 tỷ đồng sang tài khoản của luật sư H.; biên nhận ngày 18-1 có chữ ký của luật sư H. thể hiện luật sư đã nhận của người mua 43.750 USD.

Người mua ấm ức: “Nghe người bán nói cần tiền là tôi chuyển trả ngay nhưng không hiểu sao luật sư H. lại bắt người bán ký giấy mượn nợ. Mới rồi, tôi yêu cầu luật sư H. thống kê tổng số tiền mà tôi đã trả cho người bán thì ông này chỉ ghi ra được 3,870 tỷ đồng. Vậy số tiền còn lại đi đâu? Đã vậy, luật sư còn hỏi mượn tiền tôi để đi kiện đòi người bán trả lại khoản tiền mà tôi đã chuyển trả lần ba...”.

Điều bất ngờ hơn, người bán còn tận mắt nhìn thấy bản sao giấy nhận tiền lần hai (350 triệu đồng) giờ có thêm chữ một tỷ vào phía trước thành “Một tỷ ba trăm năm mươi triệu đồng chẵn”. Ở đợt ba, giấy mượn tiền (30 ngàn USD và 20 triệu đồng) có thêm chữ “bốn mươi lượng vàng SJC” ở hàng dưới cùng (!?). Cho rằng luật sư H. đã chiếm giữ trái phép tiền mua bán nhà của đôi bên và có nhiều hành vi mờ ám, người bán đã gửi đơn tố giác luật sư H.

Chưa rõ thực hư

Vì sao có sự không trùng khớp về các khoản tiền giao-nhận giữa hai bên mua bán? Giải thích sao về việc người mua nói đưa dư, người bán nói chưa nhận đủ? Thay vì đi thẳng vào vấn đề với PV Báo Pháp Luật TP.HCM, luật sư H. chỉ giải thích lòng vòng và cho rằng người bán còn nợ tiền người mua. Song căn cứ vào trình bày của chính luật sư H., chúng tôi lại nhận thấy người mua vẫn còn nợ người bán khoảng 100 triệu đồng (?). Luật sư H. khẳng định tất cả những lần giao nhận tiền đều được thực hiện tại văn phòng của ông. Ông chỉ có thiếu sót ở chỗ không làm hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng (người mua) và không mời người làm chứng trong những lần giao nhận tiền.

Cũng theo luật sư H., người bán đã vi phạm nghĩa vụ bán nhà khi tự ý cầm cố giấy tờ nhà cho người thân chứ không chịu giao lại cho người mua. Do muốn làm ăn chung với người bán nên ông đã vay mượn tiền để cho người bán mượn lại (tổng cộng là 20 triệu đồng + 30.000 USD + 40 lượng vàng SJC) trong thời hạn một tháng. Nay vì người bán không trả nợ nên ông đã khởi kiện người bán ra tòa để đòi nợ và TAND quận Bình Thạnh đang thụ lý vụ án.

Theo luật sư Trần Công Ly Tao, thành viên Ban Khen thưởng-Thi đua-Kỷ luật Đoàn luật sư TP.HCM, luật sư khi làm việc với khách hàng đều phải có hợp đồng dịch vụ pháp lý thể hiện cụ thể quyền và nghĩa vụ của hai bên. Khi đứng ra làm chứng cho một giao dịch, luật sư chỉ được chứng kiến sự việc, không được can thiệp vào bản chất sự việc và càng không được làm trung gian giao nhận tiền. Việc đi sâu vào nội dung vụ việc và nhận tiền giao dịch chỉ được đặt ra khi khách hàng ủy quyền cho luật sư thay mặt họ thực hiện hợp đồng mua bán nhà từ A tới Z (hợp đồng ủy quyền phải được công chứng).

Được biết, Đoàn luật sư TP.HCM cũng đã nhận được một số đơn khiếu nại của người dân về cách hành nghề của luật sư H. Ngoài ông Đặng Văn Sang, một người khác cũng đang chuẩn bị thưa luật sư H. đến cơ quan công an.

Chúng tôi sẽ theo dõi quá trình xử lý của các cơ quan chức năng để tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc này.

THÁI HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm