'Lớp trưởng đánh bạn' và triệu chứng 'ảo tưởng sức mạnh'

Vụ việc vẫn đang được phía công an, nhà trường phối hợp điều tra và giải quyết. Tuy nhiên, đoạn clip bạo hành bạn học “như phim trường”, mà theo nhà trường xác minh, do chính em lớp trưởng làm “đạo diễn” và tham gia chung, khiến không ít các bậc làm cha mẹ có con làm “cán bộ lớp” lo lắng. 

Phải chăng em lớp trưởng đang bị chứng “ảo tưởng sức mạnh” – vốn là căn bệnh do tiếp xúc với “quyền lực ảo” một cách bị động khi còn quá nhỏ?

“Cán bộ lớp”: Thiệt cả đôi đường

Sẽ là không nói quá khi dùng chữ “cán bộ” cho các em “may mắn” được giáo viên chủ nhiệm chỉ định làm “lớp trưởng”. Ngày xưa khi còn đi học, bản thân tôi đã quá quen với nghi thức đầu năm – bầu ra “cán bộ lớp”. 

Lớp trưởng ngày xưa (và cả bây giờ) tại nhiều trường phổ thông, đặc biệt là bậc tiểu học và trung học cơ sở, được giáo viên giao nhiều “đặc quyền” mà tôi chắc mẫm rằng bất kỳ đứa trẻ cùng trang lứa nào tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… cũng phải ngạc nhiên.

Lớp trưởng, đúng với cái danh “cán bộ lớp”, có quyền: phân công cho bất kỳ bạn nào trong lớp trực nhật (quét lớp, giặt khăn lau bảng,…); giám sát các bạn trong lớp, ghi vào sổ theo giỏi và “mách” lại giáo viên chủ nhiệm những bạn nào nói chuyện riêng, lười học, chưa làm bài tập để thầy cô phê bình trước lớp, có khi là “đánh đòn” vào giờ sinh hoạt lớp cuối tuần.

Có khi lớp trưởng “cao hứng” còn yêu cầu bạn trong lớp mua giúp chai nước, cái kẹo để đổi lại sự “tha thứ” khi bạn bè nhỡ một lần lầm lỗi. 

“Choáng” hơn, có khi giáo viên đánh đòn một số em học sinh phạm quy tắc của trường lớp, mỏi tay quá nên chuyển qua nhờ bọn lớp trưởng chúng tôi…đánh giúp với lời đe: “Đánh nhẹ, cô đánh cả em”.

Chính những “đặc quyền” trên khiến nhiều em lớp trưởng tự cho mình cái “thế” trên bạn trên bè. Khi thấy yếu thế hoặc tranh luận không lại bất kỳ ai, các em tìm đến giáo viên để “chống lưng”. 

Lâu ngày dài tháng, thói quan liêu, mách lẻo, thích “vạch lá tìm sâu” để gây áp lực với bạn đồng trang lứa… dần hình thành trên những “trang giấy trắng”.

Nhiều đứa trẻ được phân công làm lớp trưởng còn cảm giác “lưỡng nan” về thứ mà người lớn gọi là quyền lực – điều quá sức đối với những đứa trẻ phổ thông. 

Nhiều em lớp trưởng “tí hon” trở nên lo lắng, sợ hãi vì “nếu nghe lời thầy cô, giám sát và “méc” lỗi lầm của các bạn thì bị các bạn cùng lớp nghỉ chơi, thậm chí là đe dọa. Còn nếu nhắm mắt bỏ qua cho các bạn thì lại bị thầy cô la rầy”. 

Trường học ngày xưa nơi tôi làm “cán bộ lớp”, vài em lớp trưởng bị bạn cùng lớp “đánh hội đồng” khi tan trường vì tội “mách lẻo”; trong khi nhiều em khác bị viết bản kiểm điểm, bị khiển trách trước lớp vì “thấy bạn phạm lỗi mà không báo thầy cô”.     

Đừng “phá” tuổi thơ của các em

Tôi có dịp đi đây đó và may mắn nghe nhiều câu chuyện về “thuật lãnh đạo” trong ngành giáo dục. Nhưng ngay cả chỉ cần đọc báo, xem tivi, hay thưởng thức các bộ phim của phương Tây thì cũng đủ để nhà trường và các vị phụ huynh suy nghĩ lại về “cán bộ lớp” hay “lớp trưởng” quê mình.

Trẻ ở phương Tây khi bước vào lớp học đều bình đẳng, nghĩa là không có lớp trưởng theo cái nghĩa “cán bộ” của lớp như ở mình. 

Quyền lợi và nghĩa vụ của các em là như nhau trong mọi hoàn cảnh: trực lớp, hoạt động phong trào, hoạt động ngoại khóa… Không có chuyện một em học sinh nào được quyền chỉ định bạn bè làm việc cho mình hoặc cho lớp.

Tất nhiên, lớp học phương tây cũng sẽ có “lớp trưởng” – được hiểu là người đại diện lớp nói lên những khó khăn của các bạn học sinh, đề đạt những nguyện vọng, tâm tư, tình cảm hay một sáng kiến có lợi cho lớp lên thầy cô. 

Lớp trưởng cũng là người có học lực, đạo đức và năng lực tổ chức tốt để giúp các bạn tham gia vào các hoạt động học tập, rèn luyện một cách hiệu quả. Quan trọng là, lớp trưởng được lớp bầu ra sau một thời gian học tập và thể hiện bản thân với lợi ích chung của lớp học.

Bọn tôi hay nói vui với nhau: “Muốn làm lớp trưởng ở Tây, cũng như Tổng thống Mỹ vậy. Phải bình đẳng với bạn bè. Thực hiện bằng được lời hứa với bạn bè trong lớp về những đóng góp trong suốt “nhiệm kỳ” của mình: làm sao để điểm trung bình của lớp tiến bộ; giúp các bạn học yếu; đạt giải hội thao của trường; tổ chức tốt các buổi học ngoài trời... Phải đi đầu về sáng kiến, tổ chức trong các hoạt động chung của lớp học. Và quan trọng nhất là được bạn bè tín nhiệm, bỏ phiếu bầu kín”.

Có lần tôi tham gia vào một lớp học với sinh viên đến từ nhiều nước ASEAN, với cô giáo người Nhật. Lớp 30 bạn, và có ba bạn ứng cử vào vị trí lớp trưởng. Mỗi bạn sẽ có 30 giây đến một phút để thuyết phục lớp bằng gợi ý: “Bạn sẽ làm gì và làm bằng cách nào để đóng góp cho lớp?” 

Với tôi, đó là “thời khắc” đáng nhớ về một người lãnh đạo thực sự: dám nói, dám làm, dám chịu vì lợi ích chung; chứ không phải một “cán bộ” theo kiểu “nói gì ai cũng phải nghe”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm