Lớp học ca 3 và bài toán thiếu quỹ đất

Chuyện giờ giấc học hành của con đã làm xáo tung cuộc sống gia đình”. Đó là tâm sự của một phụ huynh có con phải học ca 3 ở Trường Tiểu học Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Nhưng phụ huynh này còn có thời gian đưa đón con, nhiều phụ huynh khác là công nhân cho biết họ phải đành bỏ mặc con cho cô giáo, nhà trường lo được cho bọn trẻ ăn uống tới đâu hay tới đó. (Xem bài “Khốn khổ với lớp học ca 3 giữa TP Biên Hòa”, báo Pháp Luật TP.HCMngày 26-8)

Nguyên nhân tái xuất hiện lớp học ca 3 được chính quyền địa phương đưa ra là tình trạng tăng dân số cơ học quá nhanh do tỉnh hình thành nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất thu hút hàng vạn lao động từ các địa phương khác. Theo Phòng GD&ĐT TP Biên Hòa, năm học mới này TP tăng thêm 8.100 học sinh so với năm học trước.

Tình hình tăng dân số cơ học nhanh cũng là vấn đề mà các TP, tỉnh phát triển nhanh như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương… đang đối đầu. Tăng dân số đặt ra hàng loạt vấn đề xã hội mà các địa phương nói trên phải giải quyết, trong đó có vấn đề xây dựng trường lớp cho con em lao động nhập cư.

Hằng năm, chính quyền các tỉnh, TP này đều xây thêm trường học nhưng cũng không đáp ứng kịp đà tăng nhanh học sinh. Biện pháp trước mắt của ngành GD&ĐT các địa phương là tăng sĩ số học sinh trên lớp, có nơi lên đến 60-70 em/lớp và tổ chức lớp học ca 3. Tuy nhiên, hiện các địa phương đang đau đầu với vấn đề thiếu quỹ đất để xây trường. Một số tỉnh, TP đã chủ động tìm các giải pháp khắc phục tình trạng này như thu hồi các dự án sử dụng sai mục đích hoặc bỏ không; đề xuất dành các khu đất để xây dựng thêm trường học; yêu cầu chủ đầu tư các khu đô thị, các khu chung cư bố trí quỹ đất xây trường...

Điều đáng nói là đến nay hầu hết các địa phương trên cả nước đều đã có quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Tuy nhiên, các quy hoạch này đến nay không còn phù hợp, bị “vỡ trận” do không lường trước được tốc độ tăng quá nhanh lao động nhập cư.

Tại buổi làm việc với các giám đốc sở GD&ĐT của 63 tỉnh, thành trong cả nước mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị căn cứ vào thực tế tại địa phương, các giám đốc sở hãy chỉ ra những bất cập, tồn tại trong ngành cần phải ưu tiên chấn chỉnh, khắc phục. Sau một ngày làm việc, có tám vấn đề được các giám đốc sở thống nhất đưa ra, trong đó đứng ở vị trí số một là yêu cầu quy hoạch lại mạng lưới trường học.

Quy hoạch lại mạng lưới trường lớp là giải pháp căn cơ cần làm ngay trước khi quá muộn. Vì nếu không kịp thời tháo gỡ tình trạng trường lớp quá tải và lớp học ca 3 thì đây có thể trở thành vấn đề nóng của xã hội trong tương lai, sẽ không chỉ địa phương có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp ở Đồng Nai có tình trạng này.

QUANG ÂN (Quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm