Loay hoay tìm chỗ ở cho các “hộ vỉa hè”

Đó là bảy hộ dân với khoảng 40 con người đang dựng lều dọc theo vỉa hè trên đường Nguyễn Thị Diệu, phường 6, quận 3 (gần chợ Đũi) để sinh sống trong nhiều năm (!?). Đầu năm nay, khi kiểm tra công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn quận 3, Ủy ban MTTQ TP.HCM đã xác định cảnh nhếch nhác trên là một trong những “điểm nóng” cần giải quyết sớm.

Không đủ điều kiện được bồi thường

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bảy hộ trên từng có nhà cửa ở khu Chợ Đũi (hẻm 158/A). Năm 1976-1977, họ cùng với nhiều gia đình khác đi kinh tế mới ở Tây Nguyên và Sông Bé cũ (nay là Bình Dương). Sau đó, họ về lại chợ Đũi. Do nhà cũ đã không còn, các hộ đành dựng lều để che mưa, nắng...

Năm 1980, khi nhà nước bố trí cho mỗi hộ dân đi kinh tế mới về một căn phòng ở 72 Trương Quyền (phường 6, quận 3) thì bảy hộ trên cũng được bố trí phòng và cấp hộ khẩu thường trú tại địa chỉ này. Khoảng cuối năm 1988, vì khu nhà bị xuống cấp nên UBND quận 3 đã thu hồi lại để sửa chữa. Lúc đó, mỗi người được hỗ trợ tiền để đi mướn chỗ ở tạm thời. Chừng lúc sửa xong, quận quyết định bán đứt cho các hộ nhưng do không tiền mua nên họ tiếp tục quay về chợ Đũi dựng lều ở và được cấp sổ tạm trú tại đây.

Đến năm 2006, khu chợ Đũi có quyết định giải tỏa để xây dựng khu Trung tâm Thương mại dịch vụ Chợ Đũi. Song bảy hộ trên đã không được bồi thường với lý do: họ chỉ ở tạm vỉa hè của khu chợ, không có đất riêng.

Mong một mái nhà

Sáu chiếc xe đẩy bán khoai mì xếp hàng tại vỉa hè 45 Nguyễn Thị Diệu là phương tiện kiếm sống của bảy hộ dân ở đây. Hầu như đêm nào cũng phải đến 12 giờ họ mới đi ngủ. Vì vào lúc này thì các quán ăn, nhà hàng... mới đóng cửa nghỉ. Tới 2 giờ sáng, lửa được nhóm lên, một ngày làm việc mới bắt đầu. 6 giờ sáng, các xe khoai mì tỏa đi khắp ngả. Hôm nào bán đắt thì về khoảng 6, 7 giờ tối, bán ế thì về muộn hơn. Có hộ không có tiền mua chiếc xe đẩy, phải đi đẩy thuê cho người khác để kiếm đồng ra đồng vào. Như trường hợp của chị Đoàn Thị Liễu, cứ mỗi sáng sớm chị đón xe buýt từ quận 3 đến Gò Vấp để đẩy xe khoai đi bán cho người ta. Mỗi ngày chị được chủ trả 30.000 đồng.

Những đứa trẻ ở đây cũng chưa bao giờ được đến trường. Chị Điều Thị Nhung bị đau nặng, hai đứa con của chị cũng phải lây lất sống theo người thân. Bé Mộng Vân 10 tuổi cũng không được đi học...

Theo anh Nguyễn Văn Hùng - nguyên tổ trưởng tổ 6, khu phố 1, phường 6, quận 3 thì trước đó, bảy hộ dân này có đi cùng với các hộ khác đến khu tái định cư ở phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức). Cán bộ quận có nói sẽ giải quyết cho bảy hộ một số đất để ở nhưng đã hai năm rời khu chợ Đũi mà bảy hộ vẫn lang thang ở vỉa hè...

Chính quyền sẽ hỗ trợ tiền thuê

Ông Nguyễn Chí Thành - Chủ tịch UBND phường 6 cho biết: “Hiện phường đang vận động các hộ này đi thuê nhà vừa tầm để ở. Phía phường sẽ dùng Quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ họ trong một thời gian nhất định. Ngày 15-8 tới đây, để thực hiện “năm văn minh đô thị”, phường sẽ chuyển các hộ ra khỏi khu vực vỉa hè. Cũng theo ông Thành, phường đã đề xuất lên trên nguyện vọng của các hộ là được mua một miếng đất trả góp mà TP đã đồng ý bố trí tái định cư cho dân khu chợ Đũi. Hoặc TP có một quỹ đất bố trí tái định cư cho người nghèo để bố trí họ về đó. Song chưa rõ các đề xuất này sẽ được giải quyết thế nào...

Chiều ngày 7-8, trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hường - Phó Chủ tịch UBND quận 3 cũng cho biết: Quận đã chỉ đạo phường làm việc với các hộ theo hướng sẽ hỗ trợ cho họ một số tiền để thuê nhà ở.

Bà Hường giải thích: Vì các hộ có hộ khẩu ở TP nên quận mới chần chừ “giải tỏa” họ cho đến nay (chứ nếu không quận đã thu gom họ ở dạng lang thang). Trước mắt, địa phương sẽ hỗ trợ cho họ một số tiền để họ đi thuê nhà, còn lâu dài thì phải tính thêm chứ không thể để tình trạng này kéo dài. Cần nói thêm, trong dự án chợ Đũi, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm mua đất để giải quyết cho những hộ dân có nhà, đất tại khu vực này. Do không có nhà, đất trên địa bàn nên bảy hộ trên không thể hưởng những quyền lợi tương tự.

Ông Lê Hiếu Đằng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM:

Dù bất cứ lý do nào, chính quyền cũng không thể để dân sống ở vỉa hè như thế được. Ngoài việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị, chính quyền còn phải có trách nhiệm đảm bảo cuộc sống ổn định cho cư dân, không thể nói “không có giải pháp” là xong! Nếu UBND quận 3 lúng túng thì nên báo cáo và kiến nghị UBND TP giải quyết.

NGUYỄN ĐỨC - MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm