ĐỀ XUẤT KHÔNG CẮT ĐIỆN, NƯỚC CÔNG TRÌNH VI PHẠM XÂY DỰNG

Lo ngại mất kiểm soát trật tự xây dựng

Quá lo nếu bỏ biện pháp cắt điện, nước, đăng ký kinh doanh tại công trình vi phạm xây dựng - đó là suy nghĩ của nhiều cán bộ quản lý nhà nước khi nói về dự thảo sửa đổi Nghị định 180/2007 do Bộ Xây dựng soạn thảo (Pháp Luật TP.HCM ngày 15-9). Đề xuất tăng thẩm quyền cho phường/xã trong giải quyết công trình gây sự cố cho nhà lân cận cũng gây không ít e ngại.

Ông NGUYỄN NHƯ HỒNG, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Phú Nhuận:

Cắt điện, nước còn chưa ăn thua, huống hồ…

Lâu nay cắt điện, nước công trình vi phạm xây dựng là biện pháp hữu hiệu để đình chỉ thi công. Nếu không cắt điện, nước ngay thì chủ công trình vi phạm rất dễ thi công tiếp tục vì cơ quan chức năng không thể bố trí lực lượng canh giữ 24/24 được. Tới khi công trình được hoàn thiện thì càng phức tạp hơn trong khâu xử lý vi phạm.

Trước đây, chúng tôi đã áp dụng biện pháp này quyết liệt mà một số chủ đầu tư còn tìm cách lách để tiếp tục vi phạm. Nếu bây giờ bỏ hẳn, không khéo dẫn đến mất kiểm soát trật tự xây dựng dù đã phát hiện từ đầu. Ngoài ra, nếu công trình sai phép cứ tiếp tục được xây dựng thì dư luận lại cho rằng cơ quan chức năng không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí có khuất tất hay bao che.

Một khi vẫn phải bỏ biện pháp cắt điện, nước do không đồng bộ với các quy định pháp luật, tôi đề nghị nhất thiết phải có những quy định bổ sung để tăng cường quản lý trật tự xây dựng. Chẳng hạn luật phải quy định trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu trong trường hợp cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm, yêu cầu dừng thi công nhưng họ vẫn tiếp thực hiện.

Lo ngại mất kiểm soát trật tự xây dựng ảnh 1

Lâu nay, cắt điện, nước công trình vi phạm xây dựng là một biện pháp  hữu hiệu để đình chỉ thi công. Ảnh: HTD

Ông TRẦN MINH TÚ, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức: 

Phường không đủ chuyên môn để quyết định

 Trực tiếp quản lý địa phương, tôi cho rằng cần thiết phải giữ biện pháp cắt điện, nước các công trình vi phạm xây dựng để ngăn chặn những hệ lụy. Khi bị cắt điện, nước, người dân buộc phải tự động khắc phục vi phạm vì không thể tiếp tục sử dụng công trình. Còn nếu có điện, nước, họ sẽ ung dung dọn vào ở ngay. Khi đó việc xử lý công trình vi phạm rất khó khăn, gây áp lực tâm lý nặng nề cho cả cơ quan quản lý lẫn người vi phạm.

Đề xuất tăng thẩm quyền của chủ tịch UBND phường trong giải quyết công trình gây ảnh hưởng đến nhà lân cận cũng không dễ thực hiện. UBND phường không có các bộ phận chuyên môn mà chỉ có cán bộ nhà đất, thủy lợi, kế toán… nhưng chỉ là mang tính tổng hợp. Phường không thể biết được công trình đó gây ảnh hưởng đến nhà lân cận đến mức nào để ra quyết định đình chỉ thi công, cũng không thể biết được mức độ thiệt hại là bao nhiêu để quyết định mức bảo lãnh và cho công trình gây sự cố tiếp tục được thi công.

Phường chỉ là cơ quan hòa giải và cố gắng hết sức thực hiện nhiệm vụ này. Còn quyết định các vấn đề mang tính chuyên môn thì cần thiết phải do các cơ quan chuyên trách như UBND quận, huyện hay Sở Xây dựng giải quyết. Giao cho UBND phường đảm nhiệm trong khi khả năng của phường không thể đảm bảo thì rất dễ dẫn đến sai sót.

Ông TRẦN HOÀNG QUÂN, Phó Chủ tịch UBND quận 4:

Phạt tiền sẽ không đủ sức răn đe

Cá nhân tôi cho rằng cần thiết phải có một biện pháp đủ mạnh và đủ hiệu quả để thiết lập trật tự xây dựng và cắt điện, nước công trình vi phạm là một cách để công trình phải đình chỉ thi công chờ xử lý. Người bị áp dụng biện pháp này là người cố tình vi phạm. Nếu chỉ áp dụng hình thức phạt tiền như trước nay thì không đủ để ngăn chặn.

Ông ĐOÀN NHỰTPhó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh: 

Nên phân loại đối tượng bị cắt điện, nước

Trên thực tế có trường hợp chỉ xây sai phép một phần rất nhỏ, trong khi phần công trình chính còn lại vẫn đúng phép. Khi đó việc cắt điện, nước sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Do đó, theo tôi nên phân loại đối tượng. Còn với công trình không phép mà không thuộc diện được cấp phép xây dựng, tức phải tháo dỡ thì không cung cấp điện, nước là biện pháp tốt để đảm bảo trật tự kỷ cương. Trước nay, huyện đã thống nhất với cơ quan điện lực là chỉ gắn điện kế sinh hoạt cho trường hợp có giấy tờ phù hợp với mục đích sử dụng.

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm