Lẽ nào chỉ TP.HCM làm khó người nộp thuế?

Nhiều bạn đọc cho biết họ đang đứng ngồi không yên do cả tháng nay chưa đóng được thuế để hoàn tất hồ sơ mua bán nhà, đất.

Thuế cao quá nên đã hủy hợp đồng

Tôi có hai căn nhà, một căn để ở, một căn cho thuê. Cuối tháng 6-2013, tôi chuyển nhượng căn cho thuê với giá hơn 4 tỉ đồng. Căn nhà này tôi rao bán gần hai năm mới có người mua. Khi tôi đi công chứng hợp đồng xong thì bên mua thanh toán được 1/2 tiền, phần còn lại họ hứa sẽ chồng tiếp sau khi nộp thuế, sang tên xong. Mọi chuyện tưởng sẽ kết thúc trong suôn sẻ cho đến khi tôi cầm hồ sơ đi hỏi thuế thì mới “té ngửa” với mức thuế mất “25% tiền lãi” số tiền thuế TNCN mà tôi phải nộp là hơn 1 tỉ đồng. Đây là số tiền mà vợ chồng tôi dự tính sẽ dùng để sang cái sạp chợ bán quần áo mưu sinh, giờ nộp thuế là “đứt cần câu cơm” luôn!

Lẽ nào chỉ TP.HCM làm khó người nộp thuế? ảnh 1

Làm thủ tục đóng thuế nhà đất tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Không còn cách nào khác, tôi bàn với chồng thế chấp căn nhà đang ở để vay tiền trả nợ do làm ăn thua lỗ chứ không bán nhà nữa. Sau đó, tôi và bên mua nhà thống nhất hủy hợp đồng mua bán và tôi chịu phần lệ phí công chứng hợp đồng. Cũng may là người mua đồng ý cho vợ chồng tôi nửa tháng để xoay xở tiền trả lại cho họ chứ nếu không là mệt. Nghĩ tới cảnh hằng tháng phải gồng mình trả cho ngân hàng một khoản lãi, chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên.

HT (Quận Phú Nhuận, TP.HCM)

Phải vay nóng để đóng tiền học cho con

Trước đây tôi có thế chấp ngân hàng một căn nhà để vay tiền cho con đi du học. Do không muốn tiếp tục trả lãi nên tôi quyết định bán nhà với ý định trả dứt nợ ngân hàng, đồng thời có khoản tiền đóng tiền học cho con. Sau khi công chứng xong hợp đồng mua bán nhà, người mua đã đưa trước cho tôi 1/2 nhưng khoản tiền này chỉ đủ để tôi trả nợ ngân hàng. Cứ tưởng chờ một thời gian ngắn nữa sẽ được nhận 1/2 còn lại nên tôi tạm vay nóng bên ngoài để kịp gửi ra nước ngoài cho con.

Nào ngờ chi cục thuế đòi tôi đóng theo mức thuế mất 25% chênh lệch giá mua, giá bán, quy ra tiền là hơn 800 triệu đồng, trong khi nếu được đóng theo mức 2% giá trị chuyển nhượng thì tôi chỉ mất 70 triệu đồng. Thấy vô lý vì tôi không hề có hóa đơn, chứng từ thể hiện giá mua, giá bán nên tôi không đồng ý nộp 25%. Hiện thời tôi vừa phải kiếm tiền trả lãi vay nóng, vừa bị người mua thúc giục giao nhà từng ngày.

Một bạn đọc ở quận 5, TP.HCM

Ủng hộ một mức thuế suất duy nhất là 2%

Bài “Một cách thu để tránh lạm dụng” (Pháp Luật TP.HCM ngày 5-8) nhận được nhiều sự đồng thuận của bạn đọc. Bạn đọc thaihoanghuy@... nêu lý lẽ: “Nói là thu 25% trên thực lãi bằng cách lấy giá bán trừ giá mua và các chi phí liên quan nhưng khoản chênh lệch đó có là thực lãi? Bởi lẽ nhà mua 3 tỉ đồng mà sau bán được 3,1 tỉ đồng nhưng khi đó tỉ lệ lạm phát là bao nhiêu thì Nhà nước cũng phải tính cho người dân chứ!”. Tương tự, bạn đọc hung@... cho rằng: “Cách tính 25%/lợi nhuận hết sức phi lý. Nếu xem xét kỹ lưỡng các yếu tố lạm phát, trượt giá… thì có khi không lỗ đã là may chứ nói gì đến lời!”.

Bạn đọc uy@... lưu ý: “Cách tính thuế cần thật đơn giản để người nộp thuế dễ hiểu, dễ thực hiện. Trên quan điểm này, tôi đề nghị bỏ phương án tính 25%, chỉ nên có một phương án là 2% trên giá trị chuyển nhượng”.

TP

Chỉ TP.HCM vướng, nơi khác thu bình thường

Ngày 5-8, trao đổi với các PV, lãnh đạo Cục Thuế nhiều tỉnh đều khẳng định: “Đối với việc chuyển nhượng bất động sản, địa phương vẫn thu thuế TNCN bình thường, hoàn toàn không có vướng mắc gì từ Nghị định 65/2013 của Chính phủ”.

Một lãnh đạo Cục Thuế TP Hà Nội cho biết: Hiện thị trường bất động sản Hà Nội rất trầm lắng, chỉ có một số trường hợp cho tặng, thừa kế, ít phát sinh các giao dịch mua bán. Từ ngày 1-7 đến nay, sau khi Nghị định 65/2013 có hiệu lực, nơi đây đã tạm thời chỉ đạo các chi cục tiếp tục thu thuế theo hướng nếu người dân chứng minh được giá mua, bán, các chi phí khác thì thu 25%/thực lãi, nếu không chứng minh được thì thu 2%/giá bán tại thời điểm giao dịch. “Nếu có hóa đơn đầu vào, đầu ra thì xác định 25%/thực lãi rất dễ. Tuy nhiên, việc này chỉ dễ thực hiện đối với các giao dịch của các tổ chức. Ngược lại, đối với các giao dịch của cá nhân vốn khó chứng minh thực lãi thì Hà Nội thu mức 2% để gọn hơn, đỡ phiền hà cho người dân” - vị này chia sẻ.

Tại Đà Nẵng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Nguyễn Đình Ân cũng cho biết: “Đà Nẵng không thấy có vướng mắc gì từ Nghị định 65. Nếu người nộp thuế có hóa đơn, chứng từ thì cơ quan thuế thu 25% trên chênh lệch giữa giá bán, giá mua và các chi phí liên quan. Nếu không có hóa đơn, chứng từ thì thu 2% trên giá chuyển nhượng”.

Tại Đồng Nai, ông Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho rằng: “Nghị định 65 đã quy định rất cụ thể và không có gì thay đổi so với trước đây. Do vậy, chúng tôi không hề gặp khó khăn trong việc thu thuế. Mức thu 25% hay 2% sẽ được áp dụng tùy thuộc người dân có hóa đơn, chứng từ chứng minh hay không”.

Tại Cần Thơ, ông Võ Kim Hoàng, Cục trưởng Cục Thuế TP, thông tin: “Từ ngày 1-7 đến nay, số lượng hồ sơ mua bán nhà, đất tại TP Cần Thơ không nhiều lắm và chúng tôi vẫn tiếp tục áp dụng cách thu thuế như cũ. Trước giờ, đa phần là thu 2% trên giá chuyển nhượng vì ngoài hợp đồng mua bán thì người nộp thuế thường không có hóa đơn, chứng từ”.

T.PHÚ - T.TÀI - D.ĐÔNG - T.DUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm