Lẽ nào bó tay với cơ sở gây ô nhiễm

Lâu nay tình trạng môi trường bị ô nhiễm vì khói bụi, mùi hôi… đã làm cho người dân khổ sở, vậy mà vẫn không giảm. Đáng nói hơn là nhiều cơ sở đã bị nhắc nhở, xử phạt thậm chí người liên quan còn bị xử lý hình sự nhưng chuyện đâu rồi cũng vào đó.

TP.HCM đất chật, dân cư đông đúc. Việc ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng một nhà, một người mà lây ra cả khu vực. Nếu không xử nghiêm thì sẽ làm tiền lệ cho các vi phạm khác. Lúc đó người dân là phía chịu thiệt thòi nhất. Đừng để người dân thì cứ trông vào chính quyền còn chính quyền thì cứ “bó tay”” - bạn đọc Võ Như Thành (cán bộ Khu công nghệ cao TP.HCM) phản ứng.

Trước tình hình này, bạn đọc Trần Văn Ngã (Cư xá Phú Thọ Hòa, TP.HCM) đề xuất: “Để giải quyết theo tôi, thứ nhất phải tìm hiểu tại sao cơ sở gây ô nhiễm bị phạt hoài mà người ta vẫn tái phạm. Liệu mức phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe bởi việc xử lý hình sự cũng mới chỉ dừng lại ở phạt tù treo? Liệu người dân đang quá bức bí về kinh tế nên phải làm sai, phải chịu phạt để tiếp tục sản xuất? Ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường sống của khu vực kém đến mức nào mà họ coi thường sức khỏe của người khác đến vậy? Sau khi khảo sát, cần đưa ra kết luận chính xác nhất để tìm thuốc giải.

Thứ hai, theo tôi không có người dân nào có quyền đứng trên pháp luật. Pháp luật đã quy định thì phải thực hiện và thực hiện nghiêm, có sai thì bị xử lý để đảm bảo trật tự xã hội. Chúng ta đã có những biện pháp chế tài nhưng vẫn chưa hiệu quả. Tuy nhiên, nhìn lại vẫn còn có những biện pháp chưa áp dụng. Luật cho phép chúng ta có thể rút giấy phép hoạt động, nếu không rút được thì kiến nghị đình chỉ công đoạn gây ô nhiễm. Rút giấy phép xem như khai tử cơ sở, điều này phải cân nhắc nhưng không có nghĩa là chúng ta không được làm khi mà những sai phạm xảy ra quá mức, cơ sở liên tục tái phạm, bất chấp hậu quả, gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường, cho người dân sống xung quanh. Biện pháp đình chỉ công đoạn gây ô nhiễm cũng là hướng đi phù hợp để buộc cơ sở khắc phục. Nếu khắc phục được thì cho tiếp tục công đoạn đó. Các cơ quan quản lý nhà nước đang được người dân tin tưởng giao cho nhiệm vụ này. Nếu không hoàn thành thì các cơ quan liên quan có lỗi với người dân.

Ngoài ra, việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư là cần thiết. Điều ấy không đồng nghĩa với việc ra khỏi khu dân cư là được phép gây ô nhiễm. Chúng ta cần siết chặt hơn nữa những quy định về chất thải độc hại, kiểm tra chặt chẽ quy trình sản xuất để bảo vệ môi trường xanh của chúng ta”.

Ban CTBĐ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm